(Dân trí) - Không ai có thể ngờ, một người nổi tiếng sợ ma từ bé như Phương lại có thể làm công tác cứu nạn cứu hộ. Thực tế, anh đã mất một thời gian để quen và chấp nhận công việc "cứu"... thi thể này.
Từ một cảnh sát phòng cháy chữa cháy rồi chuyển qua đội cứu nạn cứu hộ thành phố, hơn 8 năm qua, đã không biết bao nhiêu thi thể người đã "qua tay" chàng chiến sĩ trẻ Nguyễn Nhật Phương, 28 tuổi, đang công tác tại Đội 3, Phòng PC07, Công an TPHCM. Không ai có thể ngờ, một người nổi tiếng sợ ma từ bé như Phương lại có thể làm công tác cứu nạn cứu hộ, và làm rất tốt.
Nhà ở Củ Chi, hồi bé trong làng lâu lâu lại có cảnh mọi người vớt xác ai đó trên con kênh gần nhà. Khi đó, người lớn, trẻ em kéo nhau đi xem còn Phương trốn biệt.
Cậu rất sợ, sợ nhìn thấy xác người chết, sợ ma. Kể cả những ngày đi học, ngay giữa ban ngày, đi qua con kênh này, Phương cũng phải nhắm mắt chạy thật nhanh...
Rồi khi theo học phòng cháy chữa cháy, những gì Phương được học về công việc chỉ là lý thuyết. Thời gian đầu mới vào nghề, chủ yếu là quan sát, học việc, chưa thể hình dung hết về công việc này.
Cho đến vụ cháy tại một cửa hàng ở quận 11, khi đội tiến vào, các anh không biết có người bên trong. Sau đó, họ phát hiện ra có 3 thi thể. Phương cùng đồng đội đưa xác chết ra ngoài. Đó là lần đầu tiên anh chạm vào thi thể.
Ở đâu có người chết, ở đó có các anh. Kể về nỗi đau trong nghề, ai làm công việc này như Phương đều có thể kể không bao giờ hết.
Không đơn thuần là đi tìm xác người chết mà các anh còn trực tiếp chứng kiến nỗi đau của những người ở lại.
Như vụ việc sinh viên một trường Đại học ở TPHCM chế tạo thuốc pháo gây ra vụ nổ kinh hoàng cách đây mấy năm, Phương trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu nạn. Anh nhớ mãi cảnh những thi thể nằm giữa sàn.
Trong nhà tắm, một sinh viên quằn quại đau đớn. Trao chàng trai cho phía cấp cứu mà Phương nghẹn đắng...
Rồi có những vụ, đến xác người chết cũng không thể cứu được, không tìm thấy. Bàn giao thi thể cho người thân của họ đã là cảnh tượng đau lòng; nhưng không tìm được thi thể để trao trả cho gia đình, còn đau đớn gấp bội.
Với người Việt, khi người thân mất, việc tìm được xác để chôn cất, thờ cúng là điều vô cùng quan trọng. Ngoài quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận, còn mang ý nghĩa về mặt tâm linh. Đã đau lòng vì mất đi người thân, họ lại đau thêm gấp bội khi chết không thấy xác.
Có vụ việc, người đàn ông nhảy cầu Sài Gòn lúc 1 giờ sáng. Đội cứu nạn triển khai cứu nạn ngay trong đêm, phải nhiều lần về đội để sạc bình lặn rồi lại tiếp tục. 3 ngày liên tiếp vẫn không thể tìm được xác.
Phương nhớ vụ việc năm 2019, ngay sắp giờ giao thừa, đội nhận được thông tin trẻ đuối nước ở Cần Giờ. Giữa đêm hôm, hai bé nhỏ tầm 5 - 6 tuổi đứng chơi ở gần khu vực sông nước, một lúc sau, mọi người hoảng hốt thấy chỉ còn một bé.
Đội lập tức từ thành phố đi xuống, lặn xuyên đêm. Lúc đó, chỉ mong một phép màu tìm được bé để trao trả cho gia đình, khi năm mới đang gõ cửa. Nhưng bất thành...
Những vụ việc như vậy, người thân của nạn nhân bám víu vào các anh như hy vọng cuối cùng. Họ gào khóc với các anh: "Kiếm đi!". Hay mỗi lần thấy các anh vào bờ đổi ca, họ lại ngỡ đã có thể gặp mặt người thân xấu số.
Cứu nạn cứu hộ trong mọi sự cố như cháy, sập công trình, kẹt thang máy, đuối nước..., công việc cũng sống chung với những hiểm nguy. Bất kể giờ giấc nào, anh nói vui "kể cả khi đang ôm vợ", cũng phải lên đường ngay lập tức.
Ở Sài Gòn, nhiều kênh rạch, cống nào cũng đen ngòm. Để cứu người chết, những người sống như các anh sẽ ngâm mình dưới đó lặn, tìm kiếm. Bên dưới là rác, kim tiêm đủ loại... và cũng không ai có thể biết hết những sự cố có thể xảy ra.
Phương kể, mỗi lần đồng nghiệp lặn, anh em ở trên nín thở chờ đợi. Sau mỗi vụ lặn, cơ thể các anh bị đâm, xước đủ kiểu. Hay làm việc trong các vụ cháy, sập công trình, cầu cống, hang... nguy hiểm luôn treo ngay trên đầu.
Phương chia sẻ, anh em tiếp xúc với người chết hàng ngày càng hiểu cuộc sống rất vô thường, mong manh. Nhưng chính họ, khi nhắc đến cái chết, mất mát... đều gạt đi, không ai muốn đối diện.
Điều đó cũng nhắc anh, công việc đang làm dù tiếp xúc với những nỗi đau tận cùng của con người nhưng mình đang làm một công việc có ích, mang đến chút an ủi cho người khác khi họ trong cảnh bế tắc tận cùng.
Kỷ niệm trong nghề, Phương nhớ đến vụ tìm kiếm thi thể ở hang Cốc Chia, Cao Bằng vào cuối năm 2019.
Ban đầu, chỉ ghi nhận miệng hang rộng 8m, vào trong 10m chiều rộng còn 4m, càng xuống hang càng hẹp và thẳng đứng, chưa xác định được độ sâu. Khi vào hang, bộ đàm và các thiết bị thông tin đều không thể liên lạc ra ngoài. Với địa hình phức tạp như vậy, việc tiếp cận vào hang rất khó khăn, có thể gặp nguy hiểm.
Sau gần 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, tổ công tác gồm 6 cán bộ - chiến sĩ PC07 đã tìm thấy thi thể nạn nhân ở độ sâu cách miệng hang hơn 200m.
Việc tìm kiếm đã khó, quá trình đưa hài cốt nạn nhân ra ngoài còn gian nan hơn. Do hang có nhiều đoạn rất hẹp, thẳng đứng, nên để di chuyển ra khỏi hang an toàn, các chiến sĩ phải chui, bò, đu dây, đặc biệt không ít lần phải dùng tay điều chỉnh kích thước bao đựng hài cốt.
Hay có lần, anh cùng đồng nghiệp ngồi hàng giờ đồng hồ để nói chuyện với một thanh niên đòi nhảy lầu vì thất tình. Các anh vờ nói chuyện, mời bia, mời thuốc, đồ ăn chàng thanh niên, tỏ vẻ rất thản nhiên nhưng trong lòng như lửa đốt..., phía dưới đã chuẩn bị sẵn nệm hơi.
5 giờ đồng hồ cân não, căng thẳng tột độ. Đến khi chàng thanh niên đứng dậy, tỉnh bơ nói: "Đi về đây!". Trớt quớt như vậy, mệt thì có mệt mà mừng lắm, vì đã cứu được một mạng người.
Hôm sau, nhận tin nơi nào có người muốn tự tử, các anh lại vội lao đến...
Nguyễn Nhật Phương là một trong 12 gương mặt được tuyên dương gương Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM 2020. Cũng như đồng nghiệp, với anh mọi thành tích, kết quả trong công việc này đều xuất phát từ tập thể, của tất cả mọi người.