Chìm ca nô 17 người thiệt mạng: Vì sao chưa khởi tố vụ án?

Công Bính

(Dân trí) - Tại sao thuyền trưởng lại có thể xâm nhập ca nô tự ý lấy vật chứng mang đi? Cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm? Những câu hỏi này đang được công an điều tra và sẽ trả lời trong thời gian tới.

Một tuần sau khi xảy ra vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại làm 17 người tử nạn, rất nhiều vấn đề cần phải được cơ quan chức năng làm rõ để không xảy ra những vụ tai nạn thương tâm tương tự.

Ca nô có chạy đúng tốc độ?

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện chưa xác định được chính xác về mặt khoa học tốc độ của ca nô QNa 1152 trước thời điểm gặp nạn.

Chìm ca nô 17 người thiệt mạng: Vì sao chưa khởi tố vụ án? - 1

Rất nhiều vấn đề cần phải điều tra, làm rõ từ việc ca nô bị chìm làm 17 người tử vong.

Tuy nhiên, khi ca nô QNa 1152 bị chìm cách cảng Cửa Đại khoảng 1,5 hải lý, một người phụ nữ đi trên ca nô phía sau đã nhìn thấy và lập tức gọi điện báo cơ quan chức năng đến cứu hộ.

Căn cứ vào thời gian ca nô QNa 1152 khởi hành tại đảo Cù Lao Chàm và thời gian người phụ nữ gọi điện, cơ quan điều tra xác định quãng thời gian ca nô QNa 1152 đã di chuyển được. Cộng với quãng đường từ Cù Lao Chàm đến vị trí bị nạn thì vận tốc của ca nô lúc này khoảng 32 km/h.

"Tốc độ tối thiểu của ca nô cao tốc là 30 km/h. Ca nô QNa 1152 chạy với 32 km/h thì đảm bảo tốc độ…", lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết thêm. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh mang tính khoa học hơn.

Chìm ca nô 17 người thiệt mạng: Vì sao chưa khởi tố vụ án? - 2

Mũi chiếc ca nô bị vỡ toác sau vụ tai nạn.

"Chúng tôi đang củng cố tài liệu để chứng minh cho rõ. Cơ quan điều tra cũng muốn tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm các cơ quan, tổ chức cũng như cá nhân trong việc này, chứ không để vụ việc xảy ra chừng đó người chết mà nó vô nghĩa. Do nguyên nhân khách quan hay chủ quan, do công tác điều hành hay do chất lượng phương tiện, phải điều tra", lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam nói.

Liên quan đến việc có khởi tố vụ án hay không, lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cũng thông tin thêm, hiện cơ quan điều tra đã ra quyết định giải quyết thông tin tội phạm để thực hiện các biện pháp xác minh, làm căn cứ để khởi tố. Thu thập tất cả các tài liệu, khách quan hay chủ quan, con người, cơ quan chức năng… Trên cơ sở đó đối chiếu với các quy định của pháp luật, nếu đến mức thì xử lý.

Ca nô chìm do yếu tố thời tiết?

Nhiều ý kiến đề cập đến yếu tố thời tiết, sóng to gió lớn làm ca nô bị chìm. Tại bản tin số 42/TTTB-ĐKTTVQN phát lúc 4h ngày 26/2 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển của vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. 

Dự báo thời tiết vùng biển Quảng Nam trong 24 giờ tới: Vùng biển có mưa rải rác, gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp trên cấp 6, sau gió giảm dần. Tầm nhìn xa trên 10 km, giảm xuống 4-10 km trong mưa; sóng biển cao 1,5-2,5 m; tình trạng biển động; cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.

"Đề nghị thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Nam, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao", thông tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam nêu.

Chìm ca nô 17 người thiệt mạng: Vì sao chưa khởi tố vụ án? - 3

Ca nô mui kín có phải là nguyên nhân khiến nhiều người tử vong sau khi nó bị chìm?

Từ ngày 23-26/2, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam đã phát 8 tin thời tiết nguy hiểm trên biển theo đúng quy định vào lúc 4h và 16h hàng ngày. Trong nội dung các bản tin đều có dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai theo đúng quy định.

Trong các bản tin đều đề nghị các đơn vị chức năng thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Nam, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao.

Trong khi đó, tại buổi họp báo chiều ngày 1/3, Đại tá Nguyễn Quang Nam - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam khẳng định, lực lượng Đồn biên phòng 264 trước khi ca nô xuất bến đã kiểm tra thực tế tại cửa biển Hội An.

Đại tá Nguyễn Quang Nam nói: "Theo dự báo thời tiết, trong hai ngày 25-26/2, tại Hội An, gió đông bắc có cường độ 2-3 m/s. Với cường độ này thì gió nhẹ, không ảnh hưởng đến tàu thuyền trên biển. Ảnh hưởng đến sóng với điều kiện gió từ 8-10 m/s thì biển động nhẹ, chưa ảnh hưởng đến tàu thuyền trên biển".

Còn rất nhiều chi tiết cần phải được xác minh, làm rõ để trả lời dư luận về vụ tai nạn thương tâm này. Như việc tại sao thuyền trưởng lại có thể xâm nhập ca nô tự ý lấy vật chứng mang đi, không phải giữ nguyên hiện trường để điều tra? Thuyền trưởng xâm nhập và thay đổi hiện trường đang điều tra sẽ bị xử lý ra sao? Trách nhiệm của cơ quan chức năng với vụ việc này, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc này… Tất cả vấn đề này, theo lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, đang được công an điều tra và sẽ trả lời trong thời gian tới.