1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chưa thể bỏ sổ hộ khẩu

(Dân trí) - Người lao động sẽ phải bồi thường thiệt hại vật chất nếu đình công bất hợp pháp; thủ tục đăng ký hộ khẩu sẽ thay đổi - Đó là hai vấn đề gây nhiều sự chú ý tại diễn đàn Quốc hội hôm qua, 1/6.

Thủ tục đăng ký hộ khẩu gọn nhẹ hơn?

 

Dự án Luật Cư trú đã được Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh thay mặt Chính phủ trình bày trước QH. Mặc dù có nhiều ý kiến đề nghị bỏ sổ hộ khẩu vì lâu nay, sổ hộ khẩu được gắn với một số đặc quyền của thời kỳ bao cấp, trong nhiều trường hợp lại bị một số cơ quan, tổ chức sử dụng làm căn cứ, điều kiện cho các giao dịch, đi lại làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân... nhưng theo Bộ trưởng Lê Hồng Anh, trong điều kiện hiện nay thì sổ hộ khẩu vẫn rất cần thiết cho việc quản lý và phục vụ các chính sách quan trọng như: thống kê, điều tra dân số, thực hiện bảo hiểm xã hội, giải quyết vấn đề trẻ em lang thang, quản lý hồ sơ địa chính...

 

Tuy nhiên, thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu sẽ sửa đổi cho thật đơn giản, thuận tiện, thời hạn giải quyết ngắn và sẽ ngăn ngừa lạm dụng sổ hộ khẩu. Theo đó, nguyên tắc quản lý cư trú là phải bảo đảm đơn giản, thuận tiện, hiệu quả, kịp thời, không gây phiền hà... Các thủ tục đăng ký được qui định rất gọn và cụ thể trong luật.

 

Thời gian giải quyết cũng được qui định rõ ràng là trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan công an có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã đăng ký thường trú và nghiêm cấm hành vi lạm dụng hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Sẽ phải bồi thường thiệt hại vật chất khi đình công bất hợp pháp

 

Hàng loạt những vụ đình công với qui mô ngày càng lớn, tính chất gay gắt và phức tạp trong thời gian cuối năm 2005, đầu 2006 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng này là việc triển khai pháp luật lao động gặp khó khăn bởi những bất cập trong qui định của luật. Những diễn biến phức tạp của tình hình đình công đã đòi hỏi phải sửa đổi Luật Lao động cho phù hợp với tình hình hiện tại.

 

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ 1995 đến 15/4/2006, cả nước đã xảy ra 1250 cuộc đình công, nhiều nhất ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các cuộc đình công đều không tuân theo đúng trình tự, thủ tục mà luật qui định và có tính chất lan truyền từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ địa phương này sang địa phương khác...

 

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Nguyễn Thị Hằng thì nội dung sửa đổi chỉ tập trung vào chương XIV của Bộ luật Lao động liên quan đến đình công và giải quyết đình công. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của UB các vấn đề xã hội của QH vì đây là vấn đề bức xúc cần làm sớm.

 

Điểm khác biệt lớn trong dự thảo Luật sửa đổi là phân định tranh chấp lao động tập thể thành hai loại: tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích để từ đó phân định thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết đối với từng loại tranh chấp. Trong đó, theo qui định này thì chỉ cho phép đình công khi có tranh chấp về lợi ích còn tranh chấp về quyền thì có thể khởi kiện ra toà án để giải quyết.

 

Tuy nhiên, theo phân tích của UB các vấn đề xã hội của QH, cơ quan thẩm định dự án luật này lại cho rằng, việc coi đình công chỉ để giải quyết tranh chấp về mặt lợi ích có thể đúng về mặt lý luận nhưng trong thực tiễn quan hệ lao động ở Việt Nam hiện nay thì nên qui định đình công phải tuân thủ đầy đủ các bước như: hoà giải ở cơ sở, hoà giải tại Hội đồng trọng tài, nếu hoà giải không thành thì mới được đình công.  Trong quá trình hoà giải này, tranh chấp về quyền sẽ được giải quyết.

 

Nội dung sửa đổi cũng có qui định về bồi thường thiệt hại vật chất trong trường hợp đình công là bất hợp pháp thể hiện sự bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động.

 

Cùng được mang ra bàn thảo trong buổi họp hôm qua còn có: Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người, Luật về Hội…

 

Đức Hoà