1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghe người 3 lần “cưỡi” tàu Không Số kể chuyện chiến đấu

(Dân trí) - Đó là Thượng úy Đồng Xuân Chế - nguyên thuyền trưởng của đoàn tàu Không Số, người đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam những năm kháng chiến.

Chúng tôi tìm về thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa gặp Thượng uý Đồng Xuân Chế - nguyên Thuyền trưởng đoàn tàu Không Số. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền biển đầy nắng gió nên dù đã 75 tuổi nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh với nước da sạm đen. 

Nghe người 3 lần “cưỡi” tàu Không Số kể chuyện chiến đấu - 1
Ông Chế hồi tưởng lại những ngày còn tham gia chiến đấu

Ông vừa pha trà mời khách vừa như được sống lại cái cảm xúc của những ngày “xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”, rồi cảm xúc cứ thế tuôn trào ra, ông kể dõng dạc, vanh vánh từng chuyến đi, từng trận đánh, những lần giáp mặt với kẻ thù… khiến người nghe có cảm giác như mọi chuyện vừa mới diễn ra hôm qua.

Đó là cuối những năm 60, địch phát hiện ra tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển của ta nên công tác vận chuyển vũ khí bằng đường biển trở nên khó khăn gian khổ. Mỹ tăng cường đánh phá, phong toả, ngăn chặn việc vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên biển của quân và dân ta.

Trong khi đó thời gian này, phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, yêu cầu chi viện vũ khí ở chiến trường miền Đông Nam Bộ trở nên vô cùng cấp bách và khẩn trương. Tháng 9/1970, ông được điều động về làm thuyền phó 1, Tàu 54, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 125, nhận lệnh chở 70 tấn vũ khí đi Rạch Gốc, Cà Mau.

Thuyền trưởng của con tàu 54 là anh Hai Đặng, anh Hai Hiệu là chính trị viên. Con tàu xuất phát tại Cảng K35 Hải Phòng. Để tạo yếu tố bí mật bất ngờ tàu đã thẳng hướng sang đảo Hải Nam Trung Quốc, đi dọc tuyến phía Đông quần đảo Trường Sa của Việt Nam tiếp giáp Philippin.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền biển nên sóng nước với ông không có gì là xa lạ, ông không thể quên cái thời “cưỡi sóng, đạp gió”: “Khi đang ở vùng biển Philippin thì cơn bão số 8 xuất hiện. Con tàu nhỏ nhoi của chúng tôi oằn mình giữa cơn cuồng phong của biển cả. Hòm đạn súng B41, đạn ĐKZ cố định trên mặt boong đều bị sổ tung, 2 vây giảm lắc của tàu bị sóng bẻ gãy hết nên con tàu cứ chòng chành như muốn chìm xuống đáy đại dương vậy”.
 
Rồi giọng ông lại trầm xuống: “Thời điểm đó, phần đông cán bộ chiến sĩ đã nhịn ăn, nhịn uống làm việc, qua nhiều giờ liền vật vã với con thuyền trong bão khiến mọi người gần như kiệt sức. Trước tình thế gay go tàu gần như không thể đi nổi, việc xác định vị trí tàu bằng thiên văn không thể tiến hành được, buộc phải dùng phương pháp tính nhích dần để xác định vị trí tàu. Chi uỷ hội ý và điện về Bộ Quốc phòng xin chỉ thị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Đây là thời cơ tốt các đồng chí cố gắng vượt qua với tinh thần chỉ có tiến công”.
 
Nghe người 3 lần “cưỡi” tàu Không Số kể chuyện chiến đấu - 2
Ông Chế không bao giờ quên về những ngày tháng lịch sử trên những chuyến tàu không số

Mệnh lệnh đã nhận, và tiếng gọi của đồng bào miền Nam đang vẫy gọi nên mọi người lại động viên nhau quyết không rời tay lái và vị trí chiến đấu của mình, quyết tâm đưa con tàu vượt qua bão táp tiếp tục hành trình.

Theo dự kiến 3h sáng là tàu cập bến, nhưng do ảnh hưởng bão nên mãi 7h tàu mới vào bến. Quá muộn so với thời gian đã hẹn nên người dẫn đường đã rút lui. Đang loay hoay không biết xử lý thế nào thì bỗng dưng máy bay tuần tra của địch ập đến, tất cả anh em đã sẵn sàng chiến đấu nhưng rất may chúng đã không phát hiện ra tàu của ta. Khi máy bay rút, các chiến sỹ đã nhanh chóng nguỵ trang tàu thành công.

Sau gần một tuần giao hàng xong, con tàu nhận được lệnh cấp trên rút về Bắc. Tuy nhiên, tính huống xấu lại ập đến, khi đang chờ nhận ít hàng chi viện, bất ngờ chiếc thuyền B10 bốc cháy, đạn phát nổ đã tạo ra một quầng lửa sáng rực. Nghe tiếng đạn nổ và vùng lửa sáng, máy bay địch gần đó đã xuất hiện và lùng sục.

Tình thế cấp bách, Ban chỉ huy tàu hội ý và quyết định cho tàu khẩn trương rời khỏi khu vực nguy hiểm. Khi tàu vừa ra khỏi rạch thì máy bay địch ở sân bay Bạc Liêu bám theo sát, ngoài biển thấy đèn tàu địch thấp thoáng hình như địch đã phát hiện được tàu của ta và đang đón lõng.

Ban chỉ huy tàu báo động toàn tàu sẵn sàng chiến đấu và cho tàu bám bờ đi theo hướng Gành Hào để tránh ra đa của địch phát hiện. Khoảng một giờ sau địch bị mất mục tiêu, máy bay và tàu địch đã rút.

Sau chuyến đi này, tàu 54 đã được cấp trên khen ngợi, do mất sức nhiều nên ông Chế được ở lại bệnh viện điều trị một thời gian. Sau khi xuất viện ông được điều động về tàu 56, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 125 để nhận nhiệm vụ mới.

Đấy là vào một ngày cuối tháng 8/1971, tàu 649 (phiên hiệu mới của tàu 56) nhận lệnh vận chuyển 70 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đầu tháng 11/1971, tàu xuất phát tại Bái Tử Long, để tránh sự do thám của địch, tàu tiến ra đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi đi thẳng xuống những bãi cạn của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam). Rút kinh nghiệm lần trước, chuyến này vũ khí được bọc vải màn tẩm mỡ chống ẩm và buộc dây ni lông phi 10 chữ thập. Trên tàu ngoài 18 cán bộ chiến sĩ còn có 2 người nhái đặc công của Đoàn 126. Do phải đi lách trên các bãi đá ngầm Hoàng Sa, Trường Sa nên yêu cầu việc xác định vị trí tàu bằng thiên văn và lái tàu phải thật chuẩn xác. Chỉ cần sơ xuất một chút là tàu có thể cưỡi lên đá ngầm.

Chuyến đi này có hai phương án: Phương án một là đi Cà Mau - Rạch Giá. Phương án hai thả vũ khí ở chân Đảo Cô Công nếu bến Cà Mau. Bộ Tổng tham mưu quyết định chọn phương án hai.
 
Nghe người 3 lần “cưỡi” tàu Không Số kể chuyện chiến đấu - 3
Ông Chế chỉ chuyến tàu không số mà năm xưa ông đã cùng đồng đội
vận chuyển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam 

Ông Chế chỉ còn nhớ, đấy là cuối tháng 11/1971 sau khi nhận được điện, Chi uỷ cùng Ban chỉ huy tàu họp bàn nhận định đây là thời cơ tốt cần nhanh chóng cơ động vào bến ngay trong đêm thứ 7, vì lúc đó địch thường hay mất cảnh giác. Nếu đi theo kế hoạch cũ thì sang tối chủ nhật mới vào bến và thả hàng được, tàu đã nhanh chóng cắt hướng và báo cáo về Bộ Tổng tham mưu, Bộ nhất trí theo phương án của Chi uỷ và Ban chỉ huy tàu.

Đến 23h, tàu đến vùng biển Thái Lan và chuyển hướng về Đảo Cô Công - Campuchia, khi gần đến bến bất ngờ có tàu lạ bám sát. Các chiến sỹ đã sẵn sàng tinh thần chiến đấu, nhưng khoảng 15 phút tàu lạ lại rời xa.

Tuy nhiên, khi vào đến bến, một tình huống ngoài dự kiến đã xảy ra, khi bấm tín hiệu nhận nhau với bến thì bến lại trả lời sai tín hiệu. Theo quy định để đảm bảo an toàn chậm nhất 3 giờ sáng tàu phải rời khỏi bến.

Thời gian thả hàng đã quá gấp không thể chờ đợi thêm được nữa, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng chung của cả con tàu. Ban chỉ huy tàu hội ý và quyết định cử đồng chí Văn Đình Nhu cán bộ, đồng chí Nhật ngành trưởng hoả lực, cùng 2 đồng chí đặc công người nhái mang vũ khí tập kích bắt sống người đánh tín hiệu trả lời của bến và đưa được về tàu. Hoá ra đó là chiến sĩ liên lạc Quân giải phóng của ta.

Ban chỉ huy tàu yêu cầu đồng chí dẫn đường về bến thả hàng, lúc đó là 00h10 phút tàu phân công 9 đồng chí trực chiến đấu, còn lại 9 đồng chí bốc vũ khí từ dưới hầm tàu có độ cao 4m và thả xuống biển. Tàu không thả neo, chúng tôi thả hàng thành 2 đống. Với sức mạnh thần kỳ chỉ với 9 người và trong hơn 3h đồng hồ, 70 tấn vũ khí đã được cập bến an toàn. Đồng chí Lê Duẩn đã đánh giá “Đây là sức mạnh diệu kỳ” mà các chiến sỹ trên tàu 56 đã làm được.

Sau hai chuyến đi thành công, Thượng úy Đồng Xuân Chế được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3. Đến tháng 5/1972, ông được giao nhiệm vụ làm Thuyền trưởng con tàu 649 vận chuyển 70 tấn vũ khí tiếp ứng cho chiến trường Quảng Trị. Và lần này ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Rời quân ngũ trở về quê, ông được địa phương tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX Nghi Sơn. Trong chiến đấu chống kẻ thù, ông là một người lính tài ba, khi trở về với đời thường ông lại là người hùng trong lao động sản xuất. 
 
Nghe người 3 lần “cưỡi” tàu Không Số kể chuyện chiến đấu - 4
Hàng ngày, hai vợ chồng ông vẫn vui vẻ sống tuổi già

Ông tâm sự: “Ngày trước cuộc sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn lắm, cơ sở vật chất thì nghèo nàn, lạc hậu, tư liệu sản xuất thì chủ yếu là sức người”.

Chỉ trong một thời gian ngắn ông cùng các đồng chí lãnh đạo HTX Nghi Sơn đã biến một vùng đất được ví là túi bom của đế quốc Mỹ thành một HTX kiểu mẫu của tỉnh, từ chỗ cơ giới hoá chỉ có 10% nay đã tăng lên đến 85%, một trong những điểm phát triển nghề cá giỏi nhất nhì Thanh Hoá lúc bấy giờ.

Với những cống hiến đó, ông vinh dự được đi dự điển hình làm kinh tế giỏi toàn miền Bắc, được UBND tỉnh Thanh Hoá cấp bằng đánh cá giỏi, Hội Nông dân Việt Nam tặng Huân chương vì sự nghiệp giải phóng sức lao động…

Ông và bà Trần Thị Y (75 tuổi) có 5 người con và tất cả đã trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng. Cả cuộc đời ông như gắn bó với biển cả, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng người chiến sỹ trên những chuyến tàu vào Nam ra Bắc năm xưa giờ đây hàng ngày vẫn đi biển đánh cá...
 
Duy Tuyên - Tuấn Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm