1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất sớm xây cầu Nhơn Trạch 2 đồng bộ Vành đai 3 TPHCM

Thư Trần

(Dân trí) - Việc sớm xây dựng bổ sung cầu Nhơn Trạch 2 nằm trong kế hoạch mở rộng dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, nhằm hoàn chỉnh quy mô 8 làn xe, đảm bảo khai thác đồng bộ với Vành đai 3 TPHCM.

Sở GTVT TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT (cơ quan Thường trực ban chỉ đạo) về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và trọng điểm của ngành giao thông trên địa bàn.

Trong đó, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng bổ sung cầu Nhơn Trạch 2, theo kế hoạch mở rộng dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1.

Nêu trong báo cáo, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật của dự án thành phần 1A - Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1).

Đề xuất sớm xây cầu Nhơn Trạch 2 đồng bộ Vành đai 3 TPHCM - 1

Cầu Nhơn Trạch 2 có vị trí đối xứng với đơn nguyên cầu Nhơn Trạch đang xây dựng, quy mô tương tự (Ảnh; PMU Mỹ Thuận).

Về nội dung này, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã trình Bộ GTVT chấp thuận chủ trương điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật của dự án thành phần 1A để đảm bảo khai thác đồng bộ với các đoạn tuyến còn lại của dự án Vành đai 3 TPHCM. 

Cầu Nhơn Trạch 2 có vị trí đối xứng với đơn nguyên hiện nay qua tim tuyến giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô tương tự cầu Nhơn Trạch 1, bề rộng 19,75m. Tổng mức đầu tư khoảng 1.929 tỷ đồng. 

Khi hoàn thành, cầu Nhơn Trạch 2 cùng với cầu Nhơn Trạch (đang xây dựng) sẽ được đưa vào khai thác với quy mô cao tốc giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe.

Dự án thành phần 1A Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 và điều chỉnh lần cuối vào tháng 6/2022. Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; rộng 20,5-26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 đóng vai trò rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đến Bình Dương và TPHCM. Tuyến đường còn kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ; đặc biệt phân luồng từ xa và giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội đô.

Tổng mức đầu tư dự án 1A là 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với vốn Trung ương khoảng 529 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của Đồng Nai và TPHCM.

Vành đai 3 là đường liên vùng và điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; TPHCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành...

Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.

Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TPHCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TPHCM - Long Thành.