1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vô tư “phù phép” trái cây

Nhiều loại trái cây đang được các thương lái, chủ vựa thúc chín, làm đẹp và kéo dài “tuổi thọ” bằng hóa chất. Theo cảnh báo của giới khoa học, việc sử dụng hóa chất vô tội vạ để bảo quản trái cây sẽ khiến người ăn có nguy cơ ngộ độc rất cao.

Sáng 20/7, chúng tôi theo chân bà Lan - một thương lái - chở sọt sầu riêng chạy rà rà trên quốc lộ 56 (xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Bà Lan tỏ vẻ kín kẽ khi chúng tôi thắc mắc: “Mua trái non vậy sao chín được?”. Nhưng khi biết chúng tôi có nhu cầu mua lượng hàng lớn, bà ôn tồn: “Bọn tui mỗi ngày mua vài tấn, hơi đâu đợi trái rớt... Cứ cắt về dùng thuốc cho khỏe”.

 

Thông thường sầu riêng từ lúc ra hoa đến kết trái chín phải mất 100-10 ngày, tuy nhiên bà Lan cho người vào tận vườn cắt trái non chỉ từ 70-80 ngày tuổi.

 

Từ “tắm” đến chích hóa chất

 

Vô tư “phù phép” trái cây - 1

Những trái sầu riêng đã được “tắm” hóa chất ở vựa bà Trang (xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai)


Giữa trưa, vựa trái cây của bà Trang ven quốc lộ 56 (xã Nhân Nghĩa) tấp nập xe ra vào chở hàng. Hàng trăm trái sầu riêng lớn nhỏ xếp thành đống lớn dọc khuôn viên gian hàng, trên trái còn rỉ nước. Ngỡ chúng tôi là mối mới nên bà Trang không ngần ngại nói: “Ở đây phải dùng thuốc mới đủ hàng cung cấp trái chín”.

 

Mỗi ngày vựa bà Trang cung cấp hơn 1 tấn sầu riêng “chẻ” cho những người bán sỉ ở các tỉnh miền Đông. Công nghệ “tắm” thuốc cho trái chín nhanh và đều khá đơn giản. Chỉ về phía thùng nhựa 20 lít, bà Trang giải thích: “Cho 2-3 nắp ethephon vào thùng, khuấy đều rồi lần lượt nhúng trái vào thùng và xếp qua bên này. Chỉ sau một đêm là trái chín đều hàng loạt”.

 

Vô tư “phù phép” trái cây - 2

Các loại thuốc thúc trái chín

 
Thấy chúng tôi có một chai hóa chất nhãn hiệu HPC-97HXN Trái Chín của một xí nghiệp ở quận 12, TP.HCM, bà Trang nói liền: “Bên tôi cũng xài thuốc này. Nhiều tay còn xài thuốc cho trái vỏ mỏng, chích thẳng vô trái mít, nhúng đu đủ...”. Và “hàng” ra thị trường thì không người tiêu dùng nào có thể biết được trái đã “tắm” thuốc do thuốc không màu và hương thơm nhẹ.

 

Bà Dũng, một chủ vườn mít ở huyện Cẩm Mỹ, nói: “Tui chỉ biết bán trái cho các tay buôn đánh xe vào tận vườn mua mít, sầu riêng. Các lái này mua cả trái non trái già. Không biết họ mần thuốc gì mà bán chạy lắm”. Không khó để tìm ra loại thuốc này ở các tiệm bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ven quốc lộ 1A, quốc lộ 56 thuộc tỉnh Đồng Nai. Ông Tâm, một chủ tiệm tạp hóa ở chợ Nhân Nghĩa, cho biết: “Hàng này rất bán chạy, người ăn trái có làm sao đâu. Giá 32.000 đồng/500ml”.

 

Từ một đầu mối, chúng tôi liên hệ với ông Khánh, chủ vựa mít trên quốc lộ 1A thuộc xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Chiều 19/7, ông Khánh vừa chở mít gửi xe khách về Quảng Ngãi vừa nói mít đang vào cuối vụ nên lượng hàng không thể “chẻ” cho các mối mới. Tuy nhiên, chiều 20/7 trở lại vựa ông Khánh thì bà Mai (vợ ông Khánh) ngỡ chúng tôi là bạn hàng quen nên liền lấy ra lỉnh kỉnh chai lọ đựng hóa chất, một ống chích bằng nhựa, một tuôcnơvit được mài nhọn. 

Đã sử dụng “công nghệ” được hơn một năm nay, bà Mai hướng dẫn: “Sau khi dùng dùi nhọn đâm vào cuống trái, chỉ cần bơm 2-5cc (1cc = 1ml) tùy trái lớn hay nhỏ, muốn chín nhanh thì bơm nhiều hơn. Sau hai ngày bảo đảm trái chín đều, không sượng. Trường hợp trái đã chín một phần thì bơm thuốc vào phần còn lại coi như trái chín đều”.

 

Bà Mai cho hay lượng hàng mỗi ngày có thể lên đến gần 1 tấn, đa số do các đầu mối ngoài Hà Nội và miền Trung đặt làm. “Mít ở đây sau thời gian vận chuyển tới nơi là trái đã chín đều, bán chạy hơn” - bà Mai khẳng định.

 

… đến kéo dài “tuổi thọ”

 

Vô tư “phù phép” trái cây - 3

“Bảo đảm hôm sau trái sẽ chín đều” - ông Thuận “trình diễn” màn thúc chín cho mít


Do biết chúng tôi được người quen giới thiệu nên ông Thuận, chủ vựa trái cây trên đường Tô Ký (Q.12), không ngần ngại tiết lộ “mánh”. Mỗi ngày ông Thuận mua 1 tấn trái cây từ chợ đầu mối Hóc Môn, sau đó tùy mặt hàng mà có “công nghệ” xử lý riêng. Sầu riêng nhúng vào dung dịch hóa chất màu vàng xuất xứ từ Trung Quốc; riêng táo, cam cho vào bình nhỏ 3 lít phun sương lên mặt, trái sẽ đẹp hơn và để lâu ít nhất một tháng.

 

Ông Thuận lấy một trái mít, nhanh tay dùng tuôcnơvit chọc vào cuống, sau đó bơm một dung dịch không màu vào rồi giải thích: “Nếu muốn nhanh chín thì dùng liều mạnh, khoét lỗ bơm vào trong trái. Như trái mít này đúng 24 giờ sẽ chín đều”.

 

Tại khu vực chợ Kim Biên (Q.5, TPHCM), chúng tôi ghi nhận có hàng chục loại hóa chất không nhãn mác, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, dùng để thúc chín trái. Trưa 21-7, cô nhân viên cửa hàng Lợi Tín giới thiệu: “Ở đây chị có nhiều loại bán cho nhiều mối rồi nên cứ yên tâm. Loại đậm đặc cho trái mau chín giá 500.000 đồng/lít”.

 

Nhiều loại hóa chất làm đẹp trái, giữ trái lâu hư cũng được bày bán công khai. Theo các chuyên gia hóa chất, đây là các nhóm hóa chất có tác dụng chống mốc, chống nấm (carbendazim, benomyl...) nên có khả năng giữ được trái không hư trong thời gian dài.

 

Ông Phương, quê Bắc Giang - một lái buôn có hơn mười năm trong nghề đã giải nghệ, nói: “Ở chợ Kim Biên có đủ loại hóa chất giúp trái mau chín, kéo dài thời gian bảo quản. Tùy trái mà phun hay chích sẽ giúp trái đẹp như ý muốn”.

 

Không ít người dùng các loại hóa chất không tên vì mục đích lợi nhuận. Tưởng chúng tôi là dân trong nghề, ông Huynh, chủ sạp bán trái cây ngụ P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, thừa nhận nhiều khi bán chậm phải dùng hóa chất bảo quản để kéo dài tuổi thọ cho trái, như vậy mới mong thu hồi vốn.

 

Ông Huynh phân trần: “Làm thế cũng chưa bằng loại nho Trung Quốc. Mười lần khui thùng hàng thì có đến mười lần tôi phát hiện bên trong có chai nhỏ bốc mùi khó chịu. Loại trái này để được gần tháng trời vẫn tươi nguyên”.

 
Có nguy cơ gây ngộ độc
 
Ethrel có tên thương mại là Ethephon với hoạt chất chính là 2-chloroethyl phosphonic acid. Ethrel được xếp vào nhóm các chất điều hòa sinh trưởng thực vật. Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng ethrel với liều lượng thích hợp để thúc chín trái cây như cà chua, dâu, táo. Úc, New Zealand và Hà Lan cũng cho phép tương tự nhằm rút ngắn thời gian chín và giảm tổn thất sau thu hoạch.
 
Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US-EPA) đã xác định ethrel đi vào cơ thể qua thực phẩm chỉ an toàn nếu liều lượng mỗi ngày không vượt quá mức cho phép 0,05mg/kg cân nặng cơ thể.
 
Tại Việt Nam, các sản phẩm ethrel mới được Bộ NN&PTNT cấp phép sử dụng như một loại chế phẩm kích thích mủ cao su và thúc chín quả bông. Một số cơ quan nghiên cứu đã ứng dụng ethrel để kích thích chôm chôm ra hoa trái vụ. Riêng hóa chất ethrel nhập từ Trung Quốc chưa được chính thức cấp phép. Vì thế “Nếu ai/đơn vị nào sử dụng vào mục đích khác là vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” (trích lời của cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT).
 
Nếu bơm chích vào cuống trái mít hay sầu riêng với liều lượng vượt ngưỡng sẽ gây độc vì lượng ethrel hấp thu vào người sử dụng (nặng 60kg) có thể > 3mg. Người ăn trái cây có sử dụng các hóa chất bảo quản không cho phép hoặc vượt quá ngưỡng cho phép đều có nguy cơ bị ngộ độc, nặng sẽ bị ngộ độc cấp tính, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày sẽ bị ngộ độc mãn tính.
 
TS Nguyễn Đăng Nghĩa
TT Nghiên cứu đất - phân bón & môi trường phía Nam
 
Theo Ngọc Khải - Khương Văn
Tuổi trẻ