Khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI
(Dân trí) - 8 giờ 30 phút sáng nay, 16/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã đọc diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI. Kỳ họp lần này sẽ quyết định nhân sự những vị trí chủ chốt của Nhà nước và xem xét phê chuẩn ít nhất 5 bộ trưởng (Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính, Văn hoá thông tin, Giao thông vận tải).
Tham dự phiên khai mạc tại hội trường Ba Đình còn có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng.
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Văn An nhận định kỳ họp thứ 9 là kỳ họp quan trọng, diễn ra sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Cùng với việc xây dựng pháp luật; xem xét và cho ý kiến về Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) của Chính phủ; tiến hành các hoạt động giám sát, kỳ họp lần này còn có nhiệm vụ quan trọng là quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước, một số Bộ và bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ngay sau đó, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu về thành công của Đại hội Đảng X. Tổng bí thư nhấn mạnh: "Đại hội X tiếp nối nhiệm vụ của đại hội IX, đẩy mạnh đồng bộ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi phải kiên trì, có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội".
Lấy kinh tế tri thức làm nền tảng phát triển đất nước
Tiếp theo, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù những thành tựu đạt được trong 5 năm qua rất quan trọng nhưng vẫn còn “dưới khả năng phát triển của đất nước, hoạt động kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, bất cập; việc huy động và sử dụng cả nội lực và ngoại lực, còn kém hiệu quả và chưa tương xứng với tiềm năng”.
Một số nguyên nhân được chỉ ra là do chậm đổi mới tư duy; Chậm xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chính sách và giải pháp chưa đủ mạnh để huy động và sử dụng được tốt nhất các nguồn lực; Cải cách hành chính chậm và kém hiệu quả; Công tác tổ chức, cán bộ chậm đổi mới; Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu nhất.
Để nhanh chóng khắc phục những yếu kém, 5 bài học kinh nghiệm đã được đúc kết là: Phát triển nhanh và bền vững; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nội lực; Hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; Phát triển kinh tế thị trường đồng thời với chăm lo ngày càng tốt hơn phúc lợi xã hội; Công tác tổ chức thực hiện và tuyển chọn, bố trí đúng cán bộ.
Báo cáo đề ra mục tiêu đến năm 2020, nước ta sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại trên cơ sở phát triển kinh tế tri thức.
Theo chương trình nghị sự, trong ngày làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc sẽ đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004; Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010 và Báo cáo về một số vấn đề xung quanh việc quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn lớn, đặc biệt là vốn ODA thông qua các loại dự án.
Trong phiên họp trù bị chiều qua (15/5), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét nguyện vọng của các vị đứng đầu Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về việc bàn giao chức vụ cho những người kế cận ngay tại kỳ họp này.
Đồng thời, Quốc hội lần này cũng thông qua và cho ý kiến tới hơn 20 dự án luật và nghị quyết.
Một số chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm (2006 - 2010)
Về kinh tế:
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt 7,5 - 8%/năm, phấn đấu đạt trên 8%/năm; GDP năm 2010 theo giá so sánh gấp hơn 2,1 lần so với năm 2000, đạt khoảng 1.690 - 1.760 nghìn tỷ đồng theo giá hiện hành, tương đương 94 - 98 tỷ USD.
- GDP bình quân đầu người khoảng 1.050 - 1.100 USD.
Về xã hội:
- 100% các tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; đạt 200 sinh viên đại học và cao đẳng/10.000 dân. - Lao động đã qua đào tạo đạt 40% tổng lao động xã hội. - Thất nghiệp thành thị dưới 5%. - Lao động nông nghiệp chiếm 50% lao động xã hội - Tuổi thọ trung bình người Việt Nam đạt 72 tuổi. - Diện tích nhà ở bình quân 14 - 15 m2 sàn/người.
Về môi trường:
- 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý chất thải, 50% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường. - 100% số đô thị loại 3 trở lên, 50% số đô thị loại 4. - 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải; thu gom và xử lý 90% chất thải rắn thông thường, 80% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế. - 95% dân cư thành thị và 75% dân cư ở nông thôn sử dụng nước sạch. |
Đức Hòa