Người đàn ông quyết tranh tài với chị em trong cuộc thi... rót nước mắm
(Dân trí) - Rót nước mắm là việc tưởng như đơn giản nhưng trong cuộc thi độc đáo này, cần nhiều kỹ năng và sự khéo léo, nhất là đối với các anh em mày râu.
Nằm bên bờ biển, phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) có nghề truyền thống đi biển và chế biến nước mắm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Nghi Hải, trên địa bàn phường có một làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống tại khối Hải Giang 1 và một làng có nghề tại khối Hải Giang 2.
"Riêng làng nghề sản xuất nước mắm Hải Giang 1 có hơn 70 hộ dân làm nghề. Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2013", ông Thắng thông tin.
Bình quân mỗi năm làng nghề nước mắm Hải Giang 1 chế biến khoảng 800.000 lít nước mắm cung cấp cho thị trường. Hộ sản xuất nhiều nhất mỗi năm sử dụng khoảng 70-100 tấn cá cơm làm nguyên liệu, hộ ít nhất khoảng 5-10 tấn cá.
Ngoài làng nghề nước mắm Hải Giang 1, trên địa bàn phường Nghi Hải còn có 3 công ty, chế biến nước mắm. Sản phẩm nước mắm của Nghi Hải đã được công nhận đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Để quảng bá thương hiệu làng nghề, phường Nghi Hải tổ chức cuộc thi rót nước mắm trong khuôn khổ lễ hội cầu ngư, diễn ra vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Đây là năm thứ 2, cuộc thi rót nước mắm tổ chức, thu hút đông đảo người dân các làng nghề, người dân trong phường và khách du lịch tham gia.
Bà Hoàng Thị Giang, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Nghi Hải cho biết: "Cuộc thi rót nước mắm được tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc trưng và gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của địa phương.
Quy trình sản xuất nước mắm có nhiều công đoạn nhưng chúng tôi chọn công đoạn rót nước mắm nhằm giới thiệu thành quả quá trình lao động của người dân làng nghề, đặc biệt, khi đóng chai, dán nhãn mác sẽ có hiệu ứng quảng bá tốt hơn".
Tất nhiên, để cuộc thi diễn ra suôn sẻ, tránh các sự cố "đậm mùi", bảo vệ người chơi và môi trường, ban tổ chức thay thế nước mắm bằng nước chè.
Mỗi phường chọn ra 3 thành viên để tham gia thi. Nhiệm vụ của họ là trong thời gian quy định, dùng gáo nhỏ múc nước mắm ở chậu, di chuyển qua một quãng đường ngắn và đổ vào các chai. Hai người nhận nhiệm vụ múc nước mắm, người còn lại giữ chai, đóng nắp và dán nhãn cho sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Đức là thành viên đội khối Bình Quang và là thành viên nam duy nhất tham gia tranh tài cùng chị em trong cuộc thi rót nước mắm.
"Rót nước mắm tưởng dễ mà khó, cần sự nhanh nhẹn, khéo léo. Phải di chuyển thật nhanh, múc đầy nước vào gáo, cố gắng giữ thăng bằng để nước không bị tràn ra ngoài. Khi đổ nước vào cổ chai cũng phải cẩn thận, khéo léo, nếu để nước đổ ra ngoài thì phải mất nhiều thời gian hơn để rót đầy chai", anh Đức chia sẻ.
Đây là lần thứ 2 anh Đức cùng vợ tham gia cuộc thi rót nước mắm. Trong cuộc thi năm ngoái, đội khối Bình Quang giành được giải nhì. Anh Đức đề ra mục tiêu sẽ thăng hạng trong cuộc thi năm nay, nên ngay từ khi bắt đầu, người đàn ông này đã đẩy nhanh tốc độ, thể hiện sự khéo léo khi rót nước vào chai.
Mặc dù các đội thi đã hết sức khéo léo nhưng thao tác nhanh khiến "nước mắm" rơi vãi khá nhiều.
Nước mắm sau khi đổ đầy chai sẽ được dán nhãn mác của các cơ sở sản xuất, đóng vào các hộp giấy. Toàn bộ quy trình lấy nước mắm, rót vào chai, dán nhãn và đóng gói sẽ diễn ra trong 30 phút, đội nào hoàn thành được nhiều sản phẩm hơn sẽ thắng cuộc.
Các thí sinh "chạy nước rút" trong phần thi rót nước mắm. Kết quả chung cuộc, đội khối Hải Giang 1, nơi có làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống nổi tiếng Cửa Lò. Mặc dù anh Đức đã rất nỗ lực nhưng đội thi khối Bình Quang chỉ giành giải ba tại cuộc thi này.