PhotoStory

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội

(Dân trí) - Đình Tường Phiêu (Phúc Thọ, Hà Nội) là di tích quốc gia đặc biệt mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu về vật thể và phi vật thể.

Vũ điệu rồng trong đình Tường Phiêu

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 1

Đình Tường Phiêu (Phúc Thọ, TP Hà Nội) được xây dựng nhìn về hướng Tây Nam - hướng người xưa chọn để nhìn được ngọn núi Ba Vì. Đình thờ 4 vị Thành hoàng làng là: Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 2

Bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ "Nhất", chia làm 3 gian 2 chái, trông giống như một ngôi nhà sàn lớn cách điệu uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái và các đầu đao cong.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 3

Nghệ thuật trang trí điêu khắc rất tinh xảo, chủ yếu tập trung ở tòa Đại đình, trên bờ nóc là hình tượng "lưỡng long chầu nhật" với thân rồng được gắn mảnh sứ, đó là sản phẩm của đầu thế kỷ XX. Bờ chảy của mái đình chạy vuông góc với bờ nóc phía trên.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 4

Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa kiến trúc vẫn giữ được theo kiểu chữ "Nhất" từ khi xây dựng. Trong ảnh là một phần chi tiết chạm khắc trên cột đá ong mới được xây dựng ở phạm vi bên ngoài cổng đình.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 5

Kỹ thuật chạm trên kẻ hiên đều chạm theo lối bong kênh và chạm nổi. Nét chạm dứt khoát nhưng không kém phần mềm mại và khúc triết, có khả năng diễn tả những chi tiết hình nét rõ ràng, thể hiện rõ được kỹ xảo của nghệ nhân thời xưa. Mỗi kẻ hiên được trang trí các đề tài phong phú khác nhau như: hình sóng nước, vân mây… xen lẫn là hình tượng những con vật: Ngựa, rùa chở lạc thư, lân, rồng.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 6

Đình Tường Phiêu sử dụng nguyên liệu gỗ lim để xây dựng nên giới hạn về cao độ trong kết cấu được xóa bỏ, tạo cho đình Tường Phiêu đạt đến "tỉ lệ vàng" đăng đối cả về chiều rộng, chiều cao và chiều sâu. 

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 7

Hình tượng Rồng ở các bức chạm khắc là một nét khác lạ ở Tường Phiêu, các nét đao mác được thể hiện thưa, kích cỡ lớn, trên nền đao mác là những hàng trang trí, tỉa nét rất sắc xảo, tinh tế.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 8

Chạm rồng đình Tường Phiêu tuy có đặc trưng của thế kỷ XVII nhưng lại phảng phất phong cách thời Mạc, thế kỷ XVI. Ngoài ra đình vẫn giữ được nhiều mảng chạm quý nói về cảnh sinh hoạt bình dị của người dân đương thời như mảng chạm người đội lễ lên đình, linh thú, hay các đề tài thần tiên như tiên nữ, tiên cưỡi rồng… rất sinh động.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 9

Mảng chạm "đội lễ lên đình"

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 10

Đường nét trang trí trên đao mác hòa nhịp ăn ý với các đường vân xoắn trên đầu và chân rồng, tạo thành mảng chạm hoàn chỉnh, đẹp như một kiệt tác.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 11

Các bức cốn trong tòa Đại đình còn được chạm trổ công phu với các đề tài: "Rồng mẫu tử" (rồng mẹ và rồng con), chim phượng, hươu, lân… Hình tượng lân ở đây rất gần với đồng loại ở những di tích đã được xác định phong cách thời Mạc.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 12

Các đầu dư được tạo tác biến thể thành đầu rồng: Miệng loe, mắt lồi, có tai như tai dơi, tóc râu hình đao mác mảnh, sắc bén, mềm mại và tinh xảo được bay sang hai bên là một sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đao lượn sóng dài và đao mác một cách nhẹ nhàng.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 13

Bàn thờ chính được làm lửng nơi gian giữa của đình, là nơi thờ Thành hoàng làng.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 14

Bộ cửa võng của đình cho thấy kỹ thuật chạm điêu luyện.

Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội - 15

Tường Phiêu còn có hội đình, diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) của các năm có chi Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Đặc biệt hội đình có phong tục dựng bốn cây đuốc lớn bằng tre cao khoảng 10 m gọi là "đình liệu" đốt soi đường để rước kiệu Thánh đi.