Bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ

(Dân trí) - Chiều nay, 11/2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) đã thực hiện lệnh khám xét nhà riêng ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM.

Được biết, VKSNDTC đã phê chuẩn quyết định khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong sáng nay. Nguồn tin ban đầu cho hay, ông Sĩ bị khởi tố và tạm giam 4 tháng để điều tra về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281 Bộ Luật Hình sự) trong quá trình thực hiện Dự án Đại lộ Đồng Tây và Môi trường nước TPHCM.
 
Khoảng 13h30, ông Huỳnh Ngọc Sĩ được hộ tống thẳng từ trụ sở của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37, Bộ Công an) về nhà riêng ở số 350 Võ Văn Tần (Q.3, TPHCM) để thực hiện lệnh khám xét. Lúc này, dù trời mưa nhưng hàng trăm người hiếu kỳ vẫn tụ tập trước cửa nhà ông Sĩ, đồng thời, hàng chục phóng viên các báo cũng có mặt để đưa tin về vụ việc.  
 
Sau khi hoàn tất các thủ tục khám xét tại nhà riêng, đúng 15h, ông Sĩ xuất hiện trong trang phục áo sơ mi trắng, gương mặt khá căng thẳng với cặp chân mày rậm, dài quen thuộc với phóng viên trong hàng trăm cuộc họp. Không còng tay, ông Sĩ nhanh chóng được đưa ra xe ô tô biển số 51A 1374, giữa rừng máy ảnh chớp nháy liên tục. Trước khi ông Sĩ ra xe, một số tư trang được chuyển ra trước. Xe lăn bánh nhanh về hướng trụ sở Bộ Công an tại phía Nam (đường Nguyễn Trãi, Quận 1), bỏ xa tốp phóng viên. 
 
Bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ - 1

Phóng viên báo chí tập trung trước cửa nhà ông Sĩ (Ảnh: Đoàn Quý)
 
  
Bị khởi tố cùng tội danh với ông Huỳnh Ngọc Sĩ, còn có ông Lê Quả, nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM.
 
Bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ - 2

Bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ - 3

Ông Sĩ được đưa ra khỏi nhà riêng (Ảnh: Công Quang) 
 
Nhà riêng và nơi làm việc của ông Lê Quả tại đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TPHCM) cũng được tiến hành khám xét trong chiều nay.
 
Bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ - 4

PV quây kín xe chở ông Sĩ đi về hướng Bộ Công An. (Ảnh: Đoàn Quý)
  

 

Điều 281: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

 
 
Diễn biến vụ án

 

Nhật Bản khởi tố 4 quan chức PCI: Đầu tháng 8/2008, cơ quan công tố Nhật Bản đã bắt và khởi tố 4 cựu cán bộ cao cấp của công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) về tội danh hối lộ quan chức Việt Nam để trúng thầu dự án Đại lộ Đông - Tây TPHCM, sử dụng vốn ODA của Nhật.  Trong phiên tòa diễn ra tại Nhật Bản ngày 11/11/2008, cả 4 người nói trên đã thừa nhận việc từng đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, thời điểm đó là Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TPHCM (gọi tắt là PMU Đông Tây) 820.000 USD.

 

Việt Nam phối hợp điều tra: Ngay sau khi phía cơ quan công tố Nhật Bản có văn bản đề nghị phía Việt Nam kết hợp điều tra, làm rõ vụ việc theo lời khai nhận của các cựu quan chức PCI, VKSND Tối cao đã có văn bản yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc, xác minh làm rõ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam tích cực phối hợp với phía Nhật Bản để điều tra làm rõ và xử lý theo đúng pháp luật Việt Nam.

 

Đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sĩ: Ngày 19/11, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, kiêm Giám đốc PMU Đông Tây để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra kết luận vụ việc liên quan đến cá nhân ông này.
 
Cấm ông Huỳnh Ngọc Sĩ xuất cảnh: Ngày 15/12, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cũng có lệnh cấm ông Huỳnh Ngọc Sĩ xuất cảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phía Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37) điều tra nghi án đưa và nhận hối lộ.

 

Nhật Bản tạm ngừng cấp mới ODA cho Việt Nam: Đầu tháng 12/2008, phía Nhật Bản thông báo việc tạm ngừng cấp mới ODA cho Việt Nam, đến khi có kết luận cuối cùng về nghi án hối lộ của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI).

 

Việt Nam khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ: Ngày 9/12/2008, Cơ quan CSĐT Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra trong quá trình thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TPHCM.
 
Nhật Bản tuyên án 4 cựu quan chức PCI: Cuối tháng 1/2009, báo chí Nhật Bản đưa tin, tòa án ở Nhật Bản vừa ra phán quyết trong vụ xét xử các cựu quan chức của công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) tội hối lộ một quan chức Việt Nam. Theo đó, ba bị cáo đều được hưởng án treo. Những người này gồm Haruo Sakashita, 62 tuổi, Kunio Takasu, 66 tuổi, và Tsuneo Sakano, 59 tuổi. Công ty PCI, trụ sở tại Tokyo, bị phạt 70 triệu Yen (khoảng 780.000 USD).
 
Khởi tố và bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ: Ngày 11/2/2009, lệnh khởi tố và bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ được C37, Bộ Công an thực hiện.

Dự án Đại lộ Đông - Tây khởi công vào tháng 1/2005 có tổng mức đầu tư khoảng 660 triệu USD tương đương 9.863 tỷ VND. Dự án có chiều dài toàn tuyến 21,89km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành một tuyến trục giao thông Đông - Tây, kết nối hai đầu Đông Bắc - Tây Nam thành phố, cải thiện hệ thống giao thông nội thị hiện đang quá tải tại TP Hồ Chí Minh.  

Đây sẽ là con đường huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành mối liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 
 
Nhóm PV