DMagazine

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc?

(Dân trí) - Ngoài các quận, huyện muốn mở phố đi bộ, phố đêm, ẩm thực, TPHCM cũng ấp ủ biến 22 tuyến đường trung tâm thành nơi đi bộ. Điều này có giúp TPHCM phô diễn bản sắc như các thành phố lớn trên thế giới?

"TPHCM chưa bao giờ đủ diện tích phố đi bộ", đây là chia sẻ của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, với phóng viên báo Dân trí khi được hỏi về quan điểm trước việc hàng loạt địa phương đề xuất mở phố đi bộ, phố đêm, phố ẩm thực thời gian qua.

"Trên thế giới, không gian đi bộ được tổ chức ở khắp nơi. Câu chuyện của phố đi bộ tại TPHCM cần gắn với sản phẩm du lịch địa phương, với kinh tế đêm và đi kèm là kế hoạch quản lý, khai thác vỉa hè ở một số nơi", Chủ tịch UBND TPHCM đưa ra bức tranh tổng thể về không gian đi bộ của địa phương trong tương lai.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 1

Đường Nguyễn Huệ là tuyến phố đi bộ có quy mô lớn nhất tại TPHCM hiện tại (Ảnh: P.N.).

Điểm chung của hầu hết thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới là không gian công cộng, phố đi bộ luôn được chú trọng xây dựng, đầu tư bài bản, là nơi để "phô diễn" bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng cho du khách. Còn tại TPHCM đang ra sao?

Thời gian qua, nơi đây đã từng bước bắt nhịp với xu thế thế giới khi hàng loạt địa phương đề xuất hình thành phố đi bộ, phố đêm, khu ẩm thực hay đề án hình thành 22 tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố do Sở GTVT đề xuất. Viễn cảnh về việc người dân hào hứng hưởng ứng việc đi bộ, thay cho phương tiện cá nhân tại siêu đô thị lớn nhất cả nước ngày càng đến gần.

Qua cuộc trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực quy hoạch, đô thị, họ cùng chung ý kiến, việc phát triển không gian cho người đi bộ tại TPHCM là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng bày tỏ, TPHCM còn nhiều việc phải làm, nhiều điều phải tính toán trước khi mở thêm hàng loạt phố đêm, phố ẩm thực, phố đi bộ hay biến 22 tuyến đường khu vực trung tâm trở thành nơi đi bộ của người dân.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 3

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, nêu rõ quan điểm, các khu phố đi bộ không đơn thuần là nơi đi qua, đi lại.

Những tuyến phố này phải tạo được không gian, khoảng trống cho người dân tới thư giãn, giao lưu với cộng đồng, trải nghiệm dịch vụ. Và bản chất đầu tiên, phố đi bộ phải là nơi đủ đáp ứng những nhu cầu trên cho chính người dân sinh sống tại khu vực lân cận.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 5

"Tư duy phát triển đô thị của chúng ta thời gian trước đây chỉ gồm những điều cơ bản. Hiện nay, thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á đều tìm kiếm các hoạt động trong đô thị để thu hút dân cư, khách du lịch, cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí", KTS Khương Văn Mười bày tỏ.

Khu dân cư cũ của địa phương còn thiếu vắng không gian công cộng trong quá trình quy hoạch do sự phát triển tự phát. Điểm thấy rõ là không gian cây xanh, bãi đỗ xe, không gian công cộng còn rất thiếu.

Ông Mười đánh giá, các phố đi bộ hiện hữu của TPHCM đang có phần lộn xộn và chưa bài bản. Thực trạng bất cập phát sinh do khâu quản lý còn yếu.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 7

Hiện TPHCM có 4 tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực đang hoạt động gồm đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Kỳ đài Quang Trung (quận 11). Ngoài khu vực quảng trường trên đường Nguyễn Huệ được tổ chức đi bộ toàn thời gian, các khu vực khác tổ chức đi bộ vào khung giờ nhất định dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết hoặc khi có sự kiện đặc biệt.

KTS Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn chỉ rõ, các tuyến phố đi bộ hiện hữu của TPHCM chưa thể gọi là thành công do không gian chưa thân thiện với người đi bộ, tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh vẫn còn, tiện ích chưa đầy đủ.

Nếu để lựa chọn không gian đi bộ thành công nhất tại TPHCM, vị chuyên gia đưa ra hình ảnh của đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), nơi đây có đủ không gian cho du khách tìm hiểu văn hóa, tìm kiếm sách, đồ lưu niệm và có quán cà phê, nhà hàng kế cận.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 9

Cùng quan điểm về sự cần thiết của phố đi bộ, vị KTS cho rằng, đây là không gian công cộng không thể thiếu đối với mỗi đô thị. Tuy nhiên, vị chuyên gia này đặt vấn đề, mỗi đô thị lớn cần ít nhất một phố đi bộ, nhưng cũng không cần quá nhiều.

"Ví dụ Thượng Hải, một thành phố lớn hơn TPHCM cả diện tích và quy mô dân số, họ cũng chỉ có khu đi bộ chính là đường Nam Kinh và 2 bên bờ sông Hoàng Phố. Đối với TPHCM, không gian công cộng là cần thiết, nhưng chưa đến mức cần mỗi quận, huyện đều hình thành một tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực", KTS Ngô Viết Nam Sơn bình luận.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 11

KTS Ngô Viết Nam Sơn kể, ông từng ở Paris nhiều tháng, đi tới mọi nơi và tìm hiểu nhiều vấn đề. Thủ đô của nước Pháp cũng chỉ có một khu vực là phố đi bộ toàn phần, hầu hết không gian còn lại là nơi "thân thiện với người đi bộ".

"Khái niệm phố đi bộ là phải cấm hoàn toàn các phương tiện. Tôi nghiêng về phương án, TPHCM cần hình thành các tuyến phố thân thiện với người đi bộ hơn là mở thêm hàng loạt phố đi bộ", KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 13

Vị chuyên gia phân tích rõ hơn, các tuyến thân thiện với người đi bộ là vẫn cho phương tiện giao thông lưu thông, có đường cắt ngang, đèn tín hiệu. Tuy nhiên, các phương tiện bắt buộc phải nhường đường cho người đi bộ, đặc biệt là tại nơi có vạch sang đường. Khi người đi bộ qua đường xong, các xe mới được tiếp tục di chuyển.

 "Phố đi bộ thường ảnh hưởng rất lớn đến giao thông do phải chặn đường, gây kẹt xe. Do đó, TPHCM hay đô thị lớn nào cũng chỉ cần 1-2 phố đi bộ, không cần nhiều. Ví dụ như phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi mỗi khi cấm xe là các phương tiện phải đổ dồn về các đường vòng, gây ra ùn tắc nặng", KTS Ngô Viết Nam Sơn dẫn chứng.

Mặt khác, phố thân thiện với người đi bộ vẫn phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung như tiện ích công cộng, nhà vệ sinh, mái che. KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, khái niệm tuyến đường thân thiện với người đi bộ là tiền đề hàng đầu để TPHCM phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 15

Đánh giá về mức độ khả thi của đề án hình thành 22 tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm mà Sở GTVT thành phố đề xuất, KTS Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn, trên thế giới không có thành phố nào tồn tại số lượng phố đi bộ nhiều như vậy. Thay vì làm 22 tuyến đi bộ, thành phố cần đặt vấn đề là 100% tuyến đường nội thành thân thiện với người đi bộ.

Và để hình thành được các tuyến đường thân thiện với người đi bộ, việc TPHCM cần làm ngay là chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường đang tồn tại ở mọi nơi, trả lại không gian cho người đi bộ. Vị chuyên gia nhấn mạnh, TPHCM không nên né tránh vấn đề cốt lõi này.

"Vấn đề hiện tại không phải là bao nhiêu tuyến phố đi bộ, mà là người đi bộ có không gian hay không. Nếu khu vực thân thiện với người đi bộ, không cần cấm xe hoàn toàn, người dân, du khách vẫn hưởng ứng", KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu góc nhìn.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 17

Góp ý về việc phát triển phố đi bộ trong tương lai tại TPHCM, vấn đề về bản sắc văn hóa, trải nghiệm của du khách được KTS Khương Văn Mười đề cập kỹ lưỡng. Bản sắc văn hóa, phong tục đặc sắc của địa phương góp phần không nhỏ trong thành công của các tuyến phố đi bộ nổi tiếng trên thế giới.

"Ví dụ mình là hành khách, đi đến đâu cũng được người dân tiếp đón nồng hậu, cười nói thân thiện thì chắc chắn sẽ còn quay lại lần sau. Đó là cái khó của thành phố, phải làm sao để cả cộng đồng có văn hóa ứng xử tốt", KTS Khương Văn Mười bày tỏ.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 19

Khách du lịch quốc tế có xu hướng muốn tìm hiểu văn hóa của địa phương (Ảnh: Ngọc Ngân).

Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng, việc hình thành văn hóa ứng xử ấy là cả một nghệ thuật. Và để tạo dựng được bản sắc này, cơ quan quản lý cần đưa ra những hành lang pháp lý, những quy định chặt chẽ, tác động và điều phối trực tiếp đến các hoạt động tại phố đi bộ.

"Ví dụ như hàng quán xả rác bừa bãi, làm mất vệ sinh quá 3 lần sẽ phải đóng cửa. Nơi nào để xảy ra tình trạng lộn xộn, du khách ẩu đả không cần biết bên nào đúng, bên nào sau cũng không cho hoạt động nữa. Có những chế tài đủ mạnh, mọi việc sẽ vào quy củ", ông Mười nêu giải pháp.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 21

Chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý tại TPHCM cần đưa ra hành lang pháp lý đồng bộ cho các tuyến phố đi bộ (Ảnh: Hải Long).

Đối với TPHCM, vị KTS cho rằng, quy hoạch phố đi bộ cần khai thác tại toàn bộ khu vực trung tâm, thậm chí là các đường hẻm, len lỏi qua khu dân cư. Bởi, khách du lịch tới TPHCM thời gian gần đây thường có xu hướng tìm hiểu bản sắc văn hóa, cách thức sinh hoạt, món ăn của địa phương.

"Các chương trình du lịch quốc tế thời gian qua cũng nhắc tới nhiều món ăn đặc sắc của TPHCM và Việt Nam. Khi thành phố làm tốt vấn đề quản lý, quy hoạch, chắc chắn nhiều du khách sẽ đến tìm hiểu Việt Nam và TPHCM hơn", KTS Khương Văn Mười nhìn nhận.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 22

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc nhiều quận, huyện đồng loạt đề xuất hình thành phố đêm, phố ẩm thực, phố đi bộ là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, các địa phương cần đảm bảo đủ nguồn lực để làm "tới nơi tới chốn", có nơi che mưa, che nắng, bảng hướng dẫn, không gian xanh, nơi trú chân, đèn chiếu sáng, các hoạt động quy củ và có cơ quan hỗ trợ du khách khi xảy ra sự cố.

"TPHCM cần đưa ra quy chuẩn chung cho các phố đi bộ tại quận, huyện. Dựa trên các yếu tố tôi vừa nêu, hiện nay chỉ có đường sách Nguyễn Văn Bình là có thể đáp ứng tương đối tốt", ông Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 24

TPHCM cần những quy chuẩn chung cho tất cả phố đi bộ (Ảnh: Trần Đạt).

Góp ý cho TPHCM về phát triển không gian cho người đi bộ, KTS này cho rằng, địa phương cần dồn toàn lực để hình thành và xây dựng phố đi bộ Lê Lợi (quận 1) trong thời gian ngắn sắp tới. Bởi, sau nhiều năm con phố này đóng băng để thi công tuyến Metro số 1, khu dân cư 2 bên đường phải chịu ảnh hưởng khá nhiều, người dân cũng quên mất việc thành phố có con đường Lê Lợi sầm uất trước đây.

"Về mặt kỹ thuật, phố đi bộ Lê Lợi cũng đóng vai trò quan trọng khi là nơi kết nối giữa nhà ga Metro chợ Bến Thành và ga Nhà hát thành phố. Tuyến phố khi hình thành cần có mái che, cây xanh, và các hạ tầng phục vụ đầy đủ. Khi đó, con phố sẽ lập tức tác động tích cực đến diện mạo đô thị, kinh tế xã hội của khu trung tâm, khoan bàn đến 22 tuyến như đề án của Sở Giao thông Vận tải", ông Ngô Viết Nam Sơn cho hay.

Ngoài ra, TPHCM còn nhiều không gian có thể phát triển khu đi bộ nhưng chưa thể tận dụng. Một trong những ví dụ rõ nét là cảnh quan của tuyến đường 2 bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rất hấp dẫn, nhưng vẫn chưa thể phát huy được tiềm năng.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 26

KTS Khương Văn Mười góp ý, trong tương lai, tuyến đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM) cũng cần được quy hoạch để trở thành phố đi bộ toàn phần. Khi đó, một khung cảnh tuyệt đẹp của khu vực trung tâm thành phố sẽ dần được hình thành khi có thêm các khu thương mại, dịch vụ, bãi đậu xe phía dưới không gian ngầm, câu chuyện về chỗ để xe, cách thức tiếp cận của người dân không còn là bài toán nan giải.

"Vấn đề chính là Nhà nước khó có đủ nguồn lực đầu tư, nếu kêu gọi nhà đầu tư tham gia thì phải để họ thấy được lợi nhuận. Việc cần thiết là TPHCM phải có chiến lược để tạo nguồn lợi nhuận cho họ, và họ giúp thành phố đạt được những mục tiêu đề ra", KTS Khương Văn Mười nêu góc nhìn.

Hàng loạt phố đi bộ có giúp TPHCM phô diễn bản sắc? - 28

Nội dung: Q.Huy

Thiết kế: Đỗ Diệp

Ảnh: Hải Long, Trần Đạt, P.N.