1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lạ lẫm với “Uber” taxi

Để biết được đi xe ôtô sử dụng dịch vụ Uber như thế nào, chúng tôi đã cài đặt phần mềm Uber trên smartphone rồi tải ứng dụng miễn phí vào điện thoại và dùng vài thao tác vô cùng đơn giản là có thể gọi xe bằng cách đăng nhập điểm đón và địa điểm kết thúc hành trình. Ngay lập tức thông tin điểm đi và đến sẽ hiện ra trên điện thoại và ước tính số tiền phải trả.

Lạ lẫm với “Uber” taxi

Vào lúc 12h ngày 3.12, sau vài giây đăng ký địa điểm đến và đi, chúng tôi đã nhận được điện thoại của tài xế Uber gọi đến. Chờ thêm 5 phút, một chiếc Camry màu đen đến đón chúng tôi với số tiền thanh toán khoảng 9.600 đồng/km. Chọn hành trình di chuyển khác cũng từ cổng báo Lao Động đến địa điểm ngang số nhà 144 Tây Sơn, chúng tôi phải trả 7.083 đồng cho gần 1km, trong đó giá mở cửa xe (Uber gọi là cước cơ bản có giá 5.000 đồng). Khi đi hết gần 1km nêu trên, chúng tôi đề nghị chở tiếp đến Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) thì tài xế taxi này gợi ý có thể thanh toán qua thẻ Visa hoặc trực tiếp tiền mặt. Nhưng với tiền mặt sẽ tính 10.000 đồng/km. Theo tài xế Uber (xin không đưa tên) thì nhiều người đi Uber nhưng sợ bị lừa khi thanh toán qua thẻ nên đề nghị trả tiền mặt. “Khi đó, tôi phải thông báo khách hủy chuyến và trực tiếp giao dịch với người đi”.

Tại TPHCM, suốt từ sáng đến 14h ngày 3.12, chúng tôi đăng ký tải ứng dụng Uber về điện thoại thành công nhưng khi đăng nhập để gọi xe thì không nhận được phản hồi từ hệ thống Uber. Đến 14h, thấy hệ thống Uber vẫn không hoạt động, chúng tôi liên lạc với ông Karun Arya - Giám đốc truyền thông khối Nam Á của Cty Uber - qua địa chỉ mail, ngay lập tức chúng tôi nhận được phản hồi với nội dung: “Tôi chưa nghe về thông tin Uber tại TPHCM bị gián đoạn hoạt động trong ngày hôm nay. Bạn vui lòng để lại email, chúng tôi sẽ có bộ phận tại TPHCM kiểm tra. Tôi xin lỗi về sự bất tiện này”. Chiều cùng ngày hệ thống Uber hoạt động bình thường.

Đăng nhập vào hệ thống, trên màn hình bản đồ vệ tinh thể hiện khoảng 6 xe gần quanh khu vực chúng tôi đang đứng tại số 41 Trương Định, P.6, Q.3. Chọn lộ trình điểm đón xe đường Trương Định và điểm kết thúc khách sạn Ga Sài Gòn (P.9, Q.3), lập tức hệ thống màn hình điện thoại hiển thị giá cước ước tính 26.170 - 33.173 đồng. Sau khi xác nhận gọi xe, màn hình hiển thị tên lái xe La Phước Thọ, loại xe Camry 2.4 và 5 phút xe đến đón. Điện thoại chúng tôi reng lên, từ đầu bên kia lái xe tên Thọ nhỏ nhẹ nói: “Anh gọi xe, đợi em 5 phút nữa có mặt đón anh”. Từ màn hình bản đồ định vị vệ tinh, có thể dể dàng theo dõi xe đang đến vị trí chúng tôi đứng qua từng tuyến đường cụ thể. Chưa đầy 5 phút, chiếc xe Camry 2.4 màu bạc bóng loáng dừng lại, tài xế xuống mở cửa tự giới thiệu và mời chúng tôi lên xe. Phục vụ chúng tôi là chiếc xe nội thất đẹp, thơm phức, máy lạnh mát rượi, nhạc du dương. Cũng là dịch vụ taxi, song do không có logo, hộp đèn taxi nên ngồi trên Uber có cảm giác sang trọng như xe của mình. Lái xe La Phước Thọ (nhà Q.12), cho biết: Anh mới tham gia Uber được 3 tuần. Xe của một Cty tư nhân hợp tác với Uber. Bình quân mỗi ngày anh chạy khoảng 20 cuốc xe. “Loại hình dịch vụ này, khi khách hàng đã gọi chọn xe mình hoặc xe mình gần vị trí khách gọi mà không đến đón khách, hệ thống Uber có thể nhận biết được và nguy cơ sẽ bị cho nghỉ việc ngay. Vì vậy, khách hàng đã gọi chọn xe mình rồi, thì dù thế nào cũng đến đón khách, trừ lý do khách quan hoặc khách hủy” - anh Thọ cho biết thêm.

Xe kết thúc đúng khách sạn Ga Sài Gòn, anh Thọ lấy điện thoại smart phone thực hiện vài thao tác kết thúc hành trình. Số tiền 32.194 đồng thể hiện lên. Chúng tôi không phải thanh toán bằng tiền mặt hay dùng thẻ để cà, mà hệ thống tự động trừ vào tài khoản thẻ thanh toán Visa card mà chúng tôi đã khai khi đăng ký phần mềm Uber. Kết thúc chuyến xe, giấy xác nhận thanh toán tiền cước được hệ thống gửi qua email cho chúng tôi thể hiện chi tiết bảng kê: Cước cơ bản 5.000 đồng, quãng đường 19.124 đồng, thời gian 8.070 đồng và tổng cộng 32.194 đồng. So với giá taxi hiện nay, cũng bằng lộ trình như chúng tôi đi thì dịch vụ Uber taxi rẻ hơn khoảng 20%.

Uber đang lỗ nặng?

Tài xế Uber tên Hưng cho biết, anh hiện tại là tài xế của Cty vận tải ở quận Thanh Xuân và mới chính thức làm tài xế Uber khoảng 2 tuần. Hưng cho biết, ở Hà Nội có khoảng 30 tài xế taxi Uber đang hoạt động. Để đăng ký được là thành viên Uber tương đối đơn giản, nhưng là tài xế Uber thì không phải ai cũng được. “Phải là nhân viên chính thức của hãng vận tải nào đó mới được. Mọi thủ tục liên hệ để được là tài xế Uber thì do Cty sắp xếp với Uber” - Hưng nói. Trước khi trở thành tài xế chính thức Uber, phải trải qua một ngày tập huấn để thành thạo mọi thao tác sử dụng phần mềm, ngoài ra dù không có quy định chính thức nhưng các tài xế Uber khi đi làm phải trang phục lịch sự như quần âu, đi giày. Khi được hỏi về thu nhập, Hưng cho biết mỗi Cty vận tải liên kết với Uber có cách trả lương cho tài xế khác nhau. “Tôi không rõ bên Uber trả thế nào với Cty, nhưng tôi phải online trên smartphone 10 giờ/ngày, mỗi giờ online được trả 15.000 đồng”.

Trước thắc mắc về giá cước Uber rẻ hơn các hãng taxi thông thường, tới 3.000 đồng/km, trong khi xe Hưng chạy Camry 2.0 đời mới, Hưng nói rằng không rõ Uber giao dịch thuê xe với Cty anh là bao nhiêu, nhưng giá thuê Camry anh đang chạy rơi vào hơn 30 triệu/tháng. “Nếu tính giờ tôi chạy thì chắc chắn là lỗ. Tính ra với giá thuê 30 triệu/tháng thì mỗi ngày ít nhất chiếc xe này phải chạy khách được 1 triệu. Tuy nhiên, có hôm chỉ được vài cuốc thu vào khoảng 300.000 đồng, thậm chí mấy ngày đầu cả ngày chỉ được vài chục ngàn”. Theo nhận định của tài xế Uber khác, tuy đang lỗ nặng từng ngày nhưng Uber có kế hoạch dài hơi hơn. “Có thể họ có những tính toán khác. Thời gian đầu quảng bá, họ có thể chịu lỗ” - tài xế Uber tên Long này nói.

Với giá chỉ khoảng 9.600 đồng/km, rẻ hơn khoảng 3.000 đồng, Uber cũng không ngừng khuyến mãi. Ngay sau khi kết thúc chuyến đi đầu tiên, Uber gửi ngay email tự động tới hòm thư của tôi với nội dung: “Rất mong muốn bạn sẽ giới thiệu về Uber”. Thư có đoạn “ Bên dưới là mã mời tham gia Uber của riêng bạn. Mỗi người bạn đăng ký bằng mã của bạn sẽ được giảm 100.000 đồng cho lần đầu đi xe Uber. Với mỗi người bạn giới thiệu đi xe, chúng tôi sẽ thêm 100.000 đồng thưởng Uber vào tài khoản của bạn. Đó là chính sách đôi bên cùng có lợi đặc biệt của Uber, không giới hạn số điểm thưởng bạn có thể nhận được”.

Trước thông tin Uber đang trốn thuế, nhiều tài xế Uber cho rằng cáo buộc này “không hiểu gì về Uber”. “Uber thông qua một Cty vận tải có uy tín tại Việt Nam để phục vụ khách hàng thì đương nhiên Cty của chúng tôi phải có nghĩa vụ đóng thuế. Đó là việc của Cty” - tài xế Uber Hưng trả lời.

Cần “chơi” đúng luật

Trao đổi với người viết, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia - cho hay, sau khi có dịch vụ Uber, Bộ GTVT nghiên cứu và khẳng định, đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải, được quy định trong Luật giao thông đường bộ VN. Nếu Uber đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ VN với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị này hoàn toàn đủ điều kiện pháp lý để cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải trên lãnh thổ VN. Đối với những đơn vị, tổ chức cá nhân muốn bán dịch vụ vận tải của mình thông qua Uber cho đến thời điểm hiện nay, theo quy định hiện hành phải đủ điều kiện của Luật giao thông đường bộ, vận tải hành khách và phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô, có đủ điều kiện bán dịch vụ cho Uber.

Song do không đăng ký kinh doanh và địa chỉ ở nước ngoài, nên Uber không chịu trách nhiệm cũng như chất lượng an toàn cho dịch vụ vận tải. Uber có tuyên ngôn rất rõ ràng trên trang web bằng tiếng Anh rằng:“Chúng tôi không phải là nhà kinh doanh vận tải, hay logistics và chúng tôi cũng không có chức năng kinh doanh vận tải hay logistics, do vậy chúng tôi cũng không có trách nhiệm về sự an toàn của hành khách”. Như vậy có thể hiểu chính người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải chịu trách nhiệm, và đồng nghĩa với những người này phải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật.

Kinh doanh vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có điều kiện. Mọi tổ chức cá nhân mà cung ứng dịch vụ vận tải của mình qua Uber là những tổ chức cá nhân phải có đủ điều kiện kinh doanh theo Nghị định 186, và trong điều kiện, Uber phải đăng ký kinh doanh loại hình này tại VN. “Với tư cách là đại diện một cơ quan giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo ATGT, tôi khẳng định, các đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh khả năng tiếp xúc giữa dịch vụ của mình với khách hàng nhằm tạo thuận lợi trong việc đặt chỗ, giảm thời gian giao dịch, và phần nào giảm chi phí… là ứng dụng tốt cho người dân. Nhưng, bắt buộc những việc làm đó phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật VN để đảm bảo ATGT, an ninh trật tự và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ” - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Nhóm phóng viên

Lao Động

Dòng sự kiện: "Taxi" Uber