1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ phải trả lời 25 câu hỏi của phía Nhật Bản

“Tài liệu phía Nhật Bản gửi cho ta chưa có gì ngoài hồ sơ ủy thác, do đó chưa thể khởi tố ông Sĩ tội nhận hối lộ được”, thiếu tướng Triệu Văn Đạt - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết.

Hôm qua (17/2), thiếu tướng Triệu Văn Đạt - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thông tin thêm về mảng điều tra nghi vấn ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ của quan chức PCI (Nhật Bản).
 
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ phải trả lời 25 câu hỏi của phía Nhật Bản - 1

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
 
Theo đó, ngay sau khi báo chí Nhật Bản đưa tin một số quan chức PCI bị truy tố về hành vi vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Thủ tướng đã triệu tập một cuộc họp gồm lãnh đạo Bộ Công an và các ngành liên quan. Thủ tướng giao Bộ Công an tổ chức điều tra, xác minh xem có đúng Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ không. Thủ tướng chỉ đạo: “Nếu đúng, phải xử lý nghiêm minh, đồng thời đảm bảo quan hệ đối ngoại cũng như chủ quyền quốc gia”.

Trong quá trình điều tra, xử lý vụ án này, Viện công tố vùng Tokyo đã ủy thác tư pháp hình sự cho VKSND tối cao. Ngày 8/9/2008, sau khi kiểm tra hồ sơ, VKSND tối cao yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện ủy thác điều tra này đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ với tình nghi nhận hối lộ số tiền 220.000 USD của các quan chức PCI.

Nội dung ủy thác điều tra là yêu cầu cơ quan tố tụng Việt Nam cung cấp tài liệu về cá nhân ông Huỳnh Ngọc Sĩ, bản tường trình của ông Sĩ; tài liệu về chức quyền và nội dung công việc phụ trách của ông Sĩ; tài liệu có thể nắm được về tài sản của ông Sĩ; tài liệu liên quan đến khai báo ngoại tệ của quan chức PCI Nhật Bản khi nhập cảnh vào Việt Nam; và hỏi cung ông Sĩ theo 25 câu hỏi mà phía Nhật Bản yêu cầu.

Tiếp nhận ủy thác điều tra này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37) đã xác minh, điều tra và có văn bản trả lời đầy đủ cho Viện công tố vùng Tokyo. Cũng theo đề nghị của phía bạn, ta đã dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nhật cho bạn.

Theo ông Đạt, trong quá trình điều tra nghi vấn hối lộ này, cơ quan điều tra căn cứ vào Luật Tương trợ tư pháp đã làm thủ tục đề nghị phía Nhật Bản cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể có giá trị chứng minh sự việc đưa-nhận hối lộ giữa quan chức PCI và ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Chẳng hạn, các tài liệu, chứng cứ về lý do, mục đích của việc đưa tiền; nguồn tiền; tiền mặt đưa vào Việt Nam khi nhập cảnh hay rút từ tài khoản nào, thời gian, địa điểm rút tiền; thời gian, địa điểm đưa tiền; các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến sự việc này, kể cả bản án, các văn bản tố tụng trong vụ án PCI mà phía Nhật đã ban hành... “Hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam đã gửi và đang chờ phía Nhật trả lời” - tướng Đạt nói.

C37 đang tiếp tục điều tra mảng nghi vấn hối lộ này. Tới đây, nhận được trả lời của cơ quan tố tụng Nhật Bản, kết hợp với chứng cứ, tài liệu tự thu thập được, đối chiếu với luật pháp Việt Nam, có đủ căn cứ thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố ông Sĩ về tội nhận hối lộ. Ông Đạt nói: “Hiện nay ông Sĩ chưa nhận tội. Còn tài liệu mà phía Nhật Bản gửi cho ta chưa có gì ngoài hồ sơ ủy thác. Do đó chưa thể khởi tố ông Sĩ tội nhận hối lộ được”.

Về việc khởi tố, bắt giữ hôm 12/2, thiếu tướng Triệu Văn Đạt cho hay trong quá trình điều tra đã phát hiện ông Sĩ và ông Lê Quả (phó của ông Sĩ) có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam, vừa để điều tra hành vi này, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thu thập chứng cứ có hay không hành vi nhận hối lộ của quan chức PCI. Quan điểm của Chính phủ cũng như Bộ Công an là điều tra rõ đến đâu, khởi tố, xử lý đến đó.  

Hồ sơ vụ án đưa hối lộ chỉ có giá trị tham khảo
 
Ông Hoa Hữu Long - Vụ phó Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết do hai nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên việc tương trợ tư pháp được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại. “Theo tôi hiểu, ta đã đáp ứng đầy đủ đề nghị tương trợ tư pháp của phía Nhật trong vụ án này thì đáp lại, bạn cũng có nghĩa vụ thực hiện ủy thác điều tra mà C37 thông qua VKSND tối cao gửi sang”.
 
Vậy kết quả điều tra, truy tố cũng như xét xử của Nhật Bản đã kết luận quan chức PCI có đưa tiền hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ thì có giá trị thế nào tại Việt Nam? Ông Long giải thích các giấy tờ, tài liệu đó chỉ có giá trị tham khảo chứ không đương nhiên có giá trị buộc tội đối với ông Sĩ. “Ủy thác điều tra là để ta có thêm căn cứ điều tra tội phạm theo pháp luật Việt Nam. Cơ quan điều tra có thể sử dụng những tài liệu đó, đối chiếu với pháp luật trong nước và các chứng cứ khác, nếu đủ cơ sở pháp lý thì những tài liệu đó mới có giá trị chứng minh tội phạm”.
 
Theo Nghĩa Nhân
Pháp luật TPHCM