TPHCM: Chậm tiếp nhận F0, bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến nhiều hậu quả xấu

Quang Huy

(Dân trí) - Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, số ca F0 tăng nhanh đang tạo áp lực cho ngành y tế. Còn việc chậm tiếp nhận F0 làm tăng khả năng bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến nhiều hậu quả xấu.

Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại địa phương có nhiều diễn biến phức tạp, toàn thành phố đã bước vào ngày thứ 9 thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Thực hiện các biện pháp quyết liệt, siết chặt kỷ luật và không để thiếu vật tư, trang thiết bị cho các bệnh viện - là thông điệp xuyên suốt được Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 gửi gắm tới TPHCM trong buổi làm việc.

TPHCM: Chậm tiếp nhận F0, bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến nhiều hậu quả xấu - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM siết chặt lại kỷ luật trong phòng, chống Covid-19.

Áp dụng ứng dụng công nghệ trong điều phối F0

Báo cáo tại buổi họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh điều đáng quan tâm nhất của công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn hiện tại là tập trung điều trị cho bệnh nhân nặng, ngăn chặn, giảm tới mức tối thiểu trường hợp tử vong. 

Hiện tại, các quận, huyện của TPHCM đều có khu vực cách ly tạm thời cho bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, còn trường hợp các bệnh viện tuyến trên chậm tiếp nhận các bệnh nhân cách ly tạm thời khi họ trở nặng. 

"Trước tình hình đó, thành phố đã xây dựng bản đồ các khu cách ly tạm thời, các bệnh viện điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, triệu chứng nặng. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống sẽ điều phối các ca F0 trên toàn thành phố đến bệnh viện phù hợp nhất. Trung tâm cấp cứu 115 thành phố sẽ quản lý, vận hành hệ thống này", Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.

TPHCM: Chậm tiếp nhận F0, bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến nhiều hậu quả xấu - 2

TPHCM đã chấn chỉnh việc chậm tiếp nhận F0 nặng (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

UBND TP đã có công văn chỉ đạo tất cả bệnh viện cần tiếp nhận bệnh nhân nếu còn giường. Việc chậm trong khâu tiếp nhận có thể khiến tăng khả năng chuyển nặng của các F0 và dẫn đến nhiều hậu quả xấu khác.

Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận số ca F0 tăng nhanh trên địa bàn đang tạo áp lực cho ngành y tế. Thành phố đã thiết lập thêm bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng với hơn 1.000 giường tại TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, thành phố còn năng lực điều trị với khoảng 600 giường tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, TPHCM đã báo cáo Chính phủ và Bộ Quốc phòng, thiết lập bệnh viện chữa trị Covid-19 tại Bệnh viện 175. Hiện tại, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận đề xuất trên.

Xử lý nghiêm nếu không thực hiện đúng chỉ đạo

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, còn một số nơi trên địa bàn thành phố chưa thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách.

Ông nêu một hình ảnh những khu phố yên ắng chợt xuất hiện cảnh tập trung đông khi diễn ra hoạt động phân phối hàng hóa, thức ăn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố đề nghị các cấp chính quyền cần tăng cường kiểm tra, phân công lực lượng tại chỗ, các hoạt động tự quản. Những hoạt động có thể dẫn đến tụ tập tại khu phong tỏa, cách ly cần được nắm rõ và lên kế hoạch cụ thể.

"Vấn đề này rất khó quản lý nhưng không phải không làm được. Chúng ta cứ truy vết, xét nghiệm tầm soát nơi này, nơi khác nhưng có một số chỗ vẫn tồn tại vấn đề như vậy sẽ khó kết thúc dịch bệnh trong thời gian đã đề ra", Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý. 

TPHCM: Chậm tiếp nhận F0, bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến nhiều hậu quả xấu - 3

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành chỉ đạo cấp trên trong phòng, chống Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, qua công tác kiểm tra, nơi nào không chấp hành, không thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên cần xử lý nghiêm khắc. Đối với những trường hợp đã xử lý nhưng vẫn vi phạm cần xử lý nghiêm hơn, cách chức hoặc đề nghị cách chức để việc thực hiện chỉ đạo được toàn diện hơn, đặc biệt đối với những nơi có dấu hiệu lây nhiễm cao.

Tính đến ngày 17/7, TPHCM đang điều trị cho 20.880 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó, 306 bệnh nhân nặng đang được thở máy, 8 bệnh nhân cần can thiệp ECMO.

Tính từ 18h30 ngày 16/7 đến 6h ngày 17/7, TPHCM ghi nhận thêm 1.769 ca mắc Covid-19. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, toàn địa bàn có hơn 25.000 bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố.