1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cả 5 dự án Quốc hội quyết định đầu tư đều có “vấn đề”

(Dân trí) - 5 dự án mà Quốc hội đã xem xét, quyết định đầu tư đều không hoàn thành theo thời gian qui định, chưa kể chất lượng và hiệu quả công trình cũng không được như mong muốn; qui mô vốn đầu tư không còn phù hợp… Đó là nguyên nhân dẫn đến việc phải sửa đổi nghị quyết 05 của Quốc hội.

Nghị quyết 05/1997/QH10 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư được thông qua năm 1997. Sau 8 năm thực hiện, có 5 công trình được quyết định đầu tư là: dự án khí điện đạm Bà Rịa- Vũng Tàu, Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Nhà máy thủy điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cả 5 công trình đều “có vấn đề” về hiệu quả và thời gian thực hiện.

 

Trong phiên thảo luận hôm qua 29/5, Ủy ban Khoa học công nghệ Môi trường của QH đã khẳng định việc sửa đổi nghị quyết (NQ) 05 là cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay. Điều chỉnh lại qui mô vốn đầu tư là một trong những sửa đổi quan trọng của NQ  này.

 

Trong NQ 05, các công trình có qui mô vốn đầu tư từ 10.000 tỉ đồng trở lên (thời giá năm 1997, chiếm  khoảng 3% GDP) được coi là công trình quan trọng quốc gia, phải trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Nhưng từ 1997 đến nay, tỉ lệ trượt giá khoảng 31%; mức vốn 10.000 tỉ đồng chỉ chiếm khoảng 1,2% GDP nên con số này không còn phù hợp, cần phải được điều chỉnh lại.

 

Có nên khống chế vốn đầu tư?

 

Về việc thay đổi qui mô vốn đầu tư, đại  biểu Trương Thị Mai (Trà Vinh) lo ngại, với tốc độ trượt giá như vậy, 5 năm tới khả năng trượt giá dự kiến là bao nhiêu? Nghị quyết này có ổn định được trong vòng ít nhất 5 năm hay không? Bà cũng đề nghị Uỷ ban Khoa học công nghệ Môi trường cần đưa ra thêm cơ sở để quyết định qui mô vốn đối với công trình.

 

Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc đặt câu hỏi: Liệu với nguồn vốn tư nhân thì có nên khống chế  mức vốn đầu tư? Ông Phúc cho rằng, nếu qui định vốn ở mức 25 tỉ đồng (1,5 tỉ đô la) thì rất nhiều công trình đạt mức này. “Tôi đề nghị không nên khống chế, nếu có khống chế thì nên lấy mức 30.000 tỉ đồng”, ông Phúc đề xuất.  Bộ Trưởng Võ Hồng Phúc cũng “cảnh báo”, nếu qui định về tiêu chí vốn không hợp lý thì vô hình chung sẽ không khớp với Luật Đầu tư và đi ngược lại nội dung của luật, ngoài ra, còn làm ảnh hưởng đến cơ hội của nhà đầu tư.

 

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lại nhìn nhận qui mô các công trình trọng điểm quốc gia theo hướng “mở” hơn, đó là những vấn đề thuộc kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội ảnh hưởng lớn tới quốc gia. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của đại biểu Nguyễn Viết Chức (Hà Nội) khi ông cho rằng, có những chương trình không tiêu nhiều tiền nhưng ảnh hưởng đến xã hội rất lớn, không phải chỉ chuyện di dân, cũng không phải vốn 20 ngàn tỉ hay 50 ngàn tỉ nên cần có sự xem xét của QH.

 

Để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các công trình trọng điểm do QH xem xét, quyết định đầu tư, đại biểu Phan Anh Minh (TP Hồ Chí Minh) đề xuất: “Chúng ta nên có hình thức như điều trần, chất vấn. Tức là cơ quan đại diện Chính phủ trình và đưa ra lập luận bảo vệ, còn Hội đồng thẩm định thì đưa ra những ý kiến phản biện, đại biểu QH chỉ chất vấn và nghe hai bên đưa ra lý lẽ để có những quyết định đúng đắn”.

 

Sẽ tăng gấp đôi thời lượng giám sát của QH

 

Kết phiên thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Văn An nêu ý kiến rằng, nếu các dự án mà chuẩn bị không kỹ thì QH không làm thay được, QH không thể đi sâu vào vấn đề kỹ thuật. “Nghiên cứu dự án, nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu công nghệ thì các cơ quan chức năng khi trình với QH cần có trách nhiệm”. Chủ tịch cũng đề nghị các đại biểu cần nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình: “Nếu đại biểu có thì giờ hơn, có trách nhiệm cao hơn thì chúng ta cũng có thể biết được chứ không phải chỉ “thông cho qua” như một đại biểu đã nói”.

 

Chủ tịch Nguyễn Văn An khẳng định sẽ tăng gấp đôi thời lượng giám sát tại QH từ các kỳ họp sau và phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát: “Hiện nay, thời lượng giám sát mất cân bằng lớn so với thời lượng lập pháp. Thời gian tới chúng ta phải tăng cường hoạt động giám sát, không thể để như hiện nay”.

 

Chủ tịch cũng yêu cầu qui trách nhiệm rõ ràng để thúc đẩy lẫn nhau, làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. “Tôi nghe thấy hầu hết các đại biểu không hài lòng với chất lượng, tiến độ của 5 dự án mà QH đã quyết định”, Chủ tịch Nguyễn Văn An bày tỏ lo ngại về thực trạng các công trình do QH xem xét, quyết định đầu tư.

 

Đức Hoà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm