Dù là một thương binh và đã bước sang cái tuổi 81, mái tóc bạc trắng đầu nhưng ông Qũy vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Hiện, ông đang là quản trang duy nhất của Nghĩa trang Liệt sĩ xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Qũy vẫn đến Nghĩa trang hương khói cho đồng đội
Tìm đến căn nhà cột gỗ đơn sơ của vợ chồng ông Quỹ, đã quá trưa ông vẫn chưa về. Được mách ra Nghĩa trang Liệt sĩ xã Lam Hạ, chúng tôi thấy ông vẫn đang cặm cụi nhổ cỏ, quét dọn giữa các hàng mộ chí xếp ngay ngắn.
Sinh năm 1930 tại vùng quê nghèo chiêm trũng, từ bé ông Quỹ đã quen với việc đồng ruộng. Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã viết đơn tình nguyện lên đường tham gia kháng chiến.
Trong thời gian chiến đấu cùng đơn vị khắp các chiến trường miền Trung, ông đã nhiều lần bị thương nặng, phải điều trị trong thời gian dài. Sau khi vết thương lành, ông tiếp tục trở lại chiến trường chiến đấu cùng đồng đội. Chứng kiến những người lính, người anh em của mình ngã xuống vì bom đạn của kẻ thù, ông đã hứa với một đồng đội trong lúc đang bị thương nặng: "Nếu có cơ hội sống để trở về quê hương, chính tôi sẽ là người chăm lo, tri ân cho các anh em đã hi sinh. Đồng chí an tâm".
Ông Quỹ chăm sóc cẩn thận cho từng ngôi mộ Liệt sĩ
Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông Quỹ đã quyết định xin đi dạy bình dân học vụ cho con em địa phương. Ông tâm niệm: “Mình không còn cầm súng đánh giặc thì phải cầm bút để đánh thức tinh thần yêu nước, đấu tranh trong lớp trẻ, đồng thời tuyên truyền tinh thần cách mạng cụ Hồ đến với lòng dân".
Năm 1966, giặc Mỹ đổ bộ đánh phá trận địa Lam Hạ, thành phố Phủ Lý với ý đồ cắt đứt tuyến liên lạc giữa miền Bắc và miền Nam. Dù sức yếu nhưng với lòng yêu nước, ông xin gia nhập đội dân quân trong xã và trực tiếp ra các trận địa pháo chiến đấu.
Trong 9 ngày chiến đấu, chống lại sự tàn phá của bom đạn Mỹ và chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, có người xác cũng không tìm thấy, ông thấy như chính mình bị mất đi một phần thân thể.
Hòa bình lập lại, đất nước đã thoát khỏi cảnh chiến tranh. Lúc này, xã Lam Hạ có dự án xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ để quy tập những Liệt sĩ đã hy sinh từ khắp nơi thuộc địa bàn xã về đây để lo việc khói hương và tri ân những người con Lam Hạ đã hy sinh. Bản thân ông không ngần ngại tham gia các đoàn tìm mộ các Liệt sĩ lưu lạc khắp nơi trên đất nước về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Lam Hạ.
Nơi đây là Nghĩa trang của hàng trăm Liệt sĩ vô danh
Khi Nghĩa trang đã xây dựng xong và việc quy tập các mộ Liệt sĩ cũng đã hoàn thành, ông quyết định xin UBND xã Lam Hạ cho làm công việc trông coi nghĩa trang, hương khói cho các ngôi mộ liệt sĩ. Vốn là một thương binh lại có tinh thần cách mạng cao nên lãnh đạo xã không ngần ngại giao cho ông công việc thầm lặng này.
Ông Phạm Văn Quỹ chính thức trông coi Nghĩa trang liệt sĩ xã Lam Hạ từ năm 1983. Đến nay đã được 29 năm, ông vẫn luôn nhiệt tình với công việc “không công”. Ngày nào cũng như ngày nào, ông vẫn đến Nghĩa trang để làm các việc nhổ cỏ, quét dọn, thắp hương. Người quản trang cựu binh đặc biệt tận tình hướng dẫn các đoàn khách và người thân đến thăm viếng và giải thích cho họ hiểu về sự hi sinh của từng liệt sĩ trong nghĩa trang.
Ông chỉ có thời gian duy nhất là buổi trưa và buổi tối ở nhà. "Bà xã thấy tôi chăm lo cho hài cốt của các liệt sĩ cũng vui và ủng hộ tôi lắm", ông Quỹ vui vẻ cho biết.
Một điều làm chúng tôi ấn tượng là khi chứng kiến ông Quỹ mở cửa nghĩa trang, chùm khóa dùng để khóa cổng được ông lấy giấy bóng bao bọc rất cẩn thận thành nhiều lớp. Vừa gỡ giấy bóng, ông vừa nói: "Bác Hồ đã từng dặn là phải tiết kiệm và giữ gìn nên tôi phải bọc kĩ khóa thế này để tránh mưa, tránh nắng cho khoá không bị hoen rỉ, có thể sử dụng được lâu".
Đã hơn 80 tuổi nhưng ông Qũy vẫn miệt mài chăm sóc mộ, hương khói cho đồng chí của mình
Dù đã bước sang tuổi "xưa nay hiếm", ông Quỹ không cho phép mình nghỉ ngơi. Ông tâm sự: "Mình cũng đi chiến đấu và vẫn còn sống trở về là một may mắn. Giờ mình phải chăm sóc cho linh hồn những đồng đội đã hy sinh. Có làm được như vậy mới đúng với những lời dạy của bác Hồ và xứng đáng làm người lính cụ Hồ”.
Cao Tuân - Duy Tuyên