1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

60 năm đường Trường Sơn:

“Đồng đội tôi nằm lại dãy Trường Sơn !”

(Dân trí) - Trở về sau những năm tháng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, thiếu tá Nguyễn Văn Chiến vẫn mang trong mình những trăn trở về đồng đội năm xưa. Nhớ về những người đã nằm xuống “cho từng chuyến xe anh qua”, ông Chiến gửi tạm vào những vần thơ, như muốn tỏ rõ nỗi lòng của mình.

Những ngày giữa tháng 5, ông Nguyễn Văn Chiến, nguyên là Bộ đội Trường Sơn, Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông lại sắp xếp thời gian để đi thăm lại những người bạn năm xưa, thăm lại con đường mà mình cùng đồng đội nhiều năm gắn bó. Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, nhưng trong ký ức của người lính tải vận Trường Sơn, những năm tháng ác liệt dưới mưa bom, bão đạn không thể nào phai nhòa.

Năm 1971, khi đang là sinh viên, chàng trai quê gốc Phú Thọ nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, lên đường tòng quân rồi vào sư đoàn 471, tham gia vận tải trên tuyến đường Trường Sơn.

“Đồng đội tôi nằm lại dãy Trường Sơn !” - 1
Tấm bi ghi dấu hai đoàn mở đường Trường Sơn gặp nhau tại bon Cây Xoài, Đắk Nông

Người cựu binh rơm rớm nước mắt kể lại: “Được giao nhiệm vụ tiếp vận cho miền Nam, chạy trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom rơi, đạn nổ thế nhưng thời điểm đó, chúng tôi không sợ chết, không sợ bệnh tật, không sợ hiểm nguy, mà chỉ sợ không hoàn thành được nhiệm vụ. Vì ước nguyện thống nhất non sông, nên chúng tôi quyết tâm để không phụ lòng của Đảng, của bác Hồ, của cấp trên và đặc biệt là của nhân dân”.

Gần 27.000 km đường Trường Sơn vĩ đại mà theo ông Chiến nhận định, nếu không có tuyến đường ấy, không thể đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất nước nhà. Ngoài sự mất mát, hy sinh của những cán bộ chiến sĩ tham gia xoi, mở, khai thông đường, ông Chiến không ít lần chứng kiến những người làm nhiệm vụ lái xe, tải vận, chi viện cho chiến trường miền Nam như mình nằm xuống.

“Đồng đội tôi nằm lại dãy Trường Sơn !” - 2
Ông Chiến nhớ lại những kỷ niệm năm xưa, gắn với con đường Trường Sơn huyền thoại

Tự tay chôn cất những người đồng đội, người anh em, tận tay băng bó cho những đồng chí bị thương, ông Chiến ghi nhớ mãi từng khoảnh khắc, từng kỷ niệm. Năm 2011, khi tất cả những người lính của sư đoàn 471 năm xưa có cơ hội gặp lại nhau tại Đà Lạt (Lâm Đồng), người mất người còn, người bị thương, người lành lặn, Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Chiến xúc động, sáng tác một bài thơ gửi tới đồng đội, với tựa đề "Gặp lại lính sư đoàn".

“...Đồng đội tôi nằm lại dãy Trường Sơn

Nhiều nhiều lắm, chẳng thể nào đếm xuể

Mười tám, đôi mươi trẻ trung là thế

Sống mũi cao, thoang thoảng khói hương trầm

Thằng Thắng, thằng Toàn, thằng Chín, thằng Năm

Đã mãi mãi không bao giờ trở lại

Thương mẹ già chờ con mãi mãi

Tấm lưng còng nước mắt cạn khô

Em Cúc, em Lan, em Huệ, em Mơ

Có linh thiêng thì về đây phù hộ

Tình yêu lính vùi vào trong nỗi nhớ

Bởi chúng mình chẳng nói nổi lời yêu

Mỗi khi đọc lại bài thơ, người cựu binh ấy lại không kìm được nước mắt. Ông bảo, bài thơ rất dài, như một bản trường ca kể về những năm tháng ác liệt của cuộc chiến cho đến ngày hòa bình, anh em đồng đội gặp lại nhau.

Dù bài thơ nhắc nhiều về mất mát, về những chuyện buồn nhưng lại không hề bi lụy, mà ở đó chỉ thấy tinh thần vượt qua mọi gian khó, bất khuất của Bộ đội Trường Sơn năm nào. Những chàng thanh niên tràn đầy tình yêu, tràn đầy sức sống nhưng gác lại nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ để lên đường đánh giặc và tình yêu trai gái cũng không ngoại lệ. Tất cả đều vững tay lái, chắc tay súng đánh đuổi quân xâm lược.

“Đồng đội tôi nằm lại dãy Trường Sơn !” - 3
Những mất mát, đau thương được nhắc lại qua vần thơ khiến nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Ông Chiến cũng tâm sự, ông là người may mắn được trở về lành lặn, được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc, nên cảm thấy như còn nợ với Trường Sơn, với đồng đội đã mãi nằm xuống cũng như những người đã để lại một phần máu thịt nơi chiến trường xưa. Sáu câu cuối đã thay lời ông nói hết tất cả.

Nhiều năm sau lính chúng tôi gặp nhau

Vui là thế mà cười ra nước mắt

Quên cả tên chỉ hơi nhớ mặt

Già mất rồi-mày có nhớ tao không?

Nhớ thằng Công nó cụt cả hai chân

Còn thằng Toản thì bom bi vào não

Con dị tật nhiều người ta vẫn bảo

Lính chúng mình trong máu có “da cam”.

Năm tháng đã đi qua, nhưng lịch sử oai hùng, chiến công oanh liệt về tuyến đường huyền thoại Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh vẫn mãi là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần, trí tuệ, lòng dũng cảm của quân và dân ta. Mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc.

“Đồng đội tôi nằm lại dãy Trường Sơn !” - 4

Những người lính làm nhiệm vụ xoi đường đã không tiếc tuổi trẻ, tính mạng để nước nhà được thống nhất

Ông Đoàn Văn Kỳ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông nhận định: Những người lính làm nhiệm vụ xoi đường năm ấy đã không tiếc tuổi trẻ, hy sinh cả tính mạng để nước nhà được thống nhất. Không những vậy, sự hy sinh to lớn ấy đã để lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, hòa bình độc lập, đời sống của bà con các dân tộc tỉnh Đắk Nông từng bước phát triển.

Chúng tôi, thế hệ hôm nay và mai sau-những người được sống trong hòa bình, độc lập xin gửi lời biết ơn, tri ân thế hệ cha anh đi trước- những người hy sinh, người để lại một phần thân thể nơi chiến trường.

Trăn trở vì vẫn chưa tìm thấy đồng đội

Ông Lê Trúc Phương (trú TX. Gia Nghĩa) nguyên Chánh văn phòng Ban hành lang Quảng Đức (tỉnh Quảng Đức cũ) cho biết, những năm tháng chiến tranh, hàng vạn cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống trên tuyến đường huyết mạch này, trong đó có cả đồng đội của ông Phương.

“Hôm đó tôi cùng 2 đồng chí đưa đoàn cán bộ vượt sông. Khoảng 7 giờ tối, tôi cùng các đồng đội đã đưa đoàn cán bộ vượt sông an toàn nhưng không may một đồng chí bị sốt, không thể hành quân được. Tôi được giao nhiệm vụ ở lại chăm sóc đồng đội này, thế nhưng anh ấy không qua khỏi.

Sau nhiều giờ chạy về đơn vị báo cáo, tôi cùng các đồng đội đã kịp quay lại để chôn cất người đồng đội của mình. Chiến tranh đã lùi xa, bao nhiêu năm qua tôi đã nhiều lần quay lại, cố gắng tìm mộ của đồng chí ấy nhưng đến nay vẫn chưa tìm được, điều này khiến tôi đau đáu mãi", người cựu binh trăn trở.

Dương Phong