1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều món ăn ngọt ngon nhờ đường… hóa học độc

Mặc dù bị cấm sử dụng trong nhiều thực phẩm nhưng hàng loạt kiểm tra các loại thực phẩm cần độ ngọt (phở, kem, sữa, thạch, mắm…) được khui ra, người tiêu dùng mới ngã ngửa hóa ra mình vẫn ăn chất độc hại này mà không biết.

Nhiều món ăn ngọt ngon nhờ đường… hóa học độc - 1

1 loại đường hóa học thông dụng, được người làm hàng ưa chuộng
Trên thị trường xuất hiện khá phổ biến các loại đường hóa học bao bì chữ Trung Quốc có phiên âm La Tinh là Tang Jing (có nghĩa là đường tinh luyện). Loại đường này to bằng hạt đỗ, màu trắng. Tại các quầy đồ khô chợ Mỹ Đình, Đồng Xuân đều có loại đường này và quảng cáo là có độ ngọt gấp 200-400 lần so với đường cát bình thường mà giá chỉ từ 220-330.000 đồng/kg.
 
Trong khi đó, theo Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ y tế ngày 31/8/2001 thì đường hóa học Cyclamate và một số loại đường hóa học hiện đang được bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.

  

30-35 viên đường cho 10 lít nước phở

 

Có mặt tại một quầy hàng ở ngã ba đường Nguyễn Thiện Thuật, Cao Thắng và Nguyễn Thiệp, PV nhận thấy, một khách hàng tên N.Hạnh đang lựa chọn đường hóa học để về nấu phở. Chị chủ quầy nhanh nhẹn giới thiệu về loại đường dạng viên B1: “Loại này, nước ngọt đậm mà nó còn có vị tổng hợp, có thể thay thế cho các loại gia vị khác. Với giá 120.000- 220.000 đồng/kg (tùy theo từng loại) mua về sẽ tiết kiệm được nhiều khoản”.

 

Chị chủ quầy cũng quảng cáo thêm: “Hiện nay, loại này được nhiều người lựa chọn hơn các dạng bột và loại viên nhỏ vì nó dễ chế biến”.

 

Ngay sau đó, chị N.Hạnh chọn 1 túi 500g dạng B1 và 100g loại hạt hình thoi màu trắng trong. Theo quan sát của PV, cả 2 loại đường chị N.Hạnh vừa chọn đều không có nhãn mác, địa chỉ cụ thể.

 

Khi PV hỏi thêm về chất lượng các loại đường này, chị chủ quầy cho biết: "Cứ yên tâm mà dùng. Nếu không hài lòng mang lại đây, tôi đền cho cái khác".

 

Nhiều món ăn ngọt ngon nhờ đường… hóa học độc - 2

Loại đường giống B1 được ưa chuộng dùng cho vào phở

 
Trao đổi thêm với chị N.Hạnh, PV được chị tận tình hướng dẫn về công thức pha chế nước phở với loại đường hóa học: “Để nước phở trong, có vị ngọt đậm còn tùy thuộc vào mức độ nước hầm xương là bao nhiêu. Nhưng trung bình, một nồi nước khoảng 10 lít thì cho vào từ 30 - 35 viên đường hóa học (dạng viên thuốc B1)  là vừa đủ đậm và ngọt. Ngoài ra, loại đường này đã tổng hợp nhiều phụ gia khác nên cũng không cần dùng nhiều hạt nêm, mì chính”. “Khách ăn và khen ngon thế là đủ lượng”, chị Hạnh nói chắc như đinh đóng cột.

 

Phanh phui nhiều loại kem,  sữa đậu nành, thạch, ô mai ngọt dởm

 

Chị T.M, tiểu thương chợ Mỹ Đình khẳng định, dùng đường hóa học một vốn bốn lời: “Hàm lượng ngọt của nó cao nên sẽ đỡ tốn tiền hơn so với loại đường mía. Chỉ cần mua 0,5g với giá 15.000 đồng là có một nồi chè to để bán. Tuy nhiên, khi chế biến không nên chỉ dùng đường hóa học vì nó sẽ tạo ra vị ngọt hắc, có vị hơi chát và hơi có vị đắng. Vì vậy, nên dùng thêm đường mía khi pha chế thêm để chè ngọt, ngon hơn”.
 

 

Nhiều món ăn ngọt ngon nhờ đường… hóa học độc - 3

Vị ngọt lợ sau khi ăn xong, đặc biệt là khi uống nước, khiến nhiều người nghi rằng ô mai có nước ngọt

 
Đồng quan điểm với chị T.M, chị Thanh Tân (trú tại Hà Nội) cũng cho biết, khi ăn ô mai, chị cũng cảm nhận được vị ngọt hắc. “Nếu là đường mía thì không thể ngọt được như vậy", chị Tân nói.

 

Trên thực tế, ngày 17/5 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau đã phát hiện kem tại điểm bán số 41, ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau (Cà Mau) sử dụng đường hóa học cyclamat (hiện cấm sử dụng tại Việt Nam). Chủ cửa hàng khai kem được mua từ một đại lý ở Tiền Giang và phân phối cho các người bán dạo trong tỉnh Cà Mau.  

 
Nhiều món ăn ngọt ngon nhờ đường… hóa học độc - 4

Toàn bộ các túi sữa đậu nành này đã bị thiêu hủy do chứa đường hóa học và không đảm bảo vệ sinh

 
Không chỉ kem, mà sữa đậu nành cũng bị phát hiện chứa đường hóa học cyclamate.  Ngày 15/4, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (CSPCTP) về môi trường, Công an tỉnh Thái Bình, đã kiểm tra phát hiện bán 6 thùng sữa đậu nành (loại 40 gói/thùng, mỗi gói khoảng 200ml) thương hiệu 199 Hoàng Hà có chứa đường cyclamate tại cửa hàng của anh Đoàn Văn Thức ở thôn Mỹ Am, Vũ Hội, Vũ Thư. Mở rộng điều tra, Phòng CSPCTP về môi trường phát hiện tại kho hàng của anh Phạm Văn Long, 36 tuổi, trú tại 245, tổ 22, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình cất giữ 563 thùng sữa đậu nành cùng loại như trên. Sữa đậu nành thương hiệu 199 Hoàng Hà là của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hoàng Hà ở Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.
 

 

Nhiều món ăn ngọt ngon nhờ đường… hóa học độc - 5

Kẹo hết đát cùng đường hóa học được chuyển hóa thành... thạch

 
Trước đó, một vụ việc dùng đường hóa học cyclamate vào thạch cũng bị phanh phui. Tại Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hà Thành (109 phố Trường Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), đoàn kiểm tra vệ sinh liên ngành đã niêm phong, thu giữ hơn 2 tấn thạch các loại cùng 12kg đường. Công ty có dấu hiệu đã sử dụng đường cyclamate. Đoàn đã lấy mẫu gửi cơ quan chức năng giám định.

 

Đến mắm và cà phê cũng dùng cyclamate

 
Nhiều món ăn ngọt ngon nhờ đường… hóa học độc - 6

Cà phê cũng cho hóa chất để thêm đậm đà

Cơ sở chuyên rang cà phê Thái Dương (khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) đã sử dụng đường hoá học cyclamate để chế biến cà phê. Chủ cơ sở thừa nhận, đã sử dụng đường cyclamate để chế biến cà phê với tỷ lệ 1 kg đường cyclamate pha chế, chế biến với 600 kg cà phê. Điều này khiến nhiều người thích uống cà phê thấy lo lắng, bởi đây là loại đường đã từng được cảnh báo tiềm ẩn nhiều độc hại cho sức khoẻ. Đoàn kiểm tra đã đề nghị tiêu huỷ toàn bộ 198 kg đường cyclamate và 6 kg đường viên không rõ nguồn gốc phát hiện tại cơ sở này vào ngày 9/5.

 

Một sản phẩm mà không ai nghĩ dùng đường hóa học, hóa ra lại bị “nhồi” cyclamate là nước mắm. Cách đây ít lâu, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm sở Y tế TPHCM đã thanh tra một cơ sở sản xuất nước mắm ở quận Bình Tân. Đoàn thanh tra phát hiện 120 chai nước mắm loại 20ml; 168 chai siêu hạng loại 350ml; sáu chai loại 720ml... đều được chế biến bằng đường hóa học cyclamate.

 

Cơ quan chức năng đã niêm phong, yêu cầu cơ sở vi phạm tiến hành thu hồi sản phẩm cùng loại ngoài thị trường, tiêu huỷ toàn bộ.
 
Kỳ 2: Đường cyclamate độc đến đâu?
Theo Thái Vy
VTC