1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chi phí quản lý quĩ bảo hiểm xã hội: Quá vô lý!

(Dân trí) - Cả hệ thống 18.000 lao động trong ngành đang “ăn” vào quĩ bảo hiểm xã hội (BHXH), thu nhập của lao động trong ngành BHXH cao hơn từ 2 đến 3 lần so với công chức hành chính sự nghiệp. Những điều bất hợp lý trên đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra khi thảo luận về Dự luật Bảo hiểm xã hội ngày 19/5.

Là đơn vị sự nghiệp nhưng lại hưởng theo chế độ doanh nghiệp

 

Rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc sử dụng 3% tiền sinh lời do đầu tư quỹ để chi phí cho công tác quản lý quĩ BHXH. Đại biểu Néang Kim Cheng (An Giang) cho rằng, mức chi phí cho quản lý như vậy là quá cao, đề nghị chỉ dưới 2% là vừa.

 

“Lương và chi phí quản lý lấy từ tiền sinh lời do đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội để trả cho lực lượng ở trong ngành bảo hiểm xã hội là không hợp lý, vì tiền này là của người lao động đóng góp”, đại biểu Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định. Ông cũng cho rằng, việc dùng số tiền này trả cho hơn 18.000 lao động trong ngành bảo hiểm xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối trong việc chi trả của quĩ. “Những người hoạt động trong ngành bảo hiểm xã hội cũng là ở trong đơn vị sự nghiệp, cho nên phải được hưởng lương từ ngân sách của Nhà nước như cán bộ công nhân viên chức Nhà nước khác”, đại biểu Luyện kết luận.

 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH cảnh báo: “Tôi không thông lắm về mức 3% trả lương cho người trong BHXH vì quĩ BHXH được Nhà nước bảo hộ nên không bao giờ bị phá sản. Đây là đơn vị sự nghiệp nhưng lại muốn hưởng theo chế độ một doanh nghiệp. Như vậy dễ đến phình bộ máy ra, và ai cũng muốn “chui” vào”.

 

Về mức lương của cán bộ, nhân viên ngành BHXH cao gấp 2, 3 lần so với cán bộ, công chức hành chính sự nghiệp, đại biểu Sơn Thị Ánh Hồng (Trà Vinh) đề nghị nên bỏ chi phí đặc thù cho cán bộ trong ngành BHXH đây chưa phải là ngành đặc thù lao động độc hại. Bà Hồng cũng yêu cầu ngành BHXH cần có những cải tiến ở ngay chính trong ngành mình để hiệu quả công việc cao hơn: “Theo tôi  ngành bảo hiểm xã hội cần có giải pháp để tinh giảm biên chế, đồng thời đổi mới phương thức làm việc, giảm bớt thủ tục hành chính thì sẽ tiết kiệm phần chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội”.

 

Nhìn nhận về bản chất của quĩ BHXH, đại biểu Trần Hồng Việt (Cần Thơ) cho rằng,  bảo hiểm xã hội mang tính an sinh xã hội, vì vậy, ngân sách cần có sự chia sẻ khi cần thiết, không nên quá nặng nề về hạch toán theo hướng kinh doanh, làm sao để người lao động, người hưu trí được hưởng thụ mức sống trung bình của xã hội.

 

Bảo hiểm thất nghiệp: Chưa khả thi

 

Loại hình bảo hiểm thất nghiệp được đưa vào dự thảo luật đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, hầu hết các đại biểu đều lo lắng về tính khả thi của loại hình này, đại biểu Néang Kim Cheng (An Giang) đề xuất nên tách ra để nghiên cứu vì bảo hiểm thất nghiệp chưa mang tính xã hội và tính tự nguyện, tự giác cao nên rất dễ bị lạm dụng

 

Đại biểu Nguyễn Thị Băng Thanh (Nam Định) cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc thực hiện sẽ ảnh hưởng đến cả người sử dụng lao động và người lao động: “Theo lộ trình, đến năm 2010, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng tăng lên 4% cho cả 2 loại hình bảo hiểm xã hội trong khi tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống của người lao động”.

 

Đại biểu Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam) cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp là rất khó thực hiện vì ranh giới phân biệt người có công ăn việc làm, người có thu nhập và người không có việc làm, không có thu nhập là không rõ nét lắm: “Chúng ta nên quy định chặt chẽ hơn, tức là những người bị mất việc làm và chấm dứt hợp đồng không phải do lỗi của họ chứ nếu không nhiều người chây ỳ hoặc không chịu làm việc để bị chấm dứt hợp đồng để được hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

 

Đức Hòa