Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:

Tôi vẫn đối thoại hàng ngày với người dân

(Dân trí) - Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí xung quanh công tác cải cách hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ, vấn đề "nóng" hàng đầu trong các phiên chất vấn.

Trong kì họp này, rất nhiều đại biểu đã thẳng thắn cho rằng, Thành phố vẫn còn những cán bộ yếu kém. Đáng nói hơn nữa, không ít những cán bộ có sai phạm vẫn tiếp tục được cất nhắc, bổ nhiệm. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

 

Đánh giá cán bộ là công việc quan trọng, phải thực hiện thường xuyên. Cán bộ công chức, viên chức, nếu làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, ngược lại nếu làm dở phải xử lí nghiêm minh, phải kỉ luật.

 

Hàng năm, các đơn vị đều phải có nhận xét đánh giá, kiểm điểm cán bộ. Cán bộ lãnh đạo cũng cần kiểm điểm trước tập thể cơ quan. Những việc đột xuất vi phạm đến mức phải kỷ luật thì không nhất thiết phải chờ đợi đến 6 tháng, 1 năm hay đợi hết nhiệm kỳ mới xử lí.

 

Vừa qua báo chí đã nêu một số vụ việc cụ thể như cán bộ kiểm sát viên nhận hối lộ hay đồng chí này đánh đồng chí kia sai phạm, thành phố đã chỉ đạo phải làm đến nơi, đến chốn - sai đến đâu xử lý đến đó. Những việc liên quan đến cán bộ đảng viên, Ủy ban kiểm tra của Đảng sẽ xem xét, tuỳ tính chất vụ việc, tuỳ sai phạm có mức độ xử lý phù hợp.

 

Trong một hội nghị của Thành phố vừa qua, ông nói rằng mỗi cán bộ nên có  một sáng kiến chống tham nhũng? 

 

Đúng vậy! Khi họp Thường vụ góp ý cho Chương trình hành động của TƯ, tôi có nêu yêu cầu đó. Bởi tôi cho rằng, cán bộ không nên nói quá nhiều, không nên chép lại Nghị quyết của TƯ mà phải suy nghĩ xem trên quy định chung có thể vận dụng những gì. Từ đó, mỗi Uỷ viên Thường vụ cố gắng nghĩ ra một việc cụ thể để làm.

 

Vừa rồi, Thành phố  đã đưa ra thực hiện quy định như mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống không mời khách ngoài cơ quan, chỉ tổ chức mời khi chẵn 5 hoặc 10 năm. Việc sử dụng xe công, nếu có thể đi chung được thì nhất định không đi xe riêng, cho dù là cán bộ đủ tiêu chuẩn đi nữa. Cả Bí thư, Chủ tịch Thành phố đều phải đi chung một xe khi cùng xuống cơ sở làm việc. Tôi cho rằng, ở đây là ý thức của người sử dụng phương tiện công như thế nào cho hiệu quả.

 

Trong kì họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nói rằng, Thủ tướng sẵn sàng đối thoại với dân. Lãnh đạo Hà Nội thì sao, thưa ông?

Tôi nghĩ nếu đối thoại với dân được theo định kỳ là rất tốt và trên thực tế, lãnh đạo thành phố luôn sẵn sàng đối thoại khi có vấn đề. Nhà tôi ngày nào cũng có người đến đưa đơn, trình bày việc này, việc kia. Thực tế là tôi đã đối thoại hàng ngày với người dân để giải quyết công việc…

 

Thành phố vẫn còn những điểm nóng, chẳng hạn như nút giao thông Thanh Xuân. Vậy ông có “ vi hành” đến đó không?

 

Thực tế, những điểm bức xúc như nút giao Thanh Xuân và nhiều nơi khác tôi đều đã đến trực tiếp. Tôi thấy quá trình chuẩn bị dự án bút giao này có phức tạp, tính nhất quán của quy hoạch, kế hoạch không được tốt ngay từ ban đầu. Vì vậy, một mặt có thể người dân không hoàn toàn đầy đủ thông tin, mặt khác có người thấy đề xuất của cơ quan này, cơ quan kia có lợi cho họ thì họ nắm lấy thông tin đó để khiếu kiện. Nhưng cũng có những người lại muốn theo phương án khác.

 

Thực tế này cho thấy, chất lượng của công tác lập  quy hoạch, kế hoạch của một số dự án cụ thể còn yếu. Đây là điều mà thành phố cần tiếp tục phấn đấu, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

 

Cấn Cường (ghi)