Những tỉnh có diện tích nhỏ, dân số ít nhất có vào "tầm ngắm" sáp nhập?
(Dân trí) - 3 tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam và Hưng Yên có diện tích nhỏ nhất ở Việt Nam hiện nay, không đủ tiêu chuẩn về diện tích theo quy định về đơn vị hành chính cấp tỉnh, liệu có vào "tầm ngắm" sáp nhập?
Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tỉnh miền núi, vùng cao có tiêu chuẩn về dân số từ 900.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên. Các tỉnh còn lại có tiêu chuẩn về dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5.000km2 trở lên.
Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh phải từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.
Nếu dựa theo tiêu chí này, rất nhiều tỉnh, thành phố hiện nay không đủ tiêu chuẩn về quy mô dân số hoặc diện tích tự nhiên; nhiều tỉnh không đáp ứng được cả 2 tiêu chí.

Tỉnh Bắc Ninh có diện tích nhỏ nhất ở Việt Nam với 822,70km2 nhưng dân số gần 1,5 triệu người, xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng dân số Việt Nam (Ảnh: Người Kinh Bắc).
Thực tế, từ năm 2021 khi Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, 20 tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất và dân số ít nhất ở Việt Nam, không đáp ứng được các tiêu chí nêu trên đã "vào tầm ngắm" để thảo luận, nghiên cứu phương án sáp nhập.
20 tỉnh đó gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Nông, Ninh Thuận, Hậu Giang (dân số thấp hơn tiêu chuẩn); Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ, Vĩnh Long (diện tích nhỏ hơn tiêu chuẩn).
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có diện tích 331.690km2, đứng thứ 65 trên thế giới. Trong đó, tỉnh Nghệ An có diện tích rộng nhất với 16.493,70km2, đứng tiếp sau là tỉnh Gia Lai (15.510,80km2), Sơn La (14.123,50km2), Đắk Lắk (13.030,50km2) và Thanh Hóa (11.114,70km2).
Tỉnh Bắc Ninh có diện tích nhỏ nhất với 822,70km2; ngay tiếp đó là tỉnh Hà Nam (860,90km2), Hưng Yên (930,20km2), Vĩnh Phúc (1.235,20km2), Đà Nẵng (1.284,90km2)...
Mặc dù vậy, Bắc Ninh lại không phải tỉnh có dân số thấp nhất ở Việt Nam. Thống kê năm 2022 cho thấy, tỉnh này có dân số gần 1,5 triệu người, xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng dân số Việt Nam.
Bắc Ninh cũng là tỉnh năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước năm 2030 tỉnh này phấn đấu có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong (hiện nay có 2 thành phố là Bắc Ninh và Từ Sơn).

Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Ninh, địa phương có diện tích nhỏ nhất ở Việt Nam. Bắc Ninh tiếp giáp với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và TP Hà Nội. (Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Ninh).
Nếu thống kê rộng hơn sẽ thấy nhiều tỉnh có dân số dưới mức quy định tối thiểu cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh là 900.000 người, gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Đắk Nông, Kon Tum, Ninh Thuận, Hậu Giang.
Các tỉnh có diện tích dưới mức quy định tối thiểu cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh (5.000km2), gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

20 tỉnh có diện tích nhỏ nhất ở Việt Nam, đơn vị km2 (Nguồn: Thống kê).
Có 13 tỉnh không đạt đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số theo tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp nêu trên, gồm: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Ngoài ra, một số tỉnh lại không đáp ứng yêu cầu về số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là từ 9 đơn vị trở lên, như: Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long...

20 địa phương có dân số thấp nhất hiện nay (Nguồn: Thống kê).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng việc nghiên cứu sáp nhập các tỉnh liền kề nhau sẽ phải xem xét các tiêu chí về dân số và diện tích đầu tiên theo quy định.
Sau đó, theo ông Dĩnh, mới xem xét tới các yếu tố khác như truyền thống văn hóa, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán,… như đã từng làm khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập các huyện.
"Tôi cho rằng việc nghiên cứu sáp nhập cấp tỉnh phải làm đồng bộ, tiến hành ngay, vì nếu tiến hành xóa cấp huyện thì phải đồng thời làm luôn ở cấp tỉnh nếu không sẽ không tương ứng, không thống nhất, đồng bộ", ông Dĩnh nêu quan điểm.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh việc nghiên cứu bỏ cấp huyện và sáp nhập các tỉnh là phù hợp với mô hình phát triển trên thế giới.
Các nước phát triển trên thế giới chủ yếu tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã. Chính quyền trung gian (cấp huyện) do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện.
Việt Nam hiện có 63 tỉnh, thành phố (57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế).
Tính đến hết năm 2024, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị cấp huyện trên cả nước từ 705 đơn vị đã giảm xuống còn 696 đơn vị (giảm 9 đơn vị).
Kết luận số 126 về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 vừa được Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan cần đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan đến sáp nhập tỉnh, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III năm nay.

Đồ họa: Thủy Tiên