1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cảnh báo tình trạng tự phát ăn gan, mật cóc tươi

(Dân trí) - Việc ông Mai Xuân Khởi ăn gan, mật cóc tươi để kéo dài sự sống đã được Sở Y tế Quảng Bình chứng thực. Tuy nhiên trước tình trạng nhiều người mắc bạo bệnh tự phát ăn cóc, ngành y tế cần khuyến cáo và nghiên cứu về sự thật lạ lùng này.

Hơn 1 tháng nay, dư luận ở Quảng Bình nói riêng và nhiều cá nhân trong và ngoài nước đã liên tục liên lạc với Sở Y tế Quảng Bình để hỏi về trường hợp ông Mai Xuân Khởi ở xã Quảng Sơn (Quảng Trạch) ăn gan, mật cóc tươi để chống chọi với căn bệnh u gan mà Dân trí đã phản ánh và cảnh báo người dân không nên làm theo.
 
Cảnh báo tình trạng tự phát ăn gan, mật cóc tươi - 1

Ông Mai Xuân Khởi đã ăn gan, mật cóc hàng năm nay sau khi biết mình bị u gan giai đoạn cuối.
 
Nhiều tờ báo sau đó cũng phản ánh các trường hợp tương tự và nhu cầu tìm hiểu thông tin về hiện tượng lạ này ngày một lớn, khiến máy điện thoại của Sở Y tế và nhiều phóng viên ở Quảng Bình thường xuyên trong tình trạng “cháy máy” bởi các cuộc gọi từ khắp nơi.
 
Hầu hết các cuộc gọi đều từ gia đình những người bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, khó qua khỏi hoặc từ những người xưng công tác trong ngành y, gọi từ Hàn Quốc, Australia... với nội dung xoay quanh việc ăn gan, mật cóc không chết và cảm thấy khỏe hơn có thật hay không?.
 
Mới đây, Sở Y tế Quảng Bình đã cử đoàn công tác đến tận nhà ông Mai Xuân Khởi để hỏi chuyện ăn cóc và được tận mắt chứng kiến cảnh ông Khởi làm thịt cóc rồi ăn. Sở Y tế đã kết luận sự việc này hoàn toàn có thực.
 
Tuy nhiên, cũng như Dân trí đã dẫn lời ông Khởi cảnh báo các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không nên tự phát học theo ăn thịt cóc, Sở Y tế Quảng Bình cũng đã có khuyến cáo người dân cần thận trọng với quyết định có thể gây nguy hại ngay cho tính mạng của mình.
 
Nhưng có một thực tế là hàng ngày, nhiều người dân trong nước đã vào tận Quảng Bình, hỏi đường đến nhà ông Khởi để xem ông ăn thịt cóc và sau đó về nhà áp dụng cho người thân mắc bệnh hiểm nghèo để tìm cơ hội sống.
 
Cụ thể, sau khi từ Quảng Bình trở về, anh Bùi Văn Thám (thôn Cao Hải - Tân Liên - Vĩnh Bảo - Hải Phòng) cho biết, đã lấy gan, mật cóc cho bố anh là ông Bùi Văn Thỏa (70 tuổi, bị ung thư phổi giai đoạn di căn) ăn và bệnh tình ông Thỏa có dấu hiệu tích cực.
 
Ở Quảng Bình, nhiều người bị bệnh nan y như u gan, ung thư đã chọn cách ăn gan, mật cóc như chị Nguyễn Thị Lĩnh (ở thôn Đông Bắc - Đại Trạch - Bố Trạch) dùng gan, mật cóc được 3 tháng và cảm thấy khỏe mạnh hơn, tăng cân dù trước đó bị u gan giai đoạn cuối.
 
Cảnh báo tình trạng tự phát ăn gan, mật cóc tươi - 2

Chị Lĩnh với lọ gan, mật, da cóc rang để ăn hàng ngày.
 
Hầu hết các trường hợp này đều truyền tai nhau về việc ăn cóc tươi như một kinh nghiệm dân gian, thậm chí coi đó như là “tiên dược” để trị ung thư và một số bệnh nan y khác.
 
Cho đến thời điểm này, Sở Y tế Quảng Bình và tất cả các bài báo phản ánh việc này đều dừng lại ở mức khẳng định việc ăn cóc tươi của một bệnh nhân là có thật, và dấu hiệu trực quan cho thấy một số trường hợp sức khỏe có cải thiện. Biểu hiện chung mà những người ăn cóc tươi cho biết là khi ăn vào cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng lên, người lâng lâng như sử dụng chất kích thích.
 
Chưa có bằng chứng nào cho thấy, việc ăn cóc có thể chữa được bệnh ung thư hay các bệnh nan y khác. Cần nói thêm, những trường hợp ăn cóc không chết được coi là hy hữu, còn từ trước tới nay những cái chết oan uổng vì ăn cóc thì không ít. Nhiều sách, báo cũng đã cảnh báo về thịt cóc như là một loại thực phẩm lợi bất cập hại.
 
Hiện nay, có một số tài liệu về đông y như “Tuệ Tĩnh toàn tập” (do Nguyễn Bá Tĩnh biên soạn và Hội Y học Cổ truyền TPHCM xuất bản) và “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. TS Đỗ Tất Lợi do NXB Y học xuất bản năm 2001) có nhắc đến việc dùng cóc chữa bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên theo một số bác sỹ, hiện y học hiện đại không thấy nhắc tới việc này, càng không khuyến khích chế biến thịt và các sản phẩm từ cóc để ăn, uống.
 
Mới đây nhất, ngày 15/6, Sở Y tế Quảng Bình đã có công văn gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế về thực trạng điều trị bệnh bằng ăn cóc sống tại Quảng Bình. Sở khẳng định sự việc là hoàn toàn có thật, nhiều trường hợp ăn kéo dài nhiều năm với số lượng tới 15 - 20 con/ngày nhưng không bị nhiễm độc và các triệu chứng có phần thuyên giảm.
 
Công văn của Sở ghi rõ: Từ thực tế trên, Sở Y tế nhận thấy đây là một sự việc có thật nhưng đang còn rất nhiều vấn đề mới, thậm chí còn hoàn toàn trái với khoa học đã công bố. Vì vậy, kính đề nghị Bộ Y tế trực tiếp khảo sát, nghiên cứu để đưa ra những khuyến cáo, kết luận có cơ sở khoa học giúp cho người bệnh định hướng đúng cách thức điều trị, tránh xảy ra những tai biến đáng tiếc”.
 
Thực tế, hiện nay số lượng người bị bệnh hiểm nghèo tự phát chọn cách ăn cóc sống để hy vọng chữa bệnh nan y đang ngày một tăng lên sau khi tận mắt chứng kiến những trường hợp đã nêu ở Quảng Bình, dù các cơ quan chức năng và báo chí đã không ngừng cảnh báo trong các bài viết của mình.
 
Vì vậy, đã đến lúc Bộ Y tế cần có khuyến cáo chính thức tới người dân để tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc. Đồng thời, trước thực tiễn kỳ lạ này, nên chăng giới khoa học cần có những nghiên cứu để tìm ra câu trả lời cho loại biệt dược bí ẩn trong con cóc (nếu có), vốn xưa nay được coi là loài vật chứa độc tố giết người.
 
Hồng Kỹ