Hà Nội ấn định thời gian phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập"?
(Dân trí) - Tòa nhà "Hàm cá mập" sẽ bị phá bỏ trong thời gian tới để Hà Nội thực hiện dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Các cơ quan liên quan của Hà Nội đang lập quy hoạch và lập dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, điểm nhấn là phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập".
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập" trước ngày 30/4.
"Tòa nhà Hàm cá mập mới được xây dựng vào khoảng năm 1990-1993 nên không phải là biểu tượng và không có những kiến trúc đặc biệt cần bảo tồn. Tổng Công ty vận tải Hà Nội - doanh nghiệp thuộc thành phố đang quản lý, vận hành nên sẽ thuận lợi trong việc phá bỏ tòa nhà này", một nguồn tin cho biết.
Được biết, giai đoạn này Hà Nội mới chỉ phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập" và cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, còn khu vực phía sau tòa nhà này vẫn giữ nguyên.
Sau khi phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập" và kết hợp với tuyến phố xung quanh sẽ tạo ra không gian khoảng 1,2ha để phục vụ cộng đồng.

Hà Nội sẽ phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập" trong thời gian tới (Ảnh: Đắc Huy).
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco), cho biết đơn vị là doanh nghiệp của Hà Nội và được thành phố cho thuê đất và quản lý tòa nhà "Hàm cá mập" để hoạt động thương mại lâu dài. Nay thành phố có chủ trương thu hồi và phá bỏ tòa nhà này, đơn vị hoàn toàn đồng thuận.
Theo ông Nam, đơn vị sẵn sàng bàn giao nguyên trạng khu đất và hạ tầng trên đất bất kỳ thời điểm nào khi thành phố có yêu cầu; đồng thời bố trí nhân công lao động tại tòa nhà sang làm lĩnh vực khác, đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Tổng giám đốc Transerco cho hay, sau hơn 30 năm được xây dựng và khai thác thương mại, tòa nhà "Hàm cá mập" đã hoàn thành sứ mệnh phát triển.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục được xác định là khu vực không gian có vị trí đặc biệt quan trọng của trung tâm Thủ đô.
Việc nghiên cứu cần đảm bảo đúng phạm vi của Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, theo ông Long.
Chủ tịch quận Hoàn Kiếm khẳng định, việc nghiên cứu khu vực quảng trường sẽ góp phần nâng cao giá trị lịch sử vốn có về văn hóa, lịch sử, kết nối 2 khu vực rất quan trọng là khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm (phía Nam) với khu vực di tích quốc gia khu phố cổ (phía Bắc), góp phần cụ thể hóa các quy hoạch được duyệt.
"Việc nghiên cứu khu vực này để phát huy giá trị vốn có là hết sức cần thiết, tạo không gian công cộng cho cộng đồng, hướng tới quy hoạch dài hạn, đảm bảo phát triển bền vững", ông Long nói.

Khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục sắp được tái thiết (Ảnh: Giang Phong).
Trước đó, đầu năm 2024, UBND quận Hoàn Kiếm và đơn vị tư vấn đã nghiên cứu mở rộng không gian khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, trong đó đề xuất xóa bỏ tòa nhà "Hàm cá mập".
Đầu tháng 3, Hà Nội tán thành phương án đề xuất phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập", đề xuất không gian ngầm (3 tầng hầm) tại khu vực quảng trường hiện có và không gian mở rộng sau khi phá bỏ tòa nhà này.
Sau khi phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập", Hà Nội sẽ triển khai dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết không gian Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục (với phạm vi quảng trường tuyến tính, gồm đường Đinh Tiên Hoàng đôi, bề mặt các ô phố, tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, phố Hồ Hoàn Kiếm…), bề mặt tòa nhà Long Vân - Hồng Vân, trung tâm thông tin văn hóa hồ Gươm, tòa nhà Thủy Tạ.
Hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở trung tâm Hà Nội với diện tích khoảng 12ha, chu vi 1,7km. Trước đây, hồ còn có các tên gọi là Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng...
Bên cạnh việc phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập", Hà Nội đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án kiến trúc tại khu vực phía Đông hồ Gươm theo hướng trở thành khu quảng trường - công viên đặc biệt.
Dự kiến sẽ di dời 12 tổ chức và 35 hộ dân từ khu vực phố Trần Nguyên Hãn đến trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao ở phố Hàng Dầu.