1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quốc hội có quyền, tại sao cứ bó tay mãi?

(Dân trí) - Vì sao việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa thực hiện được? Có nên tăng số đại biểu chuyên trách? Thành lập 4 ủy ban mới liệu có hiệu quả?… đó là những vấn đề được đem ra bàn thảo tại phiên họp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội hôm qua.

Bỏ phiếu tín nhiệm: 5 năm chưa thực hiện được

 

Quy định bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn được đánh giá là tiến bộ thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước. Tuy nhiên, dù đã có hiệu lực gần 5 năm, nhưng việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa thực hiện được.

 

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội cần tập trung xem xét một cách nghiêm túc việc này, để tìm cho ra nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu, nhằm khắc phục điều luật treo, cũng là để trả lời câu hỏi tại sao quy định hay như thế, tiến bộ như thế, hợp ý Đảng lòng dân như thế lại không được thực thi?

 

Ông cũng đề xuất 3 hình thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ, đó là vào giữa và cuối nhiệm kỳ của QH (5 năm 2 lần); bỏ phiếu tín nhiệm sau chất vấn và trả lời chất vấn; bỏ phiếu tín nhiệm đột xuất, thực hiện như quy định hiện hành, nhưng hạ tỷ lệ đại biểu Quốc hội đề nghị từ 20%  xuống còn 10% và phải có sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.

 

Theo đại biểu Lê Văn Tuyết (Yên Bái), vấn đề khó khăn nhất không phải ở phần trăm số đại biểu đồng ý mà là do chưa có hướng dẫn cụ thể. “Dù có giảm tỷ lệ phần trăm số đại biểu yêu cầu xuống 10%, thậm chí 5% mà không có hướng dẫn chi tiết về cách thức tiến hành, không có sự khởi xướng, không có tổ chức thực hiện thì vẫn không thực hiện được”, ông Tuyết nói.

 

Đại biểu Lê Văn Điệt (Vĩnh Long) hiến kế: “Chúng ta phát giấy xin ý kiến về bỏ phiếu tín nhiệm để từ đó Quốc hội có cơ sở tiến hành chứ còn như quy định hiện nay nếu không đủ thì chẳng lẽ đi vận động mà đi vận động thì sai luật”.

 

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) khẳng định việc bỏ phiếu tín nhiệm là hợp ý Đảng, lòng dân nên không có lý do gì phải bó tay: “Ý Đảng là dân chủ, lòng dân muốn dân chủ trực tiếp, muốn bỏ phiếu tín nhiệm, muốn trưng cầu ý dân, Quốc hội chúng ta có quyền làm, tại sao chúng ta cứ bó tay mãi”.

 

Tuy hầu hết các đại biểu đều thống nhất việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu và phê chuẩn, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào lại không đồng tình với quan điểm này, theo đại biểu Đào, trên thế giới chỉ có khái niệm “bỏ phiếu bất tín nhiệm”. Ông phân tích, “chỉ khi người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn có vấn đề thì QH mới xem xét bỏ phiếu bất tín nhiệm. Như vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm ở ta là hoạt động bất bình thường”.

 

QH mới chỉ giám sát “ngoài da”

 

Bàn về chức năng giám sát của QH, đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) đưa ra nhận xét: “Thời gian qua số vụ tiêu cực, tham nhũng v.v... phần nhiều là do báo chí hoặc công an phát hiện. Hoạt động giám sát của QH chưa phát hiện được cá nhân hay đơn vị nào. Rõ ràng giám sát của các ủy ban, của đoàn đại biểu, của cả đại biểu Quốc hội hiệu quả chưa cao”.

 

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn dẫn chứng lời nhận xét trên một tờ báo cho rằng "QH mới chỉ giám sát ngoài da”, ông đề nghị “tăng cường thành lập các ủy ban lâm thời, để giúp đỡ ủy ban chuyên trách giám sát một số chuyên đề, như vậy sẽ hiệu quả, đỡ cồng kềnh, bớt tốn kém”.

 

Đại biểu chuyên trách: 25 hay 40%?

 

Nhiều ý kiến cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI đến nay, đại biểu Quốc hội chuyên trách thực hiện tốt vai trò, trọng trách của mình, nâng cao được chất lượng xây dựng pháp luật cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội và những vấn đề quan trọng khác cũng được nâng lên rõ rệt. Vì thế, việc tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách là giải pháp tốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc dự thảo đề xuất tăng số đại biểu chuyên trách tối thiểu từ 25% hiện nay lên 40% đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau.

 

Đại biểu Phạm Thế Duyệt cho rằng, không nhất thiết phải đông, vì số lượng không thể nói lên bản chất của sức mạnh và trí tuệ, “cái chính là chọn đúng việc, đúng người. Đại biểu chuyên trách hoạt động tốt sẽ giúp cho Quốc hội bớt thời gian họp, chỉ cần 15, 20 ngày đã giải quyết được vấn đề”.

 

Theo đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, vấn đề là đổi mới hoạt động để phát huy được sức mạnh của từng đại biểu Quốc hội, “đáng tiếc nhiều đại biểu Quốc hội là cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ở địa phương và Trung ương phát biểu rất ít và không phát biểu, đó là thiệt thòi của Quốc hội, vì vậy phải có cơ chế để tất cả đại biểu đều hoạt động thì Quốc hội mới mạnh lên. Đó là vấn đề tôi thấy cần thay đổi”.

 

Có nên thành lập mới 4 ủy ban

 

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn không tán thành việc thành lập mới 4 ủy ban là Tư Pháp, Pháp luật, Tài chính và Kinh tế. Theo ông, vẫn nên để 2 ủy ban như cũ vì thực tế các ủy ban này đang hoạt động có hiệu quả: “Vấn đề là làm có trọng điểm, chẳng hạn Ủy ban Kinh tế ngân sách bây giờ tập trung vào cái gì? Tình trạng rút vốn của công trình ghê gớm nên phải tập trung vào cái đó. Những cái mà Chính phủ đã giải quyết rồi thì thôi”.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cũng đồng tình như vậy, ông đề xuất nên chia Ủy ban Pháp luật thành hai tiểu ban Công pháp và Tư pháp, vừa gọn vừa đầy đủ.

 

Đức Hòa