(Dân trí) - Không gian bảo tàng biệt động Sài Gòn không lớn nhưng lại lưu giữ rất nhiều ký ức, di vật và cả những “trận đánh để đời” đều được tái hiện lại nhờ công nghệ trình chiếu 3D.
Tái hiện những trận đánh để đời
Trận đánh tàu sân bay USNS Card cũng được giới thiệu trọng điểm tại đây. Cái tên Lâm Sơn Náo đã trở nên nổi tiếng vì đây gần như là trận đánh duy nhất trên thế giới mà có thể dùng vũ khí thông thường đánh chìm tàu sân bay hộ tống của Mỹ.
Theo sử liệu tại bảo tàng công nghệ Biệt động Sài Gòn, trận đánh tàu sân bay tuần duyên USNS Card được ghi chép lại và thể hiện sinh động trên bảng thông tin thông minh. Theo sử liệu, tối ngày 1/5/1964, được tin tàu sân bay tuần duyên USNS Card cập cảng Sài Gòn, chiến sĩ biệt động Lâm Sơn Náo (tức Ba Náo) được lệnh cùng đồng đội là ông Nguyễn Phú Hùng (tức Hai Hùng) bàn kế hoạch đánh tàu. Là thợ điện ở cảng này, ông Ba Náo rất thông thạo các vị trí trong cảng nên được giao nhiệm vụ này.
Khi ra giữa sông, bị tàu tuần tra của cảnh sát đuổi theo, biệt động Ba Náo và Hai Hùng chèo về bờ Thủ Thiêm, đẩy xuồng vào bãi sình. Tàu cảnh sát không vào được, phát loa gọi ra, khi đó ở trên bờ dân vệ nghe thấy cũng chạy ra đòi kiểm tra.
Trước tình huống nguy kịch, ông Ba Náo nhanh trí nói đang đi mua radio lậu từ tàu nước ngoài, đã trả tiền trước, nếu lấy được sẽ chia cho hai nhóm. Nghe được chia phần, đám cảnh sát trên tàu đồng ý, còn rọi đèn pha cho hai người qua và đậu giữa sông canh chừng hải quân.
Được đi tiếp, ông Ba Náo điều khiển xuồng tới gầm cầu cảng, nơi chiếc tàu sân bay tuần duyên USNS Card đang neo đậu. Ông cùng Hai Hùng buộc 2 khối thuốc nổ TNT (40kg/khối, kèm theo 2kg C4) vào 2 cọc gỗ cầu tàu.
Lúc 2h sáng ngày 2/5/1964, hai khối thuốc nổ được cài xong, thời gian điểm hỏa được ông Ba Náo rút ngắn vào 3h sáng cùng ngày. Xong việc, cả hai chèo xuồng quay lại bờ Thủ Thiêm, tàu cảnh sát vẫn chờ đòi chia phần. Để thoát thân, ông Náo viện lý do không lấy được hàng, hối lộ cho cảnh sát (lúc bấy giờ) gần 2.000 đồng rồi chèo xuồng về nhà chờ.
Đúng 3h sáng ngày 2/5/1964, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng cả hai biệt động Ba Náo và Hai Hùng đều giật mình khi nghe tiếng nổ lớn, chiếc tàu chiến dài hơn 150m, nặng trên 16.000 tấn chở 39 phi cơ và vũ khí các loại đã bị đánh chìm ở độ sâu 6m, thành tàu bị phá bề ngang 2m, chiều dài 8m, nước tràn nhanh làm 2/3 thân tàu bị chìm hẳn dưới đáy, 5 tên địch trên tàu thiệt mạng và 55 tên khác bị thương, nhiều máy bay, vũ khí trên tàu đều bị phá huỷ.
Trận đánh để đời của 2 chiến sĩ biệt động Sài Gòn lẫy lừng danh tiếng Ba Náo (kiêm thợ điện) và Hai Hùng (kiêm thợ hồ) đã đi vào huyền thoại được thực hiện đơn giản như thế trên chiếc màn hình nhỏ ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (145 Trần Quang Khải, quận 1). Để tìm hiểu kỹ hơn, du khách có thể xem thêm những đoạn phim tư liệu, hình ảnh về trận đánh này tại bảo tàng.
Dù không gian bảo tàng này khá nhỏ, chỉ là 1 căn nhà phố trên mặt tiền con đường khá sầm uất ở trung tâm thành phố nhưng nó lưu giữ rất nhiều ký ức, di vật và cả diễn biến của rất nhiều “trận đánh để đời” của lực lượng biệt động Sài Gòn bằng công nghệ trình chiếu 3D.
Khi khách đến tham quan bảo tàng này sẽ tải app bảo tàng thông minh về điện thoại, sau đó chọn hiện vật có trong bảo tàng thì lập tức xuất hiện hình ảnh nhân vật 3D thuyết minh thông tin về hiện vật, đặc biệt là người ảo này sẽ thuyết mình bằng thứ ngôn ngữ mà du khách lựa chọn ban đầu khi cài app.
Không gian kỷ vật “nhỏ mà nhiều”
Ngay căn nhà được tổ chức lại thành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn cũng chính là 1 chứng tích vì đây là 1 trong những địa điểm hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong thời gian hoạt động trong lòng địch.
Căn nhà này có lối vào ở tầng trệt khá nhỏ. Khách di chuyển trong bảo tàng sẽ được trải nghiệm cảm giác đi chiếc thang máy cổ đã có từ năm 1960 bằng gỗ.
Hầu hết không gian trong bảo tàng được phục dựng theo nguyên bản khi các chiến sĩ biệt động còn hoạt động ở đây với những đường nét kiến trúc, vật liệu, hoa văn, thiết kế cầu thang gỗ… theo phong cách Sài Gòn những năm 1950 -1960.
Tại đây, di ảnh của ông Trần Văn Lai - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những chiến sĩ biệt động huyền thoại cũng như người thân, bạn bè, đồng đội được đặt ở một góc trang trọng.
Những bảng thông tin thông minh cùng hướng dẫn viên ảo sẽ hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu về những sự kiện nổi bật liên quan đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ như chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và hoạt động của biệt động Sài Gòn…
Sau khi khảo sát bảo tàng công nghệ Biệt động Sài Gòn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết: “Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo dù quy mô không lớn nhưng sử liệu rất phong phú. Đây là xu hướng rất phù hợp với du khách có nhu cầu cao trải nghiệm những giá trị văn hoá truyền thống bằng công nghệ hiện đại. Sở Du lịch TPHCM mong muốn rằng những giá trị sản phẩm du lịch sẽ được bắt đầu từ những không gian trải nghiệm rất thực tế như thế này”.
Kỷ vật và hình ảnh được trưng bày nhiều nhất ở đây là những thông tin liên quan đến lực lượng biệt động Sài Gòn, cũng như những nhân vật chính yếu góp công vào chiến thắng lịch sử, thống nhất đất nước.
Thông qua kính thực tế ảo khi sờ vào từng hiện vật, khách tham quan sẽ được sống trong không gian hoạt động của biệt động Sài Gòn. Du khách sẽ có trải nghiệm khác lạ với không gian đúng chất thời chiến sĩ hoạt động nằm vùng khi nghe giới thiệu thông tin của từng hiện vật mà mình vừa thấy.
Chẳng hạn như đoạn dây xích bằng đồng dùng để kéo đạn lên súng trên chiến hạm L'Escarmouche, là kỷ vật của lính biệt động Trần Văn Hãng. L'Escarmouche là niềm tự hào của nước Pháp, từng tham gia trong thế chiến thứ hai rồi tham chiến tại Việt Nam, neo đậu tại Sài Gòn. Chiến hạm này từng bị ông Hãng và đồng đội tấn công năm 1946.
Hay chiếc xe đạp máy hiệu Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 của nữ giao liên Ngọc Huệ tặng cho bảo tàng. Chiếc xe này chính là phương tiện mà bà hay dùng để đưa thông tin, tài liệu cho lực lượng kháng chiến.
Còn trên kệ kia là những chiếc lon sữa Guigoz. Xưa người Sài Gòn sau khi dùng hết sữa sẽ tận dụng vỏ lon để đựng gia vị, thức ăn. Còn chiến sĩ biệt động thì tận dụng để cất thư mật.
Chỉ vào chiếc bàn trà đơn giản ở giữa phòng, ông Trần Vũ Bình (con trai chiến sĩ biệt động Năm Lai, chủ bảo tàng) giải thích: “Chiếc bàn trà này sẽ thể hiện cách biệt động liên lạc, trao đổi thông tin với nhau. Có thể hiểu, mọi người vẫn ngồi nói chuyện, bàn luận những vấn đề bình thường để tránh “tai vách mạch rừng” nhưng trên bàn có thể ám hiệu bằng cách để bao thuốc lá, cây tăm bẻ đôi…”.
Phạm Nguyễn - Xuân Hinh
Chỉ đạo thực hiện: Lý Toàn Thắng - Biên Tập: Tùng Nguyên