1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Buông lỏng nhà đất công là nuôi dưỡng tham nhũng

(Dân trí) - “Việc sử dụng nhà đất công để cho thuê hưởng lợi thực sự là không công bằng, là biểu hiện của tham nhũng. Nếu để chậm xử lí ngày nào thì thiệt thu ngân sách ngày ấy...”- Đại biểu Ngô Văn Ny “nâng tầm” vấn đề với Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển trong phiên chất vấn sáng nay.

Thanh tra như… kiểm tra

 

Hà Nội là một trong những địa phương giao thí điểm thanh tra công vụ và cải cách hành chính cũng là vấn đề trọng tâm của thành phố trong thời gian qua. Chính vì vậy, ông Lê Tiến Định, Giám đốc sở Nội vụ được chọn là người đăng đàn đầu tiên.

 

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng mở đầu bằng câu hỏi: "Các đoàn thanh tra của Thành phố đều báo trước về thời gian, địa điểm, vậy tương lai có thanh tra đột suất, thanh tra theo kiểu vi hành không?" Ông Hưng “đế” thêm rằng, các phóng sự của truyền hình cho thấy, có rất nhiều yếu kém trong việc thực hiện cải cách.

 

Ông Lưu Tiến Định đáp lại gọn lỏn: "Thanh tra theo kiểu vi hành là hết sức cần thiết!"

 

 Đại biểu Hưng bật dậy lần hai để “phê”: câu trả lời mới chỉ nói về phương pháp luận, không nói rõ là sẽ làm thế nào. Nhưng câu trả lời lần này cũng chỉ sơ sơ: "Các cơ quan ban ngành, các quận huyện cần phải làm ngay việc này."

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương đặt vấn đề, Sở Nội vụ chưa nói rõ được nguyên nhân của những sai phạm, xử lí với những sai phạm qua đợt thanh tra. Ứng vào trường hợp cụ thể, bà Phương hỏi về hình thức xử lí đối với việc 70% hồ sơ của Sở Qui hoạch & Kiến trúc thực hiện sai hạn. Ông Định đáp lại, việc không đúng thời hạn của Sở Qui hoạch kiến trúc là do thống kê, tổng hợp số liệu và sau đó đã sửa ngay! Cả hội trường rộ lên những tiếng xì xào.

 

Đại biểu Phạm Thị Thành, đạo diễn tên tuổi của sân khấu kịch nói, “bất thần” tung ra câu hỏi: Qua các kì họp của HĐND có những vị chịu trách nhiệm nọ chịu trách nhiệm kia, nhưng trình độ các vị quá kém. Có những vị trả lời chất vấn rất dở, vậy Sở Nội vụ có đánh giá một phần từ trả lời chất vấn của họ để tham mưu với Lãnh đạo Thành phố về công tác cán bộ?

 

Một câu hỏi mà như không hỏi!

 

Sau một hồi cả hội trường im phăng phắc, một đại diện cử tri không kìm được: “Không phải chỉ là đạo diễn trên sân khấu!” Còn người trả lời chỉ biết ậm ừ: Sở có trách nhiệm tham mưu với lãnh đạo thành phố về cán bộ cho tốt hơn. 

 

Bà Mai Sương chủ động “nối lại” vấn đề mình quan tâm: thanh tra kết luận như vậy là chưa thoả đáng, chưa phù hợp với mục tiêu của Thanh tra. “Các đồng chí đã tìm ra nguyên nhân của sai phạm ở Sở QH & KT chưa, nếu không tôi đề nghị bổ sung thêm vào nội dung của Thanh tra?” bà Phương hỏi. Ông Định vẫn bảo lưu ý kiến: chưa có sai phạm về đạo đức, chưa đến mức phải xem xét xử lí cán bộ.

 

“Trả lời không thoả mãn!” Đại biểu Tô Yên Khánh bật dậy. "Sở báo cáo lên thành phố là 73% hồ sơ giải quyết đúng thời hạn, nhưng khi thanh tra lại có tới 70% sai hạn mà chỉ giải thích như vậy là chưa được". Một đại biểu nhận xét, cách làm của Thanh tra giống như kiểm tra. Ông Định phải đưa thành phố ra giải nguy: Thành phố đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm. Sau đó Thành phố chỉ đạo tiếp, nếu có sai phạm nghiêm túc xử lí.

 

Đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, một trong những vấn đề cốt lõi của cải cách hành chính là vấn đề con người. Thế nhưng có những cán bộ không đủ phẩm chất, có sai phạm vẫn được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng và ông Tân không ngại ngùng nêu tên của những trường hợp cụ thể ở huyện Thanh Trì và quận Long Biên.

 

Ông Định không nhận trách nhiệm về mình: “Công tác cán bộ là của từng cấp. Tôi không có thẩm quyền để trả lời vấn đề cụ thể.”

 

Bà Ngô Thị Doãn Thanh nhận xét, phần trả lời của Giám đốc Sở Nội vụ chưa làm người chất vấn hài lòng.

 

Không rõ bao nhiêu nhà công thành… tư

 

Như đã hứa với phóng viên Dân trí, đại biểu Vũ Đức Tân đã mở đầu phiên chất vấn về quản lí tài sản nhà đất công: Có bao nhiêu biệt thự là tài sản công vàcó bao nhiêu đã chuyển thành của riêng?

 

Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển cho rằng, thành phố đang tiếp tục rà soát thống kê. Theo ông, sở dĩ điều này làm chậm vì các nhà đất công hiện đang nằm trong các cơ quancủa thành phố và cả các cơ quan trung ương.

 

Ông Tân đứng dậy lần thứ hai với câu mào đầu rất mềm mại: “Hình như anh Hiển trả lời không chính xác. Trong báo cáo trả lời cử tri Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn đã nói, thành phố đã có báo cáo với Bộ Xây dựng về vấn đề này. Báo cáo đã thông qua UB, đại biểu có được biết không?" Ông Hiển lâm vào thế bí: ?Anh Đôn sẽ trả lời đồng chí về vấn đề này?"

 

Trả lời sau đó, ông Lê Quý Đôn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, vẫn chưa có thống kê cụ thể nhưng hiện thành phố có khoảng trên 650 biệt thự công, trong đó có 43 biệt thự không được bán. Theo ông Đôn “trường hợp của ông Hoàng Văn Nghiên và Phan Văn Vượng là vấn đề nhạy cảm nên dư luận nổi lên thế”. Nhưng đến nay cả 2 căn biệt thự này vẫn thuộc sở hữu nhà nước, chưa có chủ trương nào cho bán. Thành phố cũng đã có chỉ đạo, chậm nhất là 31/12 tới phải thu hồi 2 biệt thự này để sử dụng phù hợp.

 

Trở lại phiên chất vấn ông Hoàng Mạnh Hiển, đại biểu Ngô Văn Ny cho rằng báo cáo của ông Hiển không đủ tầm để giải quyết thực tiễn và ông đặt vấn đề một cách mạnh mẽ: việc sử dụng nhà đất này để cho thuê hưởng lợi thực sự là không công bằng, là biểu hiện của tham nhũng. Nếu để chậm xử lí ngày nào thì thiệt thu ngân sách ngày ấy và là một hình thức nuôi dưỡng tham nhũng. Ông Hiển cho biết đã xác định được nhiều đơn vị để xảy ra chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, cho thuê kiếm lợi. Tới đây có chế tài xử lí, Thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, thanh tra để xử lí.

 

Cấn Cường - Phương Thảo