Ngày thứ 13 phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm:
Luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm liên đới của VNPT
(Dân trí) - Ngày 5/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai và phần tranh luận của các luật sư. Luật sư Trương Thị Hòa yêu cầu xem xét trách nhiệm liên đới của VNPT trong vụ án này.
“Cố ý làm trái” hay nạn nhân bị lừa?
Mở đầu ngày xét xử đại diện VKS đánh giá các ý kiến của luật sư và bị cáo trong những ngày làm việc trước đó, cơ bản gồm hai ý chính: Đó là việc định giá, giám định thiệt hại và các tội danh của bị cáo trong vụ án. Bên cạnh đó, đại diện VKS cho rằng do tính chất của vụ án nên không thể khởi tố tất cả các cá nhân sai phạm vì số lượng khá lớn, gây ra hiệu ứng không tốt.
Trọng tâm của ngày làm việc cũng như xuyên suốt từ ngày đầu xét xử đến nay là phương pháp và con số tính toán thiệt hại mà cáo trạng cáo buộc. Đại diện VKS cho rằng bản giám định được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại các phiên tòa trước đó hầu hết các bị cáo cũng như các luật sư đều bức xúc trước phương pháp giám định “riêng” của tổ giám định và mức thiệt hại bị cáo buộc là không chính xác!
Đại diện VKS cũng đã thừa nhận có sai sót trong quá trình giám định, đó là trường hợp 3 bưu điện trong đó có bưu điện tỉnh Bạc Liêu, Long An về các hợp đồng mua bán giữa Nguyễn Lâm Thái và các bưu điện xung quanh các phù điêu quảng cáo Seagames. Cơ quan CSĐT đã “quên” khấu trừ các chi phí như lắp đặt, đi lại… nhưng sau quá trình tranh luận, VKS cũng như cơ quan CSĐT đã thấy được sai sót và nhanh chóng khắc phục sửa sai.
Một chuyện khác cũng được vị đại diện cơ quan tố tụng cho biết đó là: Phía VNPT (nguyên đơn dân sự của vụ án) trước đây chưa xác định mức độ thiệt hại mà Nguyễn Lâm Thái cùng các đồng phạm gây ra cho Nhà nước; nhưng mới đây lại thừa nhận là đã xác định được và trả lời là con số đúng với cáo trạng. VKS nhận định: Chuyện phải có đơn yêu cầu bồi thường là không cần thiết, vì thiệt hại là tài sản của nhà nước nên cơ quan tố tụng quyết định thì phải đền, dù phía nguyên đơn dân sự chưa có đơn. Điều này cũng khá “lạ” so với quy trình xét xử án dân sự tại nước ta.
Ngoài ra, còn 1 vấn đề khác cũng không kém phần sôi nổi trong các phiên tranh luận là vấn đề định tội danh của các bị cáo. Đại diện VKS đều bác bỏ các cáo buộc của Nguyễn Lâm Thái cũng như các luật sư cho rằng VKS làm việc không khách quan, và khẳng định các tội danh là đúng với các hành vi mà các bị cáo gây ra.
Riêng nhóm bị cáo phạm tội danh “cố ý làm trái…” đại diện VKS nhận định Nguyễn Lâm Thái sử dụng thủ đoạn lừa đảo, lãnh đạo bưu điện các tỉnh thành không thực hiện đúng nguyên tắc đấu thầu là có hành vi cố ý. Trong khi đó, các luật sư bào chữa nhận định rằng các lãnh đạo bưu điện cũng là nạn nhân của các trò lừa đảo của Thái? Việc lãnh đạo các bưu điện tỉnh thành phạm tội cố ý thì phải có tư lợi gì? Trong khi cơ quan CSĐT không chứng minh được sự “bỏ túi riêng” đó.
Đại diện VKS thừa nhận rằng cơ quan này đã đánh giá không đúng 1 số bị cáo là lãnh đạo các bưu điện cho nên mức án bị đề nghị khá cao. VKS có ý kiến mong HĐXX trong phạm vi nào đó, cùng với các yếu tố khác như: nhân thân gia đình, những đóng góp trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, ngành bưu điện… để các bị cáo này được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Nguyễn Lâm Thái “cầu thị” và kêu oan!
Trong phần tranh tụng, hầu hết các luật sư đều cho rằng HĐXX, đại diện VKS không có cơ sở để định tội danh đối với các bị cáo, hay việc định tội “trốn thuế” và “lừa đảo” của các bị cáo là có nguy cơ chồng chéo lên nhau.
Luật sư Trịnh Anh Dũng (bào chữa cho Nguyễn Lâm Thái) đưa ra hàng loạt lập luận về hành vi của Thái như: Lừa đảo trong các hợp đồng, tàng trữ, lưu hành giấy tờ giả, in ghép ảnh, mua thấp bán cao… Theo luật sư Dũng, đây là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đặc biệt, luật sư Trương Thị Hòa thì thẳn thắn yêu cầu HĐXX, cơ quan CSĐT xem xét trách nhiệm liên đới của VNPT trong vụ án này, vì cơ quan này là đơn vị quản lý của bưu điện các tỉnh thành, chính vì sự “lỏng lẻo” trong việc kiểm tra, giám sát nên mới xảy ra những sai phạm của cấp dưới. Bên cạnh đó, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét khoan hồng đối với các bị cáo nói chung, miễn truy tố hình sự đối với nhóm bị cáo “cố ý làm trái” nói riêng.
Bị cáo Nguyễn Lâm Thái trước tòa vẫn những lời phát ngôn “năm nóng năm lạnh” nhưng Thái cũng có tinh thần, thái độ cầu thị: “Nếu sai đến đâu, tôi nhận tội đến đó!”. Mặc khác, Thái vẫn một mực kêu oan và khẳng định rằng: các hợp đồng ký kết với bưu điện các tỉnh thành, 4 hóa đơn mua chưa trả tiền, chưa sử dụng, in cataloge, việc mua thấp bán cao… là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Nói về nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo bưu điện các tỉnh thành, Thái cho rằng “rất vui mừng khi một số lãnh đạo bưu điện được miễn truy tố hình sự. Nhưng chính điều này đã vẽ sai chân dung của vụ án kinh tế này”. Đồng thời Thái cũng xin HĐXX xem xét miễn truy tố đối với các bị cáo còn lại trong nhóm “cố ý làm trái..”.
Hầu hết các bị cáo khác đều “không có ý kiến gì” trong phần thẩm vấn của HĐXX trong buổi chiều. Sáng mai (6/5) phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS và các luật sư bào chữa.
Công Quang - Bình Linh