Thanh Hóa:
Gặp người chạy xe 10 vạn km đường Trường Sơn chở pháo phục vụ chiến đấu
(Dân trí) - Không những vận chuyển hàng trăm chuyến xe pháo, đạn dược vào chiến trường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Công Tường còn có công trong vận chuyển thương binh về hậu cứ, cứu xe hư hỏng trên mọi nẻo đường…
Năm 1964, tròn 20 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Công Tường (quê ở xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Yên (nay là huyện Yên Định), tỉnh Thanh Hóa) xung phong lên đường nhập ngũ. Sau khi nhập ngũ được 3 tháng, ông được lệnh đi học lái xe kéo pháo, được phân công làm Tiểu đội trưởng lái xe Đại đội 13 ô tô, Tiểu đoàn 105, Trung đoàn 280, Sư đoàn 367, Bộ Tư lệnh phòng không - Không quân.
Từ năm 1964-1967, ông nhận nhiệm vụ lái xe chở pháo bảo vệ TP. Vinh. Tháng 12/1967, ông được giao nhiệm vụ lái xe kéo pháo cao xạ, cơ động trên các cung đường 12, 15, 16, 20 của đường Trường Sơn huyền thoại.
Vượt qua 10 vạn km dưới mưa bom bão đạn
50 năm đã trôi qua, thế nhưng người lính Trường Sơn Nguyễn Công Tường vẫn nhớ như in từng cung đường mình đi qua, sự khốc liệt của mưa bom bão đạn như thế nào, nỗi đau xé lòng chứng kiến đồng đội hy sinh.
“Đường Trường Sơn ngày ấy là tuyến vận tải chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giai đoạn 1967-1970 là giai đoạn địch đánh phá ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Trị. Chiến tranh gian khổ, ác liệt, lương thực thiếu…
Trên những cung đường bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài khiến đường đất nhầy nhụa, mùa khô thì nắng cháy, gió Lào thổi đến héo hon cả người, chưa kể vắt, muỗi rừng, rắn rết....”- ông Tường nhớ lại.
Khó khăn nhất là những chuyến xe của chúng tôi thường khởi hành vào ban đêm, thế nhưng đèn xe bé tí và lắp dưới gầm để tránh sự phát hiện của giặc, hôm nào trăng sáng, chúng tôi không bật đèn mà đi dưới trăng còn thấy sướng hơn”.
Với ông Tường, cung đường nào, chuyến xe nào cũng để lại nhiều kỷ niệm, có đi hết cả cuộc đời, ông bảo cũng chẳng thể nào quên. Có những lúc sống và chết mong manh như sợi chỉ. Đường dốc, hẹp, một bên núi cao, một bên vực thẳm, nhiều đoạn sạt lở, chỉ cần không vững tay lái là xe và người có thể bay xuống vực sâu hay những lần lái xe trên bom dưới đạn…
Tháng 11/1968, sau khi kéo pháo phục vụ đơn vị bắn rơi 2 máy bay Mỹ ở đường 20 Quyết Thắng, tiêu diệt nhiều tên lính Mỹ. Địch đánh bom vào trận địa, một số pháo thủ bị thương. Mặc cho máy bay địch đang hoạt động, ông Tường vẫn dũng cảm lái xe chở thương binh về viện quân y an toàn. Sau đó, ông lại vào trận địa kéo pháo đi nơi khác.
Ông ngậm ngùi khi nhớ về những đồng đội đã hy sinh.
“Tôi nhớ lần tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào, địch đánh phá rất ác liệt, dốc cao 300-400m, xe không đi nổi, tôi đã nghĩ ra sáng kiến rồi cùng đồng đội hạ pháo xuống, nhả tời ra, sang bên kia buộc vào gốc cây rồi quay đầu xe tời lại đưa pháo lên. Hết cả đêm hôm đó mới tời hết 6 khẩu pháo đưa qua con dốc để kịp phục vụ cho cuộc chiến ngày mai” – ông kể.
Ngồi kể câu chuyện sống và chiến đấu những ngày ấy, ông Tường rưng rưng nước mắt: “Anh em khi đã vào cuộc chiến đấu rồi không ai màng gì đến bản thân cả. Dù mưa bom bão đạn, dù khó khăn gian khổ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi còn nhớ sự kiện 81 ngày đêm ở bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, trong lúc máy bay địch ném bom cháy vào trận địa, tôi và đồng đội đã xông vào dập lửa, kéo pháo ra nơi an toàn, lần ấy may mắn cứu được 2 khẩu pháo”.
Sau đó, ông Tường bị đau mắt nặng, nhưng vẫn lái xe liên tục 3 đêm đưa pháo vào Ai Tử, kịp thời chi viện cho bộ binh chiến đấu.
Dù nhiệm vụ là lái xe tuy nhiên, nhiều trận ông vẫn kiên cường xả thân, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông cùng đồng đội đã bắn rơi 2 máy bay, tiêu diệt nhiều tên lính ngụy.
Cũng trong trận chiến khốc liệt này, ông Tường bị bom bi bắn vào bụng bị thương, một mảnh bom găm vào chân. Thế nhưng, sau khi băng bó vết thương, ông vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu. Ban đêm tiếp tục lái xe vượt hàng chục km ra khu vực cấp đạn rồi lại lấy đạn chở vào trận địa để ngày hôm sau quân ta có đạn chiến đấu.
“Lúc đó bị thương nhưng chẳng nghĩ gì cả, chỉ nghĩ đến nhiệm vụ thôi nên không những tôi mà đồng đội tôi cũng vậy, còn phục vụ được là mọi thứ cảm thấy bình thường”- ông Tường trải lòng.
“Cả tiểu đội lái xe chỉ còn mỗi tôi là sống sót trở về, chiếc xe của tôi cũng còn cho đến bây giờ và được trưng bày ở bảo tàng trong Sài Gòn còn anh em hy sinh hết. Tiểu đội có 7 người thì 6 người hy sinh. Tôi còn nhớ và day dứt cho đến giờ khi đồng chí Bình (người Hà Bắc) trong đội bảo tôi, hết trận đánh này (trận bảo vệ Thành cổ Quảng Trị) anh cho em về quê lấy vợ nhé. Thế mà cậu ấy chẳng kịp thực hiện thì đã hy sinh. Lúc hy sinh cậu ấy mới ngoài 20 tuổi” – người lính Trường Sơn ngậm ngùi.
Từ năm 1964-1975, ông Nguyễn Công Tường đã lái hơn 10 vạn km đường Trường Sơn. Dù máy bay địch bắn phá ác liệt, đường hẹp, xe phần lớn chạy quá thời gian sử dụng, ông vẫn cương quyết bám xe, bám đường kéo pháo, đảm bảo cho đơn vị chiến đấu tốt. Ông đã đưa được 724 lần khẩu pháo, 29 lần chuyến xe chở đạn vào trận địa an toàn.
Người lính “vạn năng”
Không chỉ làm nhiệm vụ chính là lái xe chở pháo, đạn, người lính Trường Sơn Nguyễn Công Tường còn kiêm đủ nhiệm vụ như bốc vác hàng hóa, cõng thương binh, vận chuyển họ ra hậu cứ vừa có lúc kiêm luôn hộ lý, y tá băng bó vết thương cho đồng đội…
Ngày 31/12/1973, ông Nguyễn Công Tường được Chủ tịch nước Việt Nam tặng danh hiệụ Anh hùng lực lượng vũ trang nhấn dân.
Ông Tường còn được nhiều đồng đội biết đến bởi tự mày mò, sửa chữa xe đang hư hỏng thành xe chạy tốt. Những năm đó, ông không nhớ bản thân đã sửa bao nhiêu chiếc xe hỏng cho đồng đội khi trên đường bị máy bay giặc tấn công. Ông thường đến nơi địch đánh phá, tháo phụ tùng ở những chiếc xe bị hư hỏng nặng, đưa về thay thế vào những bộ phận hư hỏng của xe mình và xe đồng đội.
Ông còn nhớ vào cuối tháng 11/1971, ông bị đau khớp và sốt rét nặng, đang điều trị ở viện thì nghe tin đơn vị chiến đấu. Dù sức khỏe chưa hồi phục, ông vẫn xin ra viện sớm. Về tới đơn vị, thấy có một xe cũ hỏng nhiều bộ phận, ông lại tiếp tục tìm phụ tùng, thay thế, sửa chữa. Và chỉ sau 2 ngày đã sửa được chiếc xe, kịp thời đưa pháo vào chiến trường.
Ông và những người lính Trường Sơn chuẩn bị ôn lại kỷ niệm nhân ngày 60 năm bộ đội Trường Sơn mở đường.
Ngày 16/4/1972, ở ấp Ca Lu (Quảng Trị) địch ném bom làm hỏng két nước và cháy lốp xe, người lính Nguyễn Công Tường nhanh chóng đến các khu vực địch thường xuyên bắn phá, tháo gỡ lốp và phụ tùng ở những xe hỏng thay thế. Nhờ sửa chữa được xe, ông đã kéo pháo cho đơn vị cơ động, bắn rơi 4 chiếc máy bay địch trong ngày.
Với những gì đã cống hiến, lái xe Trường Sơn Nguyễn Công Tường được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 4 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, 4 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Ngày 31/12/1973, ông Nguyễn Công Tường được Chủ tịch nước Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bình Minh