DMagazine

Vượt thác tải hàng trên đường Trường Sơn huyền thoại

(Dân trí) - Là dân biển chính gốc, khi được đưa vào đội vận tải bằng thuyền, chàng trai trẻ Trần Quang Nhật mừng lắm, khác gì cá trở về với nước. Ấy vậy nhưng, con đường vận tải bằng thuyền giữa núi rừng Trường Sơn không đơn giản như ông nghĩ. Ngay chuyến hàng đầu tiên, gần 1 tấn gạo đã chìm nghỉm dưới đáy thác…

Vượt thác tải hàng trên đường Trường Sơn huyền thoại - 1
Thanh niên xung phong gùi, gánh hàng vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường Miền Nam đánh Mỹ (ảnh tư liệu).

Đã gần chục năm nay, lão ngư Trần Quang Nhật (SN 1947, trú xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An), không còn dong thuyền ra khơi đánh cá nữa. Những lúc nhớ biển, ông lại ra bờ cát, nhìn ra phía Đông, nơi những con sóng điệp trùng vẫn miệt mài vỗ suốt ngày đêm. Những ngày này, ông ra biển nhiều hơn, không phải vì nhớ sóng, mà nhớ về những ngày vượt thác, vận tải lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường trên cung đường Trường Sơn huyền thoại.

Những chuyến thuyền vượt thác

17 tuổi, 3 lần xung phong đi bộ đội nhưng không được chấp nhận vì thiếu chiều cao, năm 1965, chàng thanh niên miền biển Trần Quang Nhật đăng kí đi TNXP, làm cầu đường ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Tháng 5/1965, ông được tuyển chọn là 1 trong 30 TNXP của Nghệ An “đi làm công tác đặc biệt”.

“Lúc đó nói là đi làm công tác đặc biệt thôi chứ không biết đi đâu. Mãi khi vào tới Quảng Bình mới biết, chúng tôi cùng lực lượng TNXP nhiều tỉnh khác lập thành C225, đóng quân ở gần thị trấn Bù Bài, giáp biên giới Việt – Lào với nhiệm vụ tham gia mở, bảo vệ đường Trường Sơn – cung đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí… chi viện cho chiến trường Miền Nam đánh Mỹ”, ông Nhật nhớ lại.

Vượt thác tải hàng trên đường Trường Sơn huyền thoại - 2

Cựu TNXP Trần Quang Nhật - người có 4 tháng vượt thác vận tải lương thực, vũ khí vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường.

Sau thời gian tham gia phá đá, mở đường, phá bom, vận chuyển hàng hóa, vũ khí… ông Nhật được tuyển chọn vào đội vận tải đường thủy. Đó là những đội viên quê miền biển, thạo nghề sông nước đi vận chuyển hàng bằng đường sông, suối trên tuyến đường vận tải Trường Sơn.

Trước đó, để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới này, những con thuyền ba ván đã được khiêng từ sông Nhật Lệ vào. Con thuyền dài, phải vác qua các dốc đèo, đặc biệt là vượt đỉnh Đèo 1001 ngút ngàn, qua những góc cua hẹp, gấp khúc khuỷu tay, cả người, cả thuyền rơi xuống vực sâu… Chỉ có 3 chiếc thuyền vào được đến địa điểm tập kết để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. (Sau này, Binh trạm tổ chức cưa ván đóng thuyền, giảm thương vong trong quá trình vận chuyển).

Đội sẽ tổ chức vượt sông Sê Băng Hiêng chảy giữa hai nước Việt – Lào. Ngay trước khi lên đường thực hiện việc chuyến vận tải đầu tiên để rút kinh nghiệm, đích thân thủ trưởng Binh trạm ra tận bến căn dặn từng đội viên. Con thuyền cùng 1 tấn gạo rời bến trong sự hồi hộp của cả Binh trạm.

Vượt thác tải hàng trên đường Trường Sơn huyền thoại - 3

Chàng ngư dân lên rừng vượt thác, không quen địa hình nên ngay trong chuyến vận tải đầu tiên, thuyền và hàng bị nhấn chìm xuống thác Đá.

“Tôi nhận nhiệm vụ cầm lái. Lúc đó chưa hình dung được cung đường sông lại hiểm trở như vậy, cứ nghĩ mình là dân biển, quen với sóng gió rồi thì khúc sông này nhằm nhò gì. Thậm chí còn có phần chủ quan khi đoạn sông xuất phát nước trong xanh, chảy hiền hòa, soi rõ cả từng đám mây trắng trên trời. Con thuyền chở 1 tấn gạo nhưng anh em cứ xem “nhẹ tênh” bởi so với những ngày tháng vai đau ê ẩm vì vác từng thùng hàng nặng vượt đèo núi hiểm trở hay trầy trật đẩy xe thồ vượt dốc thì quá nhàn. Anh em bảo nhau, như thế này khác nào đi du lịch, thậm chí còn mang cả đàn, sáo, sổ nhật ký theo để hát…”, ông Nhật hồi tưởng.

Tuy nhiên, cung đường chưa được khai phá không thơ mộng như những đội viên TNXP này nghĩ. Chỉ một lát sau, mối hiểm nguy đã ập đến. Con thuyền đang băng băng lướt trên dòng nước bỗng gặp một khóm cây lớn chặn giữa dòng. Ông Nhật chỉ kịp lái thuyền lách qua, nếu va vào bụi cây thuyền sẽ quay ngang giữa dòng và lật úp. Vừa lách qua bụi cây thì thác Đá sừng sững hiện ra trước mặt.

Ký ức vượt thác tải hàng trên dãy Trường Sơn của lão ngư Nghệ An

“Cửa thác chỉ đủ cho một chiếc thuyền chui qua, độ lệch khá cao và ở thế cua gấp khúc, nước đổ ào ào tung bọt trắng xóa. Không đủ thời gian trao đổi với anh em, tôi luống cuống đưa mái “bát” hướng mũi thuyền vào cửa thác. Con thuyền lao xuống, bị dòng nước nuốt chửng và chìm nghỉm. Bị dạt ra khỏi chân thác khá xa, nước êm dần, anh em trồi lên mặt sông, con thuyền và 6 bao gạo nằm lại dưới đáy cùng toàn bộ vật dụng mang theo”, ông Nhật kể về chuyến vận tải thuyền vượt thác Trường Sơn đầu tiên trong đời.

"Có lần nước dâng lớn quá, phải buộc thuyền trên ngọn cây, đợi nước rút thì hạ xuống. Phần lớn là đi vào thời điểm nắng nóng, cái nắng nóng ở xứ này thật khủng khiếp, chỉ một thời gian ngắn, anh em chúng tôi da đen bóng, mốc xì".

Cố gắng để trục vớt thuyền và hàng nhưng những chàng trai quen đi biển đành bất lực với dòng chảy của nước thác. Đang loay hoay thì may mắn, tiểu đội của ông Nhật được một nhóm thanh niên người bản địa chưa đi sơ tán lặn xuống, giúp đưa thuyền, gạo lên bờ. Những bao gạo được bọc trong túi ni lông nên không bị ngấm nước, hư hại. Và chính những người dân bản địa này đã hướng dẫn ông Nhật cùng các đội viên khác cách vượt thác, đảm bảo an toàn cả thuyền lẫn hàng.

Thuyền lại tiếp tục lên đường. Thác Gỗ sừng sững trước mắt với 1 cây lim to chắn ngang, dòng nước cuồn cuộn chảy. “Rút kinh nghiệm lần trước, theo hướng dẫn của những người dân bản địa, chúng tôi trùm bạt kín khoang hàng, cho thuyền vào gần bờ tránh dòng nước dữ. Thuyền nhẹ nhàng lướt qua, an toàn. Anh em thở phào nhẹ nhõm”, ông Nhật kể tiếp.

Vượt qua thác, dòng nước cạn dần, bãi đá lộ ra. Cả tổ phải xuống, tháo hàng, vác thuyền, gạo “tăng bo” qua bãi cạn rồi mới có thể tiếp tục hành trình. Lội qua dòng sông cạn, thuyền đi vào thác Mới. Đây là con thác do đoàn địa chất mới tìm ra, lòng sâu nhưng dễ bị lạc do phải len lỏi trong rừng rậm, nếu không tinh mắt có thể bị lạc đường, khó tìm được lối ra, hơn nữa đây là địa bàn hoạt động của quân thổ phỉ. Họ phải căng mắt nhìn theo những kí hiệu mà người đi trước để lại.

“Cũng may, thời điểm đó, chỉ có những gian khó, nguy hiểm trên đường đi, địch chưa phát hiện được con đường vận tải này nên chúng tôi chưa phải đối mặt với các trận bom, pháo. Nhưng gian khổ nhất là những ngày lũ về, nước cuồn cuộn chảy. Khi đi thì xuôi dòng, về thì ngược dòng, có lần nước dâng lớn quá, phải buộc thuyền trên ngọn cây, đợi nước rút thì hạ xuống. Phần lớn là đi vào thời điểm nắng nóng, cái nắng nóng ở xứ này thật khủng khiếp, chỉ một thời gian ngắn, anh em chúng tôi da đen bóng, mốc xì”, ông Nhật nhớ lại.

Vượt thác tải hàng trên đường Trường Sơn huyền thoại - 4
Con đường vận tải trên sông dù nguy hiểm nhưng rút ngắn được thời gian, giảm sự hi sinh và đặc biệt tăng khối lượng vận tải gấp nhiều lần so với gùi hàng vượt dốc đá cheo leo trên đỉnh Trường Sơn (ảnh tư liệu).

Chuyến thuyền đầu tiên dẫu không suôn sẻ nhưng đi đến nơi, về đến chốn, rút ra được những kinh nghiệm quý cho những đợt vận tải tiếp theo. Con đường vận tải trên sông Sê Băng Hiêng hình thành đã rút ngắn thời gian, sự hi sinh và đặc biệt tăng lượng hàng vận tải so với đường bộ nhiều lần. Nếu như trước đây, với 5 cây số đường rừng hiểm trở, mỗi đội viên TNXP gùi, vác được 35-50 kg hàng thì với 1 chuyến thuyền 4 người, đi về trong ngày, lượng hàng vận chuyển được 1 tấn.

Đau đáu Trường Sơn

Sau 4 tháng tham gia vận tải bằng đường sông, đội viên Trần Quang Nhật được điều sang thực hiện nhiệm vụ khác – mở đường 20 Quyết Thắng. Không thể nói hết những gian khổ, hi sinh của những người lính mở tuyến đường vận tải chiến lược vắt ngang dãy Trường Sơn bởi mỗi thước đường là máu, mồ hôi của hơn 8.000 con người của nhiều đơn vị, lực lượng khác nhau. Chàng thanh niên Trần Quang Nhật thực hiện nhiều nhiệm vụ trên cung đường huyền thoại này theo phân công của Ban Cầu đường, từ mở đường, phá bom, vận tải hàng, làm kho và bảo vệ các kho hàng ở dọc hai bên đường.

Vượt thác tải hàng trên đường Trường Sơn huyền thoại - 5
Hoàn thành nhiệm vụ trên tuyến vận tải đường sông, TNXP Trần Quang Nhật tiếp tục tham gia mở đường 20 Quyết Thắng. Năm 1970, bị thương, mất sức, ông rời con đường Trường Sơn huyền thoại...

Năm 1969 trong một lần cứu kho đạn bị trúng bom giặc, ông bị thương. Với vết bỏng sâu, ông được đưa đến bệnh viện chữa trị. Do mất sức chiến đấu, năm 1970, người lính Trần Quang Nhật được xuất ngũ, đi học rồi trở về địa phương công tác tại HTX Hải Long. Nhớ những chuyến lênh đênh trên biển, ông rời HTX, cùng bạn hùn vốn đóng tàu ra khơi. Năm 2012, sức khỏe giảm sút, ông bán thuyền, về vui thú với thơ ca và công tác Hội Cựu TNXP xã.

Những năm tháng sống, chiến đấu trên con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại trở thành một phần ký ức đẹp đẽ, hào hùng nhất trong cuộc đời người cựu TNXP Trần Quang Nhật. Để rồi, mỗi lần gợi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ, từng ký ức luôn hiện lên sống động và tươi mới. “Chỉ tiếc là do điều kiện kinh tế và sức khỏe, tôi chưa có dịp quay lại đó một lần”, ông tâm sự.

Buông lưới, buông chèo, nghỉ công tác Hội, ông làm bạn với thơ. Thơ ông mộc mạc nhưng đau đáu nỗi niềm về những người đồng đội, đồng chí, về những vết thương chiến tranh chưa thể hàn gắn. Trong thơ ông, những người TNXP hiện lên rất chân thực và đầy quả cảm "Đại đội chúng tôi chưa qua tuổi thơ ngây/ Con gái, con trai dốc lòng đánh Mỹ". 

Vượt thác tải hàng trên đường Trường Sơn huyền thoại - 6
Trở về với biển, người cựu TNXP gửi nỗi nhớ rừng, nhớ những ngày vượt thác tải hàng trên dãy Trường Sơn chi viện cho chiến trường qua những câu thơ...

Ở dãy Trường Sơn cao vời vợi nhưng không cao hơn được ý chí và bước chân của những người lính, những người TNXP cùng đi đánh giặc với nỗi nhớ da diết quê nhà: "Đơn vị mình ở Đông Trường Sơn/ Xa xa nhìn thấy biển/ Một dải màu xanh, một làn nước biếc/ Lòng xốn xang thương con sóng quê nhà".

Dù hiểm nguy, dù gian khổ, dù khó khăn, họ - những thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh vẫn vững vàng bước chân tiến lên phía trước, vì một mục tiêu cuối cùng: Đánh Mỹ, cứu nước!

"Là thanh niên xung phong chúng tôi phải đi xa

Ở đâu khó khăn chúng tôi lại đến

Cơn sốt nghiêng rừng thèm một dòng nước suối

Vẫn gùi hàng lội suốt mùa mưa...".

                                                                                                                  Hoàng Lam