1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cơ quan thuế được khám xét doanh nghiệp?

(Dân trí) - Khi điều tra vi phạm luật thuế, cơ quan thuế được quyền yêu cầu cung cấp thông tin, được khám nơi cất giấu hàng hóa… đặc biệt được lắp đặt thiết bị giám sát trụ sở kinh doanh của tổ chức, cá nhân v.v... Những qui định nói trên trong dự án Luật Quản lý thuế khiến nhiều đại biểu không đồng tình.

Qui định chồng chéo sẽ dễ bị lợi dụng

 

Điểm mới trong dự thảo luật Quản lý Thuế khiến nhiều đại biểu lo lắng về khả năng thực hiện là qui định điều tra các vi phạm pháp luật về thuế.

 

Luật cho phép cơ quan thuế có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, đến khám nơi cất giấu hàng hóa, phương tiện, đồ vật liên quan đến việc trốn thuế, chiếm đoạt thuế, tạm giữ hàng hóa, lắp đặt thiết bị giám sát trụ sở kinh doanh của tổ chức, cá nhân v.v... Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đặt câu hỏi: “Quy định như vậy có phù hợp với tính chất hoạt động của điều tra hành chính hay không? Với quyền hạn như vậy có lẽ chúng ta phải thành lập cảnh sát thuế, tôi thấy có sự chồng chéo trong qui định, sẽ rất dễ bị lợi dụng”.

 

Đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) thì cho rằng đây là nhiệm vụ mới của cơ quan thuế nên cần có bước chuẩn bị, phân tích những mặt được và cả những tác động của nó trước khi trao quyền này cho cơ quan thuế. “Để thực hiện các quyền điều tra này, tôi đề nghị cần phải phân biệt rõ giới hạn các hoạt động điều tra của cơ quan thuế và các cơ quan tiến hành tố tụng”, ông Nam nói.

 

Nhìn nhận qui định về điều tra vi phạm pháp luật thuế dưới góc độ của cơ quan giám sát, đại biểu Hà Mạnh Trí, Viện trưởng Viện KSNDTC khẳng định, nếu đây là hoạt động điều tra hành chính thì không được phép đưa vào các biện pháp như khám nhà, khám người (tương tự hình sự) vì kèm theo nó là những qui định rất chặt chẽ về việc giám sát. Còn nếu đưa vào thì phải sửa lại luật tố tụng hình sự. Hiện nay, pháp luật mới chỉ qui định 4 cơ quan (ngoài cơ quan công an) được tổ chức điều tra hình sự đó là Bộ đội biên phòng, Hải Quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển.

 

Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) cũng đồng tình với  những ý kiến này và đề nghị phải qui định chặt chẽ, rõ ràng như ai có quyền ra lệnh, ai được thực hiện, thực hiện như thế nào và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình ra sao? “Chúng tôi thấy quy định như ở trong luật quá đơn giản”, ông thốt lên.

 

Đề cập đến vấn đề hoạt động thanh tra thuế, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) cho rằng, ngành thuế chỉ nắm những doanh nghiệp có tóc: “DN càng làm ăn có hiệu quả thì người ta quản lý càng chặt, hàng tháng đều xuống kiểm tra, giám sát, rồi thanh tra đột xuất… báo cáo thật với các vị đại biểu là rất khó cho doanh nghiệp”.

 

Bình đẳng giới: Có nên bình đẳng tuổi nghỉ hưu?

 

Cũng trong ngày hôm qua (2/6), QH đã thảo luận về luật Bình đẳng giới. Có lẽ chưa bao giờ việc tham gia đóng góp cho một dự thảo luật lại có nhiều ý kiến của nữ đại biểu đến vậy. Có tới  80% là ý kiến phát biểu của đại biểu nữ.

 

Quan điểm được đưa ra là ở một đất nước phụ nữ chiếm hơn 55% dân số, có vai trò to lớn và truyền thống tốt đẹp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước như Việt Nam thì càng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng nam nữ.

 

Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, bất bình đẳng giới thể hiện cả trong quy định về tuổi nghỉ hưu. Vì quy định nữ giới nghỉ hưu trước nam giới 5 năm, cho nên trong các lĩnh vực tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm chị em đều bị thiệt thòi.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đề nghị cần quy định tuổi nghỉ hưu trên nguyên tắc bình đẳng. Nghĩa là nam nữ có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi ngang nhau, tuy nhiên nếu phụ nữ có nhu cầu nghỉ hưu sớm thì được quyền nghỉ trước 5 năm. “Tuổi nghỉ hưu không chỉ đơn thuần là tuổi hưu, nó liên quan chặt chẽ với việc thực hiện nhiều chính sách khác, tôi cho rằng nếu pháp luật quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ như hiện nay là bất bình đẳng”, bà Mai nói.

 

Không đồng tình với đa số ý kiến nêu trên, đại biểu  Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên) lập luận, nếu quy định như thế này thì lực lượng giáo viên và y tế không đồng tình, bởi vì giáo viên không thể làm đến 60 tuổi, “quy định như hiện hành là hợp lý”, ông kết  luận. Cũng có những ý kiến nhận định, việc qui định nữ nghỉ hưu sớm hơn nam chính là sự ưu ái, thể hiện sự tôn trọng phụ nữ.

 

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) thì đề nghị phải nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia cơ quan dân cử: “Tại sao trong một Bộ có 3 Thứ trưởng lại không có một phụ nữ? dứt khoát phải lượng hoá chứ không thì chỉ nói suông thôi”.

 

Đại biểu Trần Công Kích (Ninh Bình) băn khoăn về các chính sách bình đẳng giới của Nhà nước: “Tôi thấy không có chính sách nào rõ ràng cả. Chính sách bình đẳng giới là gì? là vấn đề kinh tế, ngành nghề, những ngành nghề nào đối với nữ đáng phải ưu tiên thì nói rõ ra. Chính sách phải thể hiện rõ từng lĩnh vực. Tôi thấy chính sách chưa nêu được rõ ràng”.

 

Đức Hoà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm