1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

“Đồng đội đã hy sinh cho tôi được sống!”

(Dân trí) - Giữa trưa tháng 7 oi bức của “đất lửa” Quảng Trị, người cựu binh mái tóc đã ngả màu cặm cụi đi đến từng phần mộ liệt sĩ thắp hương cho đồng đội. Tới mỗi ngôi mộ ông đều nán lại phút chốc như muốn nhắn nhủ với đồng đội của mình hãy yên lòng an nghỉ…

Gần 25 năm nay, đôi chân của cựu binh Phan Tư Kỳ (65 tuổi, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) vẫn chưa ngơi nghỉ, bởi những đồng đội của ông vẫn còn nằm đâu đó chưa được quy tập hết, nhiều thân nhân các liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy người thân dù chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm.

Người cựu binh già nặng lòng với đồng đội

Trở về nhà sau khi đã quét dọn sạch sẽ, thắp hương lên các phần mộ cho đồng đội của mình, ông Phan Tư Kỳ nói rằng, bao nhiêu năm nay ông đang cố gắng làm tròn trách nhiệm với người đã khuất, làm tròn lời hứa của chính mình là “trả nợ” cho các liệt sĩ.

Người cựu binh già nặng lòng với đồng đội

Ông thấy mình nợ ân tình các liệt sĩ và thấy cần phải làm điều gì đó trả ơn các liệt sĩ đã hy sinh.

Ông Kỳ cho biết, ông tham gia hoạt động cách mạng từ sau 1970. Đến 1972, ông được cấp trên giao đảm nhận chức vụ Xã đội phó, rồi đến Xã đội trưởng xã Triệu Trạch.

Trong quá trình từ năm 1972 đến 1975, ông Phan Tư Kỳ, Xã đội trưởng Triệu Trạch đã tham gia chiến đấu và trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân, du kích xã chiến đấu 84 trận, trong đó có 17 trận hợp đồng chiến đấu với các đơn vị chủ lực đánh tập kích diệt địch…

Đối với ông Kỳ, ký ức về những ngày sát cánh bên đồng đội chiến đấu chưa bao giờ quên. Ông Kỳ nhớ lại: “Vùng đất Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong ngày ấy là điểm chốt trọng yếu của Mặt trận cánh Đông trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nhiều đơn vị bộ đội chủ lực của Sư 320B, Sư 325, pháo binh cùng dân quân du kích xã Triệu Trạch đã chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, bẻ gãy và đẩy lùi nhiều đợt phản kích của Mỹ - ngụy”.

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, mảnh đất này đã in dấu chân hàng nghìn con em của mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh việc lập được nhiều chiến công oanh liệt, đã có hàng trăm chiến sĩ ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại với mảnh đât Triệu Trạch.

Ông Phan Tư Kỳ kể tiếp, đầu chiến dịch Xuân-Hè 1972 cả Triệu Trạch chỉ chết có 15 người nhưng những cuộc phản kích sau đó mới thực sự ác liệt. Hàng trăm lượt B52 thả bom đi, thả bom lại, pháo từ Hạm đội 7 bắn vào gây thương vong nhiều.

Trở về sau chiến tranh, ông luôn canh cánh trong lòng về sự ra đi của những đồng đội từng sát cánh chiến đấu với mình
Trở về sau chiến tranh, ông luôn canh cánh trong lòng về sự ra đi của những đồng đội từng sát cánh chiến đấu với mình

“Anh em chết chủ yếu vì bom và pháo. Có trận cả đại đội quần nhau với địch, sau chỉ còn lại 20 người. Khi bị trúng bom, thi thể của nhiều anh em đồng đội bị phân tán nên phải lượm lại rồi đem chôn, không thể phân biệt được ai, người thì còn bộ phận này, người còn bộ phận kia nhìn rất đau đớn”, ông Kỳ nhớ lại.

Nguyện cống hiến suốt đời làm ấm mộ phần liệt sĩ

Sau khi kết thúc chiến tranh, ông Nguyễn Tư Kỳ được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch. Bằng tình cảm sâu đậm, trách nhiệm với những đồng đội đã hy sinh, ông đã tự thân tìm kiếm lẫn chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân dân và lực lượng chức năng quy tập, cất bốc hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trạch.

Những năm sát cánh chiến đấu bên đồng đội, ông nắm rõ từng vị trí, nơi chôn cất liệt sĩ để hướng dẫn mọi người quy tập đưa về nghĩa trang.

Ông Kỳ cho biết, nghĩa trang có 610 liệt sĩ yên nghỉ, song có tới 290 liệt sĩ chưa xác định được tên. Đó là điều khiến ông trăn trở và luôn cố gắng tìm ra chính xác danh tính của đồng đội.

Ông Phan Tư Kỳ thắp hương tại đài tưởng niệm trong Nghĩa trang...
Ông Phan Tư Kỳ thắp hương tại đài tưởng niệm trong Nghĩa trang...

Năm 1992, do sức khỏe yếu nên ông Kỳ xin nghỉ công tác, một phần do bệnh tật, vết thương bom đạn hành hạ, phần ông muốn làm công việc mà ông tâm nguyện từ lâu. Đó là chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã, chăm sóc những phần mộ của đồng đội ông, những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này. Ông Kỳ tình nguyện đảm nhận công việc làm quản trang từ năm 2004.

Ông Kỳ nói rằng, ông rất nặng duyên nợ với các liệt sĩ vì đồng đội đã hy sinh cho ông được sống. Ông luôn tâm tư, suy nghĩ phải cố tìm bằng được các anh vì vùng đất Triệu Trạch này có rất nhiều đồng đội đã hy sinh và nằm lại tại đây.

... và trên phần mộ tri ân các liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ
... và trên phần mộ tri ân các liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ

“Từ chỗ gắn bó, chiến đấu bên đồng đội mà tôi nguyện sẽ cố tìm cho được các liệt sĩ đã hy sinh. Tôi luôn đau đáu trong lòng nên khi trở về đời thường, tôi tình nguyện làm nhiệm vụ ấy. Tôi muốn tìm được anh em, tìm được tên tuổi liệt sĩ, thắp cho đồng đội nén nhang làm ấm lòng liệt sĩ, an lòng những gia đình đã có con em đã hy sinh trong chiến tranh”, ông Kỳ tâm sự.

Ngày ngày, người cựu binh ấy làm khá nhiều việc ở nghĩa trang, từ việc hương khói đến việc quét dọn, làm đẹp cho các phần mộ và nghĩa trang.

Ngoài công việc tình nguyện kể trên, ông còn đi thăm hỏi những đồng đội còn sống, xâu chuỗi các thông tin để xác định danh tính cho các liệt sĩ.

Ông cũng đã giúp cho hơn 50 gia đình thân nhân liệt sĩ tìm được hài cốt người thân của mình. Trong đó, có những trường hợp ông vừa tìm ra mộ vừa xác định được danh tính liệt sĩ, như liệt sĩ Nguyễn Công Thành, Lục Thế Bảo thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B; liệt sĩ Võ Xuân Tự, quê Hải Phòng…

Ông Kỳ có 2 người bác ruột đều là liệt sĩ, bà nội cũng được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, bản thân ông hiện đang hưởng chế độ thương binh và là người thờ cúng liệt sĩ.

Người cựu binh năm xưa dù đã ngoài lục tuần vẫn hàng ngày cặm cụi chăm sóc nơi an nghỉ của liệt sĩ. Ông luôn tự nhủ lòng nguyện cống hiến phần đời còn lại của mình để đi tìm mộ, chăm sóc nơi an nghỉ cho đồng đội, đến khi nào kiệt sức, nhắm mắt xuôi tay mới thôi.

Đăng Đức