"Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải được làm cùng dự án điện hạt nhân"
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh cho rằng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ngốn nhiều điện nên phải đảm bảo an toàn năng lượng, tức là phải thực hiện vấn đề điện hạt nhân cùng lúc.
Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự án). Tại tổ Hà Nội, các đại biểu đều đồng tình về tính cần thiết của dự án.
Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo dự án
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) nhận định, đường sắt Việt Nam đang phát triển rất chậm so với các nước trên thế giới.
Ông Trúc Anh cho rằng, cần phải nhìn vấn đề này thành một chương trình trọng điểm cấp quốc gia, chương trình nâng cấp ngành đường sắt và công nghiệp phụ trợ; và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án trong chương trình này.
"Đường sắt đô thị rất quan trọng. Tôi chưa hình dung trong vòng 30 năm tới, một hình thức vận tải nào có thể thay thế đường sắt đô thị, nhất là các đô thị trên một triệu dân", ông Trúc Anh nói.
"Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo, gắn chặt sinh mệnh chính trị của mình với dự án này thì mới làm được. Bên cạnh đó, cần các cơ chế thí điểm đặc thù thì dự án này mới thành công", vị đại biểu nêu quan điểm.
Song song với vấn đề này, ông Trúc Anh cho rằng phải đảm bảo an toàn năng lượng, tức là phải thực hiện vấn đề điện hạt nhân.
Theo đại biểu, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ ngốn nhiều điện, vì vậy điện nền phải đầy đủ, ổn định. Hai dự án phải thực hiện cùng lúc.
"Phải nhìn đường sắt đô thị và vận tải lớn trong một chương trình tổng thể trong đó có cao tốc Bắc - Nam thì mới chuẩn. Tiền chúng ta không ngại, nếu chúng ta thành công và nội địa hóa được, hiệu quả lợi ích kinh tế mang lại còn lớn hơn rất nhiều", vị đại biểu nhìn nhận.
Không để thành món nợ cho đời sau
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, điểm nghẽn hiện nay là vấn đề logistics không hút được đầu tư phát triển. Khi xây dựng xong tuyến đường sắt này sẽ giải quyết được điểm nghẽn về logistics, nhất là vận tải hàng hóa Bắc - Nam.
Ông Cường bày tỏ băn khoăn về việc tuyến đường sắt này được đề xuất chỉ vận chuyển hành khách, còn hàng hóa chỉ là đa dụng trong trường hợp cần thiết. Đại biểu đề nghị làm tuyến lưỡng dụng, bao gồm cả hàng hóa và hành khách để giải quyết nhu cầu vận tải hàng liên thông quốc tế.
Về phương thức đầu tư để đạt được tiến độ, theo ông Cường, hiện cả ba tuyến đường sắt đô thị ở Việt Nam đều kéo dài hơn 10 năm mới hoàn thành, trong khi đó đường dây 500KV mạch 3 triển khai "rất thần tốc".
"Phải làm chủ công nghệ. Chúng ta phải là nhà đầu tư, nhà thầu. Nếu cứ tiếp tục đi thuê nhà đầu tư nước ngoài thì không thể bảo đảm được", ông Cường nói.
Theo đại biểu, không quan trọng công nghệ của nước nào nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta và ta phải là nhà đầu tư thì mới giải quyết được vấn đề thời gian hoàn thành.
Ngoài ra nếu đi mua thiết bị thì khi dự án hoàn thành xong sẽ lại tiếp tục lệ thuộc vào thiết bị, vận hành, sửa chữa. Đại biểu cho rằng, như vậy sẽ tạo gánh nặng, món nợ cho đời sau.
Ông Cường cũng cho hay, việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc lớn vào thị phần đường sắt. Thị phần đường sắt của chúng ta đã là 150 tỷ USD, đây là thị phần rất lớn, đủ khả năng để chuyển giao công nghệ.
"Trong nghị quyết của Quốc hội nên ghi rõ đầu tư phải thực hiện được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và chúng ta phải làm chủ trong quá trình đầu tư, để từ đó đầu tư các hệ thống đường sắt khác chứ không phải đi mua các sản phẩm đó. Nếu đi mua sẽ rẻ hơn so với chuyển giao, nhưng thà đắt một lần nhưng bền vững về sau", ông Cường nêu quan điểm.
Vị đại biểu nhận định, phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ bổ sung cho hệ thống vận tải hiện nay chứ không phải cạnh tranh với hệ thống vận tải khác. Đường sắt tốc độ cao phải giải quyết được nhiệm vụ kết nối người dân ở các địa phương.