1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhìn lại những vụ chìm tàu du lịch tang thương trong quá khứ

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trước vụ chìm ca nô trên biển Cửa Đại (Quảng Nam) hôm 26/2, làm 17 người thiệt mạng, trong quá khứ đã từng xảy ra những vụ chìm tàu du lịch thảm khốc gây rúng động dư luận xã hội.

Lật tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn, 3 người chết

Cách đây 6 năm, vào tối 4/6/2016, tàu Thảo Vân 2 số hiệu Dna0016 chở hơn 56 du khách bị lật trên sông Hàn (đoạn giữa cầu Thuận Phước và cầu quay Sông Hàn - TP Đà Nẵng). Vụ tai nạn khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em trong một gia đình.

Theo cơ quan chức năng, tàu Thảo Vân 2 là tàu chưa được cấp phép vận tải hành khách. Tàu còn chở vượt gấp đôi số người quy định (theo quy định chỉ được chở 28 người).

Nhìn lại những vụ chìm tàu du lịch tang thương trong quá khứ - 1

Tàu Thảo Vân 2 thời điểm gặp nạn. (Ảnh: Khánh Hồng).

Chiều 5/4/2017, sau 3 ngày xét xử, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt 4 bị cáo trong vụ lật tàu nói trên.

Theo đó, bị cáo Lê Công Chí (42 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), thuyền trưởng tàu Thảo Vân 2 bị tuyên 8 năm tù về tội "vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy".

Bị cáo Võ Quốc Hùng (45 tuổi, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) - chủ tàu Thảo Vân 2 bị tuyên 10 năm tù; bị cáo Nguyễn Ngọc Quân (36 tuổi, trú quận Hải Châu) - người trực tiếp bán vé, hướng dẫn và giới thiệu khách lên tàu lĩnh án 7 năm tù, cùng về tội "đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn".

Bị cáo Lê Sáu (42 tuổi, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) - nguyên Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng lĩnh án 3 năm 6 tháng tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ, 9 người chết

Vụ lật tàu H29 - BP (chở theo 30 người) của Công ty Cổ phần bến tàu du lịch dịch vụ Maria xảy ra đêm 2/8/2013, trên biển Cần Giờ, thuộc xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TPHCM. Những người trên tàu là cán bộ nhân viên Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, thuộc Tổng Công ty dầu khí Việt Nam, đóng tại khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu (trên đường đi dự đám cưới ở Gò Công Đông, Tiền Giang trở về Vũng Tàu). Khi đi qua vùng biển thuộc xã Lý Nhân, huyện Cần Giờ, TPHCM thì con tàu bất ngờ bị lật và chìm. Vụ tai nạn làm 9 người thiệt mạng.

Tàu H29-BP được thiết kế dài 8,5 m, rộng 2,25 m với công suất 200 CV, tốc độ tối đa 60 km/h và có khả năng chở 18 người nhưng lại chuyên chở đến 30 người. Việc chở quá tải được nhìn nhận là nguyên nhân ban đầu gây chìm tàu.

Nhìn lại những vụ chìm tàu du lịch tang thương trong quá khứ - 2

Chiếc tàu bị chìm khiến 9 người bị tử vong. (Ảnh: Vietnamnet).

Cuối tháng 11/2018, TAND TPHCM đã đưa vụ án trên ra xét xử. Theo đó, HĐXX tuyên phạt Vũ Văn Đảo (SN 1968, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Séc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (SN 1980, Giám đốc Công ty cổ phần Marina) cùng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Buổi sinh nhật "định mệnh" trên tàu Dìn Ký, 16 người thiệt mạng

Chiều tối ngày 20/5/2011, anh Quách Lương Tài đặt tiệc trên chiếc tàu "định mệnh" mang tên Dìn Ký để tổ chức sinh nhật cho con trai 3 tuổi Quách Hồng Đạt. Khi chiếc tàu rời bến được khoảng 15 phút thì xuất hiện mưa to gió lớn. Nhận được lệnh, Đức cho tàu quay về bến. Tuy nhiên trong lúc đang chuyển hướng thì con tàu bị lật ngang rồi nhanh chóng chìm xuống đáy sâu. 16 nạn nhân, trong đó có tới 9 người của gia đình anh Tài, gồm cả vợ và 2 con anh đã thiệt mạng. Vụ việc xảy ra trên sông Sài Gòn, thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Trong vụ tai nạn này, chỉ có anh Quách Lương Tài và 4 người khác may mắn thoát nạn.

Nhìn lại những vụ chìm tàu du lịch tang thương trong quá khứ - 3

Con tàu Dìn Ký thời điểm gặp nạn. (Ảnh: Trung Kiên).

Chìm tàu du lịch ở Hạ Long, 12 người chết

Khoảng 3h sáng 17/2/2011, tàu du lịch chở 27 du khách quốc tế đang hoạt động ở khu vực đảo Ti Tốp (vịnh Hạ Long, Quảng Ninh) đã bị chìm. Vụ tai nạn đã khiến 12 người tử nạn (trong đó có 10 người nước ngoài).

Thời điểm đó, Thượng tá Phí Văn Minh - Trưởng Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) - cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin tàu của Công ty TNHH Trường Hải gặp nạn, Công an tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc, phối hợp với các đơn vị hỗ trợ cứu hộ và tìm hiểu nguyên nhân của vụ chìm tàu kinh hoàng nói trên.

Nhìn lại những vụ chìm tàu du lịch tang thương trong quá khứ - 4

Khu vực tàu gặp nạn. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Ông Minh cho biết, vị trí con tàu gặp nạn tại khu vực đảo Ti Tốp (đảo nhỏ trong vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), có tất cả 27 người trên tàu tại thời điểm con tàu bị chìm. Cụ thể có 19 du khách nước ngoài đến từ 11 quốc gia, 2 du khách người Việt Nam và 6 thuyền viên trên tàu.

Về nguyên nhân con tàu bị chìm, ông Minh cho biết, theo lời khai từ thuyền viên tàu du lịch Trường Hải QN5198 thì tàu bị chìm là do bị bục đáy. Thuyền viên đã chạy xuống để sửa chữa, cố gắng bịt lỗ thủng nhưng vết vỡ ngày càng lớn, nước tràn vào quá nhiều, gây ngập khoang máy và làm chìm tàu.

Chiều 26/2, ca nô Phương Đông chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, một lái tàu, 2 phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại (Quảng Nam), khi gần vào tới bờ thì ca nô bị lật chìm. Vụ tai nạn làm 17 người chết; trong số nạn nhân chết và mất tích có 8 người là họ hàng, thông gia, sống ở Đông Anh, Hà Nội.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương, phân công lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, hỗ trợ động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn.

Nhìn lại những vụ chìm tàu du lịch tang thương trong quá khứ - 5

Chiếc ca nô gặp nạn bị trôi dạt và đắm cách bờ khoảng 50 m (Ảnh: Hoài Sơn).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra vi phạm về điều kiện kinh doanh trên đường thủy nội địa, nhất là hoạt động chở khách tham quan du lịch trên đường thủy nội địa, siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi chở quá số người quy định, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp du lịch khi để xảy ra vi phạm, không để xảy ra các sự việc tương tự;...