Bên trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường ở TPHCM
(Dân trí) - Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) quy mô 1.000 giường chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/7 mang đến cơ hội sống cho nhiều F0 nguy kịch.
Ngày 15/7, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chuyên điều trị các ca bệnh chuyển biến nặng, nguy kịch chính thức đi vào hoạt động. Bệnh viện được xây dựng trên nền cơ sở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức).
Nhân lực hiện tại của bệnh viện gồm 340 bác sĩ, 1.050 điều dưỡng chuyên môn, lực lượng hỗ trợ khoảng 500 nhân viên. Đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện là lực lượng tinh nhuệ nhất đến từ 3 bệnh viện lớn của thành phố gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Hiện tại, bệnh viện đang điều trị khoảng 60 bệnh nhân hồi sức nguy kịch và thu dung gần 100 trường hợp hồi sức nặng. Trong các bệnh nhân nguy kịch, 50 trường hợp phải thở máy, 10 bệnh nhân thở oxy dòng cao, 6 người phải lọc máu liên tục, một ca phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Anh Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chia sẻ: "Ngoài ra, bệnh viện còn bổ sung các bác sĩ tinh nhuệ đến từ các bệnh viện Trung ương do Bộ Y tế cử vào, huy động lực lượng từ các bệnh viện bạn và các bệnh viện tỉnh khu vực phía Nam. Đây là bệnh viện chiến đấu cho cả khu vực phía Nam chứ không riêng TPHCM".
"Đến nay, đã có 533 cán bộ đến từ các bệnh viện như: Chợ Rẫy, Nhân dân 115, bệnh viện Gia Định, Ung bướu, các bệnh viện Trung ương cử vào như Sở Y tế Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Phòng… khi nào đủ điều kiện chúng tôi sẽ mở rộng số giường và chắc chắn sẽ bổ sung thêm nhân lực" ông Tuấn nói thêm.
Sau 20 ngày hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang, bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu) cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục có mặt ở Bệnh viện Hồi sức Covid -19, giành lấy "phao cứu sinh" cho nhiều bệnh nhân nguy kịch.
Theo ông Tuấn, vấn đề điều trị là quan trọng nhất của bệnh viện nhằm đảm bảo cho các bệnh viện tuyến dưới, đảm bảo mục tiêu và hạn chế tình trạng tử vong do Covid-19. Đây không phải là trách nhiệm riêng của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 mà là trách nhiệm của thành phố và toàn ngành y tế nói chung.
Một bệnh nhân nguy kịch được chuyển đến từ Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 được các bác sĩ khẩn trương đưa vào khu hồi sức, chuẩn bị đặt ECMO, thở máy, lọc máu...
Công tác hồi sức diễn ra liên tục để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế ngoài việc thường xuyên theo dõi sức khỏe bệnh nhân thì tại giường săn sóc đặc biệt được bố trí các hệ thống máy như: Máy theo dõi huyết áp, máy chạy thận, hệ thống khí nén trung tâm… cho những bệnh nhân nguy kịch.
Tại các giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm. Trong đó có 100 giường săn sóc đặc biệt được bố trí thêm hệ thống khí nén trung tâm - một yêu cầu không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.
Oxy, máy thở là những thứ rất quan trọng đối với bệnh nhân Covid-19, kể cả nơi điều trị bệnh nhân nhẹ, đề phòng đổi trạng thái sang nặng, nhất là đối với người có bệnh nền.
Điều dưỡng Khoa hồi sức đang kiểm tra lại các loại thuốc dùng cho các bệnh nhân nguy kịch. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc điều trị giành lại sự sống cho bệnh nhân, việc kiểm tra thuốc được thực hiện đến 3 lần: Kê đơn, kiểm tra chi tiết trước khi tiêm, sau tiêm tiếp tục kiểm tra lại để quá trình điều trị cho bệnh nhân chính xác, đúng liều lượng.
Liên tục đi lại để theo dõi sức khỏe bệnh nhân, điều dưỡng Nguyễn Hữu Phước chia sẻ: "Covid-19 như một kẻ thù vô hình, mỗi động tác phải hết sức cẩn thận, chúng tôi luôn giữ gìn sức khỏe, có sức khỏe mới chăm sóc tốt cho các bệnh nhân".
"Ngày rời Chợ Rẫy sang đây nhận nhiệm vụ, chúng tôi nói với nhau có lẽ đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời của mình. Chúng tôi cũng mong đây sẽ là trận chiến cuối cùng", bác sĩ Linh hy vọng.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hình thành từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, nơi điều trị cho những bệnh nhân nguy kịch, nặng, góp phần trong việc thực hiện chiến lược "hạn chế bệnh nhân tử vong" của TPHCM.