“Khó đánh giá được tỷ lệ 'hoa hồng' dự án”
(Dân trí) - “Tôi cũng nghe dư luận về khoản “qua lại” và được gọi là hoa hồng dự án. Nhưng chẳng ai đánh giá được nó là bao nhiêu %” - Tổng TTCP Trần Văn Truyền nêu quan điểm về quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA qua vụ án Đại lộ Đông Tây.
Việc sử dụng nguồn vốn ODA thời gian qua do cả Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của các nhà đầu tư nước ngoài quản lý, giám sát. Từ quá trình nhận vốn, triển khai thực hiện và giải ngân nước bạn đều kiểm soát rất chặt. Sau khi viện trợ, cũng chính họ nhận thầu hết cả, chứ không phải phía Việt Nam.
Như vậy, để xảy ra tiêu cực trong dự án này là kẽ hở quản lý từ phía bạn?
Tiêu cực trong vụ này xuất phát từ cán bộ Nhật cứ không phải cán bộ của chúng ta… tự tiêu cực. Dự án dù do phía nào quản lý, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ đều có thể phát sinh tiêu cực. Trước nay người Nhật cho thấy sự kiên quyết trong việc chống tiêu cực nhưng qua việc này có thế thấy tiêu cực cũng đã xảy ra ở phía họ.
Xử lý xong vụ này, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm trong việc thực hiện cơ chế phối hợp trong quá trình quản lý vốn ODA, phải có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ để chống “liên kết” và nảy sinh tiêu cực giữa nhà đầu tư nước ngoài với cán bộ quản lý của ta.
Thanh tra Chính phủ đã từng thanh tra và phát hiện không ít sai phạm trong nhiều dự án sử dụng vốn ODA nhưng việc xử lý dường như vẫn nhiều “vướng víu”, thưa ông?
Cũng có nhiều cái khó khi thanh tra vào thì các dự án cũng đã kết thúc từ lâu. Như dự án Quốc lộ 5 trước đây, đến thời điểm thanh tra, phía bạn đã mang hết hồ sơ về nước. Có thanh tra cũng chỉ là thanh tra phần quản lý của Việt Nam và chúng ta cũng đành kiểm điểm, rút kinh nghiệm thôi.
Qua việc thanh tra các dự án, thực tế sau khi nhà đầu tư nước ngoài rút đi, còn lại bao nhiêu % vốn rót vào sẽ nằm lại Việt Nam?
Việc này chưa thể đánh giá được. Khi thanh tra, chúng tôi chỉ căn cứ vào việc thực hiện chính sách pháp luật, đánh giá việc triển khai dự án để phát hiện cái đúng cái sai, trong cái đúng sai thì cái nào sẽ mất hẳn, cái nào có thể khắc phục thu hồi. Còn những tiêu cực mà có sự “đi đêm” với nhau thì không chỉ nước ngoài, trong nước cũng có. Tôi cũng nghe dư luận về các dự án có khoản “qua lại” và được gọi là hoa hồng dự án. Nhưng cũng chẳng ai đánh giá được nó là bao nhiêu %.
Ông đánh giá thế nào về ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ vốn ở lại Việt Nam chỉ 40-60%?
Với những người cho vay, vốn ODA họ quản lý rất chặt. Đánh giá như vậy thì có phải họ “ăn” gần hết chăng? Tôi nghĩ không phải như vậy. Chính phủ mỗi nước cũng không cho phép các chuyên gia của mình làm thế. Tất nhiên là có thất thoát nhưng không đến mức như một số chuyên gia đánh giá.
Qua vụ án Đại lộ Đông - Tây, với tư cách người đứng đầu cơ quan Thanh tra nhà nước, ông có nghĩ cần thiết phải thanh tra lại toàn bộ các dự án sử dụng vốn ODA cũng như có cách nào để việc thanh tra hiệu quả?
Về khía cạnh công việc của ngành, chúng tôi đều đặt trong tổng thể kinh tế xã hội để tiến hành thanh tra, trong đó Thanh tra các ngành, địa phương đều phải có trách nhiệm thanh tra. Ngành nào chịu trách nhiệm về nguồn vốn đó sẽ chịu trách nhiệm thanh tra chuyên sâu. Thanh tra Chính phủ không thể ôm hết. Chúng tôi chỉ tiến hành thanh tra những dự án quan trọng khi thấy rằng nó có thể chi phối đến nền kinh tế quốc dân, chi phối đến hoạt động các ngành, các cấp thuộc Chính phủ.
P.Thảo (ghi)