1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngày thứ 4 xét xử vụ Nguyễn Lâm Thái:

Cán bộ thuế bị “tố” nhận phong bì?

(Dân trí) - “Hàng tháng, trong mỗi lần báo cáo thuế đều có phong bì từ 500.000 đến 1 triệu đồng để bồi dưỡng cán bộ thuế. Đó không chỉ là luật “bất thành văn” của công ty bị cáo mà công ty nào cũng vậy” - Bị cáo Lê Thanh Hùng “dõng dạc” trước tòa.

Phiên tòa ngày 14/4 tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo nguyên là giám đốc các công ty “sân sau” của Nguyễn Lâm Thái, các cán bộ thuộc Trung tâm Thẩm định giá Bộ Tài chính, các cán bộ nguyên là lãnh đạo bưu điện một số tỉnh thành… xoay quanh vấn đề xét hỏi nhóm bị cáo trong tội danh “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” do có hành vi mua bán hóa đơn GTGT.

Mỗi lần báo cáo thuế đều phải kèm phong bì lót tay?

Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Lê Thanh Hùng không thừa nhận mình là giám đốc của 4 công ty. Hùng chỉ khai nhận là giám đốc của công ty TNHH quảng cáo Xuyên Việt.

Trong 3 công ty còn lại là công ty cổ phần thương mại xây dựng và quảng cáo Tam Thanh, công ty TNHH thương mại và quảng cáo Hà Thành và công ty TNHH thương mại và quảng cáo KS, thì Hùng chỉ là 1 cổ đông của 1 công ty và 2 công ty còn lại chỉ là “làm theo chỉ đạo.

Theo cáo trạng, Hùng đã bán 79 hóa đơn GTGT khống cho các công ty của Nguyễn Lâm Thái để thu từ 3-3,5% số tiền trên hóa đơn, với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng và đã được Thái quyết toán gần 887 triệu đồng.

Tâm điểm trong phiên xét xử sáng ngày 14/4 là phần trả lời chất vấn của bị cáo Nguyễn Văn Thức, nguyên giám đốc trung tâm thẩm định giá (Bộ Tài chính). Trước HĐXX, Thức chỉ đồng ý với tội danh thiếu trách nhiệm. Còn về tội danh mà cáo trạng đề cập là gây thất thoát cho VNPT thì Thức cho rằng mình chỉ là người gián tiếp.

Bị cáo Thức khai nhận mình không thực hiện ký kết các hợp đồng thẩm định giá với các công ty của Nguyễn Lâm Thái, mà đó thực chất chỉ là những bảng cung cấp về thông tin giá cả các mặt hàng vật tư, thiết bị.

Bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (giám đốc công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Việt Thông) người đã trực tiếp bán 3 hóa đơn GTGT khống cho công ty của Thái, thu 3% trên tổng số tiền, thu lợi bất chính số tiền hơn 83 triệu đồng. Trước HĐXX, Dũng mối quan hệ làm ăn này là dcho rằng do từng là bạn học nên khi Thái đặt quan hệ làm ăn kinh doanh thì sẵn sàng giúp đỡ bạn.

Còn bị cáo Trương Hồng Khoa (cán bộ thuế quận Đống Đa, Hà Nội) thành khẩn rằng việc mình bán hóa đơn cho 3 trong 4 công ty của Lê Thanh Hùng là công việc hoàn toàn đúng pháp luật, đúng nhiệm vụ được giao và mỗi lần thực hiện giao dịch mua bán như thế thì đã được lãnh đạo cục thuế quận Đống Đa xét duyệt.

Lãnh đạo bưu điện các tỉnh, thành chịu áp lực từ trên (?).

Tại phiên xét xử buổi chiều, HĐXX đã lần lượt triệu tập các bị cáo nguyên là quan chức của 2 Bưu điện An Giang và Ninh Thuận, được VKSNDTC đánh giá là thiệt hại lớn nhất trong các Bưu điện có liên quan đến vụ Nguyễn Lâm Thái.

Hầu hết các bị cáo đều cho rằng cáo buộc của VKS là quá nặng. Các bị cáo khẳng định chỉ sai phạm về mặt thời gian để hợp thức hóa các hợp đồng, tức là chỉ sai phạm về mặt thủ tục hành chính.

Bị cáo Bùi Trọng Khái, nguyên phó giám đốc bưu điện tỉnh An Giang thừa nhận ký vào 3 bản hợp đồng với các công ty của Thái. Tuy nhiên, biện hộ cho những sai phạm này, ông Khái trả lời gọn gàng: “Trước những hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng thì mới theo quy chế đấu thầu, còn các hợp đồng mua sắm nhỏ lẻ này thì giám đốc tự quyết định”.

Khi thẩm vấn về 19 bản hợp đồng mà đã ký với công ty của Thái, lãnh đạo của bưu điện Ninh Thuận thì kẻ nói xuôi, người nói ngược.

Bị cáo Nguyễn Hoàng Nhân, nguyên giám đốc bưu điện tỉnh Ninh Thuận đã thừa nhận ký 5 hợp đồng, còn 14 hợp đồng khác là do 2 phó giám đốc khác ký. Trong khi đó, “lính” của Nhân là Nguyễn Thái Hòa Bình lại cho biết: “Trong 12 hợp đồng đã ký vì bị… bắt buộc, có những cái được ủy nhiệm từ giám đốc”.

Các lãnh đạo khác của bưu điện tỉnh Ninh Thuận đã “đổ thừa” việc đặt bút ký vào các hợp đồng sai trái này là do chịu áp lực từ giám đốc Nguyễn Hoàng Nhân.

Khi vị đại diện VKS hỏi: “Bị cáo bị sức ép từ ai?” thì Nguyễn Hoàng Nhân khai nhận: “do có sức ép từ phía bên trên nên đã gây áp lực cho cấp dưới phải làm. Cấp trên đó là tổng công ty (tức VNPT)”.

Phiên tòa hôm nay, Nguyễn Lâm Thái chủ yếu nghe HĐXX, luật sư chất vấn các bị cáo khác. Tuy nhiên, khi được thẩm vấn, Thái đã “van xin” HĐXX cho tái giám định lại bản giám định của tổ giám định (Bộ Tài chính).

Ngày 16/4 phiên tòa sẽ trở lại với tiếp tục phần chất vấn các bị cáo.

Công Quang

Dòng sự kiện: Xử Nguyễn Lâm Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm