1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại: Loại bỏ khả năng tông vào cồn cát

Hoài Sơn

(Dân trí) - Liên quan đến vụ chìm ca nô chiều 26/2 làm 17 người tử nạn, có nghi vấn ca nô tông vào cồn cát mắc cạn và bị sóng đánh lật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã loại bỏ khả năng này.

Cồn cát chuyển biến liên tục

Theo ghi nhận của phóng viên, chiếc ca nô số hiệu QNa 1152 sau khi gặp nạn vào ngày 26/2 đã trôi dạt và đắm tại cồn cát cách đất liền khoảng 300 m, ở phía bắc Cửa Đại trong tình trạng vỡ toác phần mũi.

Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại: Loại bỏ khả năng tông vào cồn cát - 1

Tàu ca nô Phương Đông được trục vớt và nằm trên một vệt cát bồi khá rộng, được hình thành trong trạng thái nửa chìm nửa nổi.

Theo quan sát, đây là một vệt cát bồi khá rộng mới được hình thành trong trạng thái chìm, chỉ nổi lên khi thủy triều xuống thấp. Cách một con lạch rộng khoảng 50 m phía trong cồn cát này là một cồn cát lớn khác đã được bồi đắp nổi hẳn lên khỏi mặt nước chừng 1-1,5 m.

Một số người dân địa phương cho biết, cồn cát này hình thành được vài năm gần đây, với tốc độ bồi lắng như hiện tại thì chỉ một thời gian ngắn nữa, cồn cát này sẽ nổi lên cao và hợp với đất liền.

Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại: Loại bỏ khả năng tông vào cồn cát - 2

Ở phía trong cồn cát nơi ca nô trôi dạt vào sau khi bị lật chìm là một cồn cát lớn khác đã được bồi đắp nổi hẳn lên khỏi mặt nước từ 1-1,5m.

Trong khi đó, ngoài cồn cát mà chiếc ca nô mắc cạn còn một cồn khác rộng lớn chạy dài hàng trăm mét, được bồi lắng mấy năm trở lại đây mà dân địa phương quen gọi là đảo cát "khủng long".

Giải thích thêm về cồn cát nghi là nguyên nhân vụ tai nạn, tại cuộc họp báo ngày 1/3, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, việc hình thành cồn cát ngoài biển Cửa Đại đã xuất hiện từ khá lâu.

Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại: Loại bỏ khả năng tông vào cồn cát - 3

Có nhiều nhận định cho rằng khả năng chiếc ca nô đã tông vào cồn cát trước khi bị sóng xô lật.

Để theo dõi diễn biến cồn cát, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo khảo sát từ ngày 19/9 đến 31/10/2019 thì kết thúc. Qua theo dõi báo cáo của đợt khảo sát này, cơ quan chức năng nhận định cồn cát này luôn thay đổi hình hài và chuyển biến liên tục, không cố định nhưng có xu hướng dịch lên phía Bắc.

Ông Lê Sen (52 tuổi, trú TP Hội An) - thuyền trưởng của tàu gặp nạn cho biết, suốt 5 năm lái ca nô, ông không lạ gì vùng biển ở Cửa Đại. Ngoài đó có một cồn cát mới bồi nên thường xuyên có sóng ven bờ, hình thành từ sóng ở ngoài biển vào gặp sóng trong bờ đổ ra, không theo một hướng nhất định nên rất khó lường.

Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại: Loại bỏ khả năng tông vào cồn cát - 4

Một số người địa phương đã lên đảo cát "khủng long" để tìm kiếm các nạn nhân vào chiều ngày 26/2.

"Ca nô của tôi không mắc cạn, không va chạm với cồn cát. Do con sóng ập vào mạn khiến ca nô lật úp, mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi không kịp xử lý gì. Đây thực sự là tai nạn không ai mong muốn", thuyền trưởng Sen khẳng định.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT), ngay sau khi ca nô Phương Đông bị lật chiều 26/2, đơn vị quản lý luồng đã đo đạc. Mực nước tại vị trí tàu lật là 3,5 m. Mớn nước (đáy) của tàu là 0,75 m. Ở độ sâu này, khả năng tàu va đập vào nền cát hầu như không có. Vì đáy tàu còn cách nền hơn 2 m.

Ngoài ra, theo báo cáo ban đầu, vị trí tàu gặp nạn nằm trong phạm vi luồng tàu, khả năng tàu không đi sai luồng. Luồng này rộng 60 m, sâu 3,5 m, có hệ thống phao báo hiệu đầy đủ. Sau sự cố, con tàu trôi tới bãi cạn cách đó khoảng 500 m.

Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại: Loại bỏ khả năng tông vào cồn cát - 5

Theo ông Lê Sen - thuyền trưởng của tàu gặp nạn, ca nô của ông không mắc cạn, không va chạm với cồn cát.

Để phục vụ công tác điều tra tai nạn, lực lượng chức năng đang khảo sát, ghi nhận hiện trạng hệ thống phao, biển báo để xem xét có dấu hiệu va chạm hay không. Nguyên nhân tai nạn sẽ được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, kết luận.

Trao đổi về nguyên nhân vụ tai nạn, Thượng tá Võ Văn Minh - Chánh văn phòng Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là do trong quá trình di chuyển về gần Cửa Đại thì gặp gió lớn, sóng to đập vào gây vỡ mạn thuyền bên trái và nước tràn vào, ca nô lật úp dẫn tới vụ tai nạn thương tâm.

Lần gần nhất nạo vét luồng vào tháng 9/2021

Tại cuộc họp báo chiều 1/3, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện các cơ quan chức năng đang điều tra, đánh giá rõ chính xác nguyên nhân tai nạn thì mới có hướng điều chỉnh.

Về vấn đề luồng lạch, đối với riêng luồng Cửa Đại có chiều dài 17 km đã quy hoạch luồng cấp 1 do Bộ GTVT, trực tiếp là Cục Đường thủy nội địa quản lý. Do đặc điểm của khu vực Cửa Đại thường xuyên bị bồi lấp, xói lở dẫn đến luồng này cũng có bị ảnh hưởng.

Trách nhiệm về việc nạo vét các luồng để đảm bảo cho tàu ra vào ổn định thuộc trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa.

Khi luồng này bị bồi lấp, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Bộ GTVT, trực tiếp là Cục Đường thủy nội địa nạo vét để các tàu du lịch, tàu đánh cá ra vào an toàn.

Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại: Loại bỏ khả năng tông vào cồn cát - 6

Sóng lớn đập vào gây vỡ mạn thuyền bên trái và nước tràn vào.

Lần nạo vét gần nhất kết thúc vào tháng 9/2021. Riêng đoạn 2 km gần Cửa Đại thì bị bồi lấp nên chỉ nạo vét luồng cấp 2, rộng 60 m, sâu 3 m. Ngoài khơi, nạo theo luồng cấp 1 rộng 90 m, sâu 4 m. Toàn luồng đã có thả phao báo hiệu.

Tuy nhiên do địa hình Cửa Đại phức tạp nên lực lượng chức năng yêu cầu chủ tàu phải chấp hành đúng quy định khi xuất bến.

"Vụ tai nạn này thật sự là ngoài ý muốn. Còn nguyên nhân do chủ quan hay khách quan sẽ do cơ quan điều tra sớm làm rõ. Các sự cố xảy ra thì chúng ta cần rút ra bài học sâu sắc để khắc phục, không để lặp lại và cần có giải pháp kịp thời để tàu ra vào an toàn. Trách nhiệm này là của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm tích cực trong thời gian sắp tới", Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nói.