Ông Nguyễn Duy Đông ngồi đầu xe tăng cùng những đồng đội tiến vào
Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn năm 1975
Đó là Thượng sỹ Nguyễn Duy Đông, sinh năm 1952, tại vùng quê xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, ông xung phong nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1973, ông được phân công vào Nam chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhắc về trận đánh lịch sử ngày 30/4/1975, ông Đông nhớ lại: “Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là đòn đánh quyết định cuối cùng để đánh đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Hồi đó, tôi đang ở Tiểu đội trinh sát Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 (nay là F 390, quân đoàn 1) và được trực tiếp tham gia trong trận đánh này. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 quyết định giao cho Đại đội 5 tăng cường xe tăng, pháo binh và một tổ công tác gồm các đồng chí: Lại Đức Lưu (tổ trưởng), đồng chí Đỗ Xuân Hương và Trịnh Bá Uẩn cùng Tiểu đoàn trưởng là Thiều Quang Nông và Chính trị viên Bùi Văn Lung và tôi, tổ phó đội”.
Kể về câu chuyện cắm lá cờ giải phóng, ông Đông vẫn chưa hết bồi hồi xúc động: “Hôm đó tôi là người được giao trách nhiệm mang theo lá cờ rộng 3,4 m, dài 4,8m để sau khi quân ta giành chiến thắng sẽ cắm lên nóc cờ của Bộ tham mưu ngụy quyền Sài Gòn báo hiệu chiến thắng và giành lại chủ quyền. Tôi vừa hãnh diện vừa lo sợ, lá cờ được tôi cất giữ cẩn thận trong ba lô, lúc đó tôi chỉ nghĩ dù có hy sinh cũng quyết không để mất lá cờ này”.
Như kế hoạch đã được chuẩn bị, sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, toàn miền Nam đồng loạt nổ súng tấn công liên tiếp ở nhiều nơi khiến giặc thất thủ buộc phải dồn quân về cơ quan đầu não tại Sài Gòn. Cùng thời điểm Đại đội 6 và Đại đội 8, Tiểu đoàn 2 phối hợp với Tiểu đoàn 1 tấn công cứ điểm Tân Uyên. Trận đánh mở màn làm nên chiến thắng vang dội mở đường cho Tiểu đoàn 2 thọc đánh sâu vào Sài Gòn.
Ông Nguyễn Duy Đông ở giữa cùng các đồng đội kháng chiến năm 1975
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, tổ trinh sát dẫn đường của ông Nguyễn Duy Đông và các đồng chí khác cùng ngồi trên xe tăng đồng loạt đánh thẳng vào đồn địch. Tổ trinh sát tiếp tục tiến qua địa phận Lái Thiêu và tiến thẳng vào cầu Bình Triệu.
Cùng lúc này, trong thời khắc quyết định, chiến sĩ Nguyễn Duy Đông từ trên xe tăng lao xuống đường,̀ chĩa súng AK bắn liên tiếp vào xe bọc thép của địch và hét to: “Hàng thì sống, chống thì chết”. Khoảng hơn 11 giờ, Tiểu đoàn do Đội trưởng Thiều Quang Nông chỉ huy ra lệnh cho quân tiến đánh cổng Bộ Tổng. Khi đã khống chế hoàn toàn quân địch, ông Đông lưng giắt lá cờ, tay cầm AK chạy trước xông vào nhà Bộ tham mưu của ngụy quyền Sài Gòn. Phía sau hai đồng đội Đỗ Xuân Hương và Phạm Bá Uẩn chạy theo yểm trợ.
Ông Đông kể lại: “Lúc tôi đã lên được nóc nhà nhưng do lá cờ quá rộng và dài nên loay hoay mãi mà chưa tìm được cán cờ. Mình quay xuống hét to: “Các đồng chí cầm ngọn cán cờ kéo ngược lên”, tất cả mọi người có mặt ở đó mỗi người một việc, chỉ trong thời gian ngắn lá cờ được tra vào cán. Tôi nhanh chóng leo lên cột cờ chính và cắm lên nóc Bộ Tổng tham mưu đúng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Tiếp đó, đồng chí Đỗ Xuân Hương dùng súng AK bắn một tràng dài báo tin chiến thắng”.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước, đội ngũ lớp cán bộ cũ thay nhau luân chuyển, một số người nghỉ hưu. Chính vì vậy người viết sử của đơn vị mới vào nhận nhiệm vụ đã có sự nhầm lẫn khi liệt kê danh sách tên những người trong tổ cắm cờ giải phóng ở Bộ Tổng tham mưu ngụy trưa 30/4/1975, trong đó có đoạn ghi nhầm tên ông Nguyễn Duy Đông thành Nguyễn Văn Đổng.
Những kỷ vật này với ông Đông là báu vật
35 năm, trong lần gặp mặt những người tham gia kháng chiến, gặp mặt những nhân chứng lịch sử, cái tên Nguyễn Duy Đông mới được xác nhận lại. Ngay sau đó, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 đã cấp giấy chứng nhận số 251/CN - TĐ do Chính ủy Trung đoàn, Thượng tá Phạm Văn Đạo ký tặng ông Nguyễn Duy Đông - người đã cắm lá cờ quân giải phóng lên nóc cờ ngụy Sài Gòn năm 1975.
Nhắc về sự nhầm lẫn có nhiều thiệt thòi này, ông Đông chỉ cười: “Mình là lính cụ Hồ, mình cùng các anh em chiến đấu để mong giành được hòa bình, thắng lợi, ấy là chiến công của tất cả anh em, toàn thể người lính Cách mạng. Và nếu không có mình sẽ có đồng chí khác cắm lá cờ giải phóng mà”.
Trước khi tạm biệt khách, ông Đông lấy ra những tấm ảnh được cất giữ trong chiếc ba lô quân ngũ ra khoe. Với những người lính kháng chiến như ông, những tấm ảnh đó là kỷ vật mà đến bây giờ mỗi khi nhìn lại, ông vẫn không giấu được niềm xúc động.
Nguyễn Vân - Cao Tuân - Duy Tuyên