Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu, vì sao Quốc hội chưa điều chỉnh?
(Dân trí) - Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa thuế thu nhập cá nhân, trong đó có phần giảm trừ gia cảnh.
Chính phủ chưa trình Quốc hội sửa mức giảm trừ gia cảnh
Chiều 30/11, tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, báo chí nêu câu hỏi về vấn đề mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã rất lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trả lời câu hỏi này, theo ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nhiều đại biểu đã có ý kiến về việc sửa mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, nội dung này Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Tuấn Anh cho hay, trên thực tế, so với thời điểm điều chỉnh trước đây thì mức giảm trừ gia cảnh đã có nhiều thay đổi. Trong quá trình làm việc với cơ quan soạn thảo, các cơ quan Quốc hội đã có ý kiến nghiên cứu thay đổi.
Ông Tuấn Anh cho biết, Bộ Tài chính thời gian qua đang tập trung vào việc sửa các lĩnh vực vướng mắc cần tháo gỡ ngay. Khi sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng cũng đã điều chỉnh ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Việc sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân sẽ đồng bộ để giảm ngưỡng chịu thuế với các hộ, cá nhân sản xuất kinh doanh, theo ông Tuấn Anh.
"Liên quan giảm trừ gia cảnh, khi sửa luật sẽ trình các mức điều chỉnh. Nhưng theo thẩm quyền thì Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét điều chỉnh", ông Tuấn Anh nói.
Không ưu đãi thuế cho báo chí
Thông tin thêm về lý do chỉ giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm thay vì một năm như đề xuất của Quốc hội, ông Tuấn Anh cho hay, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đã có ý kiến với Chính phủ về việc phải trình dài hạn.
Tuy nhiên, theo ông, việc kéo dài thời hạn giảm thuế liên quan đến cân đối ngân sách của các địa phương. Bên cạnh đó, Luật Thuế giá trị gia tăng vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7/2025 nên việc giảm thuế đến hết 30/6/2025 là phù hợp.
Về đề xuất giảm thuế cho báo chí, theo ông Vũ Tuấn Anh, một số đại biểu đề nghị giảm thuế VAT với lĩnh vực văn hóa, trong đó có báo chí.
"Chúng ta đã xã hội hóa rất nhiều về lĩnh vực báo chí, nên lâu dài sẽ không ưu đãi qua thuế. Các tổ chức quốc tế cũng đã khuyến cáo không hỗ trợ qua thuế do không đảm bảo công bằng", ông Tuấn Anh nói.
Dự kiến đầu năm 2025, Quốc hội có phương án tinh gọn bộ máy
Trả lời câu hỏi liên quan vấn đề tinh gọn bộ máy, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, đây là quyết tâm của cả hệ thống chính trị với tinh gọn bộ máy.
Theo ông Tùng, tinh gọn ở đây không phải giảm đi mà phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, hiệu năng. Vấn đề này phải nghiên cứu rất kỹ.
Để triển khai nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Chủ tịch Quốc hội là Trưởng Ban chỉ đạo tinh gọn bộ máy.
Ông Tùng cho hay, dự kiến đến cuối tháng 12, đầu năm 2025 để thông báo, tuyên truyền đến cử tri, nhân dân về vấn đề này.
"Số lượng đại biểu, số lượng các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đòi hỏi quá trình nghiên cứu, đánh giá kỹ, rất khoa học", ông Tùng nói.