Băn khoăn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có đội vốn và chậm tiến độ?

Bạch Huy Thanh Hoa Lê

(Dân trí) - Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần làm rõ về trường hợp có thể bị đội vốn hoặc chậm tiến độ.

Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Cần làm rõ nhiều vấn đề

Phát biểu thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) bày tỏ quan tâm về nguồn vốn và thời gian thực hiện dự án.

"Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,7 triệu tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án trong 10 năm. Vậy có phát sinh không? Mức độ phát sinh như thế nào? Khả năng bố trí vốn như thế nào? Điều này chưa thấy thể hiện rõ tại tờ trình của Chính phủ; chưa kể là khả năng thời gian kéo dài dự án", bà Thúy nêu vấn đề.

Băn khoăn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có đội vốn và chậm tiến độ? - 1

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu góp ý về dự án (Ảnh: Phạm Thắng).

Bà Thúy nêu ví dụ với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự kiến thời gian chậm là một năm nhưng thực tế chậm sáu năm; chi phí gia tăng, đội vốn đáng kể.

"Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về khả năng vốn, bố trí vốn cho từng giai đoạn, việc hấp thu nguồn vốn, cân đối nguồn vốn và đặc biệt là phải tính toán kỹ dự phòng các phương án về phân bổ vốn. Đối với các địa phương có dự án đi qua, việc bố trí vốn tương ứng để đảm bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở địa phương cũng cần phải tính toán kỹ", nữ đại biểu đề nghị.

Mặt khác, bà Thúy cũng đề nghị Chính phủ xác định rõ hơn về hình thức đầu tư, phương án thanh toán nợ công và các khoản vay để các đại biểu nắm rõ và yên tâm ủng hộ chủ trương này.

Ngoài ra, theo bà Thúy, tờ trình của Chính phủ đề xuất thực hiện dự án từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035. Đại biểu đặt câu hỏi: Như vậy là đã hoàn thành chưa hay là cơ bản hoàn thành? Cơ bản hoàn thành thì có vận hành, khai thác được chưa?... Đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ mốc thời gian.

Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng lưu ý về nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực. Theo đại biểu, việc lựa chọn công nghệ cho dự án cần phải được tính toán kỹ lưỡng để đánh giá phù hợp, tránh tình trạng phụ thuộc và lệ thuộc tất cả vào bên ngoài khi vận hành.

Tránh đội vốn, bù lỗ

Phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi". Đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.

Băn khoăn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có đội vốn và chậm tiến độ? - 2

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phát biểu góp ý về dự án (Ảnh: Phạm Thắng).

Về tổng thể quy hoạch, đại biểu đề nghị cân đối có sự hài hòa giữa các loại hình giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Bởi hiện nay có những khu vực, dải miền Trung hầu như tỉnh nào cũng có cảng hàng không.

Theo đại biểu, khi xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.

Về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu cho biết, dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu đến 2030 thành lập Đảng để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao.

Với sáu năm còn lại thì khả năng cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế - xã hội, các công trình dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia là một bài toán khó.

Vị đại biểu cho rằng, cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.

Phát biểu góp ý về dự án này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án để đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế.

Theo đại biểu, ngân sách Nhà nước còn nhiều khoản phải chi, ngoài chi phát triển thì còn chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình, đề án...

Về tiến độ thực hiện, đại biểu dẫn chứng các tuyến đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn dẫn đến vốn tăng cao, kéo dài thời gian hoàn thành so với mức phê duyệt ban đầu...

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá từng vấn đề cụ thể để có giải pháp hữu hiệu, khắc phục những tồn tại này nhằm hoàn thành dự án đúng kế hoạch.