1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn tới Cà Mau

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận cho rằng cần mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ điểm đầu Lạng Sơn tới điểm cuối Cà Mau.

Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng cần mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ điểm đầu Lạng Sơn tới điểm cuối Cà Mau.

Lý giải cho đề xuất này, theo ông Hận, vùng núi phía Bắc dù có nhiều tiềm năng nhưng với vị trí xa xôi, hẻo lánh, việc đi lại khó khăn nên dù có trải thảm đỏ, các nhà đầu tư vẫn không mặn mà.

Đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao từ Lạng Sơn tới Cà Mau - 1

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) phát biểu thảo luận chiều 20/11 (Ảnh: Phạm Thắng).

Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Hận cho hay, hàng ngày hàng giờ phải chứng kiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển… lấy đi nhà cửa, hạ tầng, đất đai.

Ông Hận khẳng định, điểm nghẽn lớn nhất của vùng là hạ tầng giao thông thấp kém, khó thu hút nhà đầu tư.

Vị đại biểu cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần phân kỳ đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2025-2035 đầu tư đoạn Hà Nội - TPHCM; giai đoạn 2030-2040 đầu tư các đoạn còn lại.

Theo đại biểu, việc kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, vừa phù hợp thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa khi cảng nước sâu qua Cà Mau và cảng Trần Đề - Sóc Trăng hoàn thành, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng...

"Tôi mong Quốc hội quan tâm đến vùng biên cương của tổ quốc để các khu vực này không phải là điểm đầu, điểm cuối của đất nước, mà là điểm đến của nhà đầu tư", vị đại biểu nêu ý kiến.

Nêu ý kiến thảo luận về dự án này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng mong muốn xem xét kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao ở hai địa đầu đất nước, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, đặc biệt về du lịch.

Theo đại biểu, trường hợp chưa thể thu xếp nguồn lực, có thể kết nối tuyến đường sắt tới Cần Thơ. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vị trí, tiềm năng to lớn và lợi thế, hội tụ để trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước nhưng chưa được phát huy tương xứng.