(Dân trí) - Những ngôi đình cổ xứ Đoài và xứ Kinh Bắc luôn được coi là di sản kiến trúc dân gian quý báu, tạo nên giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo cho vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ.
NHỮNG NGÔI ĐÌNH CỔ MANG KIẾN TRÚC DÂN GIAN ĐỘC ĐÁO NHẤT ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
Những ngôi đình cổ xứ Đoài và xứ Kinh Bắc luôn được coi là di sản kiến trúc dân gian quý báu, tạo nên giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo cho vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) còn được gọi là đình Báng là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến ngày nay. Mái đình tỏa rộng, nét đồ sộ của những đầu đao, quy thức thích nghi với khí hậu gió mùa, và trang trí điêu khắc dày đặc. Xưa còn câu truyền miệng: "Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm".
Được xây dựng thời hậu Lê, kéo dài 36 năm, từ năm 1700 đến 1736 mới hoàn thành. Tòa đại đình đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ, còn gọi là kiểu "chữ đinh" 丁. Tòa đại đình dài 20m, rộng 14m, cao 8m. Riêng phần mái rủ xuống chiếm tới 5,5m trên tổng chiều cao.
Đình có kết cấu hệ kèo kiểu chồng rường, gồm 7 gian 2 chái, dựng trên nền cao có thềm bó đá xanh. Đặc biệt, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 70cm so với mặt nền. 6 hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 55cm (với cột con) đến 65cm (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh.
Nội thất được chạm khắc trang trí với chủ đề đa dạng như rồng, phượng, tùng, mai, trúc, bầu rượu, thanh gươm. Đặc biệt hình tượng rồng chiếm tỉ lệ lớn, khoảng 500 hình.
Bộ cửa võng và tấm trần che của gian chính điện được chạm trổ công phu. Trên ván nong, phía dưới bao lơn của hàng cột cái và cột con có một bức chạm hình "Bát mã quần phi" (Bầy ngựa tám con đang phi) với các dáng điệu rất sống động. Trong đình có nhiều bức hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng. Xứng đáng với danh hiệu tuyệt tác kiến trúc xứ Kinh Bắc.
Còn tại xứ Đoài, đình Chu Quyến (Ba Vì, TP Hà Nội) lại là một đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp đình cổ miền Bắc. Đình còn được gọi đình Chàng, niên đại cuối thế kỷ 17, tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống thời hậu Lê.
Cấu trúc mặt bằng kiểu "chữ Nhất" (一), tức là hình chữ nhật nằm ngang, chạy dài 30m. Kiến trúc 3 gian 2 chái trên diện tích 395m2. Bộ khung gỗ kiểu chồng rường truyền thống, với đầy đủ 6 hàng cột: 2 hàng cột cái (đường kính 60-81cm), 2 hàng cột quân (50cm), 2 hàng cột hiên (50cm), đối xứng với nhau qua trục dọc nhà. Khung cột kiểu "Thượng thu hạ thách".
Trên hệ kết cấu khung gỗ là những tác phẩm điêu khắc dân gian tinh xảo, miêu tả các cảnh chọi gà, gảy đàn, hát múa dân gian, người cưỡi hổ, cưỡi ngựa, các họa tiết trang trí linh vật như: phượng mẹ và đàn phượng con, rồng là đề tài chủ đạo ở đây và được thể hiện bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau.
Khác với đình làng Đình Bảng, đình Chu Quyến là một không gian kiến trúc mở. Sàn gỗ ở độ cao cách mặt đất 80cm, với 3 cấp để dân làng ngồi theo thứ bậc, chức sắc và tuổi tác, mỗi khi sinh hoạt cộng đồng. Hậu cung, nơi thờ thành hoàng làng Nhã Lang, cũng không được làm tách riêng, mà nằm ngay trong gian giữa (chính điện) tại vị trí các cột cái và cột quân phía sau gian trung tâm tòa đại đình.
Cùng với các ngôi đình khác nằm trên vùng đất xứ Đoài như: đình Thổ Tang, đình Hương Canh (Vĩnh Phúc), đình Tây Đằng, đình So (Hà Nội)... và một loạt các đình với số lượng lớn còn tồn tại đến ngày nay, đình Chu Quyến đã góp phần tạo thành một giá trị phong cách kiến trúc nổi bật ở một xứ nằm phía Tây Thăng Long, xứng với câu thành ngữ tục ngữ: "Cầu Nam - chùa Bắc - đình Đoài"
Đình So (thuộc làng So, xã Cộng Hòa, Quốc Oai, TP Hà Nội) tọa lạc trên vùng đất đắc địa, tiền hướng sông hậu tựa núi. Đình So được coi như điểm tụ thủy - tụ phúc cho dân làng. Trong ảnh là cổng tam quan với một dãy bậc thang đá 18 cấp dẫn xuống hồ bán nguyệt.
Bên trong đình là không gian cao rộng gồm 7 gian 2 chái, đại điện nằm chính giữa ở khu vực "lòng thuyền" là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dịp hội hè, lễ tết. Quy mô kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2. Tổng cộng tất cả tòa ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ.
Các mảng chạm khắc được tích hợp nhiều phong cách khác nhau tạo ra sự đa dạng trong trang trí. Từ chạm nổi hoa lá cách điệu: tùng, trúc, cúc, mai đến chạm bong hình tượng rồng, nghê tạo nên không gian đa chiều kiến trúc.
Trong đình hiện còn giữ được 40 đạo sắc phong thần từ năm Hoằng Định 2 (1601) thời nhà Lê đến năm Khải Định 9 (1924) thời nhà Nguyễn, cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ. Bởi vậy năm 1980, đình So đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia cần được bảo tồn.
Tọa lạc trên mảnh đất có non nước hòa quyện, phía trước là dòng sông Đáy nằm ngoài con đê bao, phía bên trái là núi Rồng (thuộc xã Đông Quang); phía bên phải là núi Phượng và sau lưng là núi Rùa. Thế đất này được coi là lý tưởng. Theo cách người xưa thường nói là có: "Sơn chầu thủy tụ", có "tiền án, hậu chẩm"; có "tay long, tay hổ"; có " minh đường, não đường"... một thế đất chuẩn mực theo quan niệm phong thủy.
Đình làng Diềm (Hòa Long, Bắc Ninh) xây dựng năm 1692, có bức cửa võng được giới chuyên môn đánh giá là "độc nhất vô nhị" ở xứ Kinh Bắc. Kỹ thuật trạm khắc điêu luyện, kết cấu nhiều tầng tạo thành nhiều lớp lang mang đến vẻ đẹp uy nghi lộng lẫy. Tháng 1/2020, bức cửa võng đã được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Toàn bộ cửa võng cao 7 mét bao gồm 4 tầng đều được chạm khắc tinh xảo hình rồng xuyên suốt, bao gồm các kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, chạm thủng. Các hình tượng chủ yếu bao gồm: rồng, tiên nữ, hoa sen, chim phượng, cây lá thể hiện chân thực cảnh sinh hoạt nông thôn.