(Dân trí) - "Suốt thời gian quay phim, tôi đều mang tâm lý "có lỗi với chồng", tôi luôn luôn nhường nhịn chồng, anh bảo sao tôi nghe vậy", "Người đàn bà nghịch cát" - NSND Minh Châu trải lòng với PV Dân trí.
NSND Minh Châu: "Cảnh nóng" vai gái điếm khiến cuộc hôn nhân... rẽ sang hướng khác
Suốt thời gian quay phim, tôi đều mang tâm lý "có lỗi với chồng", tôi luôn luôn nhường nhịn chồng, anh bảo sao tôi nghe vậy", "Người đàn bà nghịch cát" - NSND Minh Châu trải lòng với PV Dân trí.
Cống hiến cho nghệ thuật từ khi còn là cô bé con ở thành phố Thái Nguyên, tới nay gia tài của NSND Minh Châu là hàng loạt vai diễn đình đám trong các bộ phim kinh điển như: "Cô gái trên sông", "Người đàn bà nghịch cát", "Bến không chồng", "Nếp nhà", "Bí thư tỉnh ủy"…
Nhan sắc, tài năng và tầm ảnh hưởng của NSND Minh Châu đối với điện ảnh Việt là điều không cần bàn cãi. Song, ẩn sau những giải thưởng, đằng sau vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà của mỹ nhân màn ảnh Việt thập niên cuối 89, đầu 90 này là những góc khuất, những nỗi sợ và cả sự cô đơn mà không phải ai cũng có thể cảm, có thể chạm vào...
Đi thâm nhập thực tế của gái "bán hoa", vào bệnh viện tâm thần vì vai diễn
Cơ duyên nào đưa NSND Minh Châu đến với bộ môn nghệ thuật thứ 7?
- Tôi sinh ra trong một gia đình có 10 anh chị em. Thuở nhỏ, chúng tôi ở với gia đình tại thành phố Thái Nguyên. Năm lớp 9, trong lớp tôi có một số bạn xinh lắm, nghe người ta đăng tuyển diễn viên, các bạn ấy cũng rục rịch đi tuyển.
Tình cờ là dịp đó anh trai cả của tôi từ Hà Nội về, thấy tôi có đôi mắt to tròn thì trêu: "Con "mắt ốc nhồi" này có muốn làm diễn viên không?". Lúc đó, tôi chẳng biết gì về diễn viên, diễn xuất cả, nghe anh trai nói thế, lại thấy cô bạn thân của tôi cũng đi tuyển thì tôi đi cùng luôn.
Tôi còn vô tư lắm, không biết trang điểm, chẳng biết làm điệu gì hết. Lúc vào thi tuyển, các bác hỏi: "Có biết hát không, biết múa, đọc thơ không?". Tôi đều bảo "không biết".
Lát sau, tôi nghĩ "mình đi thi tuyển mà cái gì cũng không biết thì không khéo bị đuổi ra mất". Nghĩ thế, tôi đánh liều xin hát một bài. Bài hát đó là do tôi bắt chước từ ông anh trai, nhưng vừa hát được mấy câu thì giám khảo yêu cầu tôi... ngừng hát.
Rồi giám khảo yêu cầu tôi tự biên tự diễn một tiểu phẩm, tôi lại ngơ ngác nói: "Cháu không biết tiểu phẩm là gì. Sau khi được ban giám khảo gợi ý, tôi xin ra ngoài một lát rồi tự biên tự diễn vở kịch một cô bé trốn bố đi chơi.
Thế rồi vừa vào năm lớp 10 được một thời gian ngắn thì tôi trúng tuyển vào lớp điện ảnh khóa 2 của trường Điện ảnh (Tiền thân của trường Sân khấu Điện ảnh hiện nay - PV).
Vào trường, hẳn là chị rất nổi bật?
-Không hề! Tôi thời điểm đó nhút nhát lắm. Mặc dù được ở cùng một số bạn bè nhưng tôi hay khóc vì nhớ nhà. Còn ở trên lớp thì do nhát nên tôi cũng chỉ làm mọi thứ một cách bình thường hết mức có thể, không có gì nổi bật cả. Thế nhưng vừa ra trường, tôi đã được đạo diễn Khắc Lợi mời đi diễn luôn. Từ đó, tôi dần dần được mời tham gia nhiều vai hơn.
Nhắc tới các vai diễn của NSND Minh Châu, khán giả sẽ nhớ tới Nguyệt của "Cô gái trên sông", Liên của "Người đàn bà nghịch cát" hay bà Thường trong "Bí thư tỉnh ủy". Còn chị, chị nhớ về vai diễn nào?
- Thú thực, tôi xem mỗi vai diễn như đứa con tinh thần của mình, nên vai nào tôi cũng rất chăm chút, không hề phân biệt chính phụ, vai to hay vai nhỏ. Nhưng có những vai hợp với tiêu chí của giải thưởng, của liên hoan phim thì sẽ nhận được giải như các vai trong phim "Cô gái trên sông", "Người đàn bà nghịch cát" hoặc "Bí thư tỉnh ủy".
Mỗi vai diễn tôi đều hết mình, dù nhân vật nào, chỉ cần nhận vai tôi cũng sẽ nghiên cứu rất kỹ. Với vai diễn cô gái điếm tên Nguyệt của "Cô gái trên sông", tôi đã đi vào tận Huế, xuống những chiếc thuyền để hỏi han, tìm hiểu cuộc sống thực tế của những cô gái có số phận tương đồng với nhân vật của mình.
Hay như phim "Người đàn bà nghịch cát", để thể hiện những phân cảnh điên loạn, tôi cũng vào viện tâm thần, tiếp xúc với những người có hoàn cảnh giống như nhân vật trong phim. Từ đó tôi quan sát từng biểu hiện, từng động thái của các bệnh nhân.
Còn trong phim "Bí thư tỉnh ủy", nhân vật bà Thường có hành động hút thuốc lào rất đặc trưng. Nhưng tôi có biết hút thuốc lào đâu, tôi bèn dùng thuốc lá thay thuốc lào, nhưng khi phả khói ra thì làn khói mỏng lắm, không đạt được hiệu ứng cần thiết.
Thế là tôi đề nghị với đoàn làm phim tạm ngừng quay khoảng chục ngày để tôi tập hút thuốc lào. Thấy tôi quyết tâm như vậy, anh Dũng Nhi cũng chủ động chỉ cho tôi cách hút thuốc lào.
Có những hôm quay ít phân cảnh thì không sao, nhưng hôm nào mà quay nhiều, tôi rít thuốc lào đến mức bị say luôn.
Những nhân vật mà Minh Châu hóa thân đều có số phận éo le, nội tâm dữ dội. Nhân vật nào khiến chị day dứt nhất?
- Khi tôi đóng phim "Người đàn bà nghịch cát", cuộc sống gia đình tôi bắt đầu có sóng gió. Và nhân vật Liên của phim cũng là người đàn bà đang đau khổ, bế tắc trong cuộc hôn nhân của mình khi bị chồng tra tấn về tinh thần.
Thực tế cuộc sống của tôi và số phận của nhân vật như quyện vào với nhau khiến tôi thực sự thăng hoa trong những cảnh "hóa điên".
Chính vì tôi quá nhập vai nên đạo diễn yêu cầu tôi không tập trước khi quay mà cứ khi nào cần thì diễn luôn, vì sợ tôi quá nhập tâm, không "thoát" được khỏi tâm lý của nhân vật đến mức điên thật.
Có những lần đóng cảnh điên xong, chân tay tôi lạnh toát, đoàn làm phim phải mua thuốc an thần cho tôi uống. Khi phim đã đóng máy rồi, vẫn phải mất một thời gian dài để tôi lấy lại cân bằng, thoát khỏi vai diễn của mình.
Quả thực, chị đã hi sinh rất nhiều cho mỗi vai diễn...
Tôi không xem đó là sự hi sinh, tôi nghĩ đó là trách nhiệm với công việc, là cách mà tôi thể hiện tình yêu nghề.
Từ "cảnh nóng" trên phim đến "vết rạn" trong hôn nhân
Năm 1987, Minh Châu vào vai cô gái điếm tên Nguyệt trong phim "Cô gái trên sông". Thời điểm đó dư luận còn rất khắt khe với những hình ảnh gợi cảm, cảnh hở da thịt của các diễn viên...
- Đúng là ngày xưa mà có những vai diễn nhạy cảm như vậy thì mọi người sẽ ngại lắm, chẳng dám nhận vai đâu. Với tôi, đó là thời gian rất căng thẳng, vì tôi là nữ chính còn chồng tôi làm phó đạo diễn. Vì thế, tới những cảnh quay hơi nhạy cảm một chút là tôi áp lực vô cùng, vì cứ cảm thấy... có lỗi với chồng.
Bây giờ thì việc đóng phim có cảnh nhạy cảm nó nhẹ nhàng thôi, nhưng ngày xưa thì không. Không chỉ riêng chồng, còn gia đình chồng, người thân của mình, rồi mọi người xung quanh nữa, mọi người đều có định kiến rất khắt khe và nhìn tôi bằng ánh nhìn không mấy thiện cảm.
Áp lực như vậy, sao chị không thuyết phục đoàn phim bỏ bớt cảnh hoặc dùng "thủ thuật" khi quay?
- Là một diễn viên, khi đã nhận vai, tôi phải chấp nhận tất cả những yêu cầu của đạo diễn và kịch bản, dù bản thân có muốn hay không. Và với những cảnh quay nhạy cảm trong phim, suốt thời gian quay phim, tôi đều mang tâm lý "có lỗi với chồng", tôi luôn luôn nhường nhịn chồng, anh bảo sao tôi nghe vậy.
Chị nói chồng chị là phó đạo diễn của phim, như vậy là anh ấy chứng kiến toàn bộ sự việc, biết rằng đó không phải lỗi của chị và cảnh quay thực tế cũng không có gì "nhạy cảm", tại sao chị và chồng vẫn "căng thẳng"?
- Đó là do quan niệm của mỗi người thôi. Bản thân chồng tôi tiếp xúc với nghệ thuật và cũng làm những bộ phim có các cảnh nhạy cảm, nhưng anh ấy không thích vợ mình là diễn viên trong cảnh quay đó.
Tôi còn nhớ, khi anh ấy làm phim "Dòng sông vàng", tôi cũng là nữ diễn viên chính. Trong phim có cảnh nhân vật của tôi bị tên cướp đè ra, xé quần áo và hãm hiếp. Anh ấy không thích vợ mình diễn cảnh quay đó nên đã nhờ một diễn viên nam để lộ đôi chân ra để... thế cho chân của tôi.
Vậy trước khi nhận vai gái điếm, chị có bàn bạc với ông xã không?
- Có chứ, trước khi nhận vai chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều. Nhưng rồi lời hứa sẽ mời diễn viên đóng thế của đoàn phim không thực sự được thực hiện nên… có thể coi đó là một "tai nạn nghề nghiệp". Thú thực, lúc bước vào những cảnh quay nhạy cảm đó, tôi cũng căng thẳng, đau khổ lắm!
Vì nếu không đáp ứng yêu cầu của đạo diễn, bản thân mình cũng áy náy, mà nếu chấp nhận thì ảnh hưởng đến mình và những người xung quanh. Nghề diễn viên trong mắt mọi người có thể dễ dàng, nhẹ nhàng lắm. Nhưng quả thực, chúng tôi đã phải hi sinh rất nhiều thì mới có những thước phim như vậy.
Ở thời điểm dư luận vẫn còn cái nhìn khắt khe với diễn viên đóng cảnh nhạy cảm như thế, vậy sau khi "Cô gái trên sông" ra mắt, chị đã phải đối diện với những khó khăn gì?
- Có chứ! Nhiều người gặp tôi còn hỏi: "Sao Minh Châu lại nhận vai đó? Sao lại liều thế?"... Nhưng khi đã nhận vai, tôi phải chấp nhận cả những đàm tiếu.
Bên cạnh đó, cũng có những khán giả họ đồng cảm và rất thương nhân vật Nguyệt. Thời điểm ấy, tôi nhận được rất nhiều thư từ khán giả, có cả những bức thư tỏ tình khiến chồng tôi giấu nhẹm đi...
"Cuộc sống vợ chồng luôn nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn khiến cho tình yêu bị bào mòn".
Chỉ là một vai diễn nhưng lại đem đến cho chị nhiều đàm tiếu, sóng gió. Bây giờ nhìn lại, chị có chút nào hối tiếc vì ngày ấy đã nhận vai diễn này?
- Chuyện đã xảy ra thì có tiếc nuối cũng không giải quyết được gì cả. Với tôi, nếu đã nhận vai thì phải hết mình với vai diễn đó, và việc mình thâm nhập thực tế, chăm chút cho từng chi tiết nhỏ nhất để hoàn thiện vai diễn là điều cần làm.
Hơn nữa, từ khi nhận vai, tôi luôn tâm niệm rằng thực ra tôi đâu có làm điều gì sai trái, tôi chỉ hi sinh một chút vì nghệ thuật, để có được những cảnh quay chân thực cho khán giả mà thôi.
Có thông tin cho rằng vai cô gái điếm tên Nguyệt là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của chị rạn nứt?
- Chúng tôi ly thân không phải do ghen tuông vì vai diễn trong phim đâu, mà do rất nhiều thứ từ cuộc sống đời thường cộng lại. Cuộc sống vợ chồng luôn nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn khiến cho tình yêu bị bào mòn.
Có những khoảnh khắc, nếu chúng ta không giữ được thì hạnh phúc sẽ vụt mất. Nhưng vì nghĩ cho con, chúng tôi không ra tòa ly dị mà chỉ ly thân.
"Tôi chấp nhận cuộc sống độc thân của mình một cách vui vẻ"
10 năm sống ly thân chồng, không có phút giây nào chị mủi lòng muốn "nối lại tình xưa"
- Cũng có những lúc tôi nghĩ, thôi thì mỗi người lùi lại một chút, vì nhau một chút để con mình có một mái ấm thực sự. Bản thân tôi cũng nhìn nhận lại mình, tự chất vấn rằng vì sao khi đó mình lại căng thẳng đến thế?
Giữa chúng tôi có thỏa thuận ngầm, rằng hãy cứ giữ mối quan hệ vợ chồng trên danh nghĩa để con không bị xáo trộn. Rồi nếu như một trong hai mà có tình cảm với người khác thì sẽ chính thức ra tòa. Nhưng có lẽ đó là số phận, ly thân được 10 năm thì chồng tôi mất. Đến nay, trên danh nghĩa, chúng tôi vẫn là vợ chồng.
"Người đàn ông ở bên cạnh tôi chắc chắn sẽ phải một mình làm hết mọi việc trong gia đình, sẽ phải hi sinh rất nhiều, chấp nhận thiệt thòi rất nhiều" (Ảnh tư liệu).
Xinh đẹp và nổi tiếng, thời gian sống một mình, hẳn chị có rất nhiều người đàn ông theo đuổi?
- Cũng có người theo đuổi và trong số đó cũng có đôi lần tôi rung động. Nhưng tôi nhận thức được rằng nghề nghiệp của tôi không phù hợp với vai trò làm vợ, rất khó để đem lại hạnh phúc cho người đàn ông.
Với nghề này, thời gian dành cho gia đình quá ít. Một năm mà nhận 2, 3 phim thì coi như đã vắng nhà cả năm rồi! Người đàn ông ở bên cạnh tôi chắc chắn sẽ phải một mình làm hết mọi việc trong gia đình, sẽ phải hi sinh rất nhiều, chấp nhận thiệt thòi rất nhiều.
Nghĩ lại, những rạn nứt trong cuộc hôn nhân có phần nhiều xuất phát từ tôi. Tôi không phải người có tính lăng nhăng, nhưng thời gian tôi dành cho gia đình quá ít, nó sẽ tạo ra sự ức chế cho những người xung quanh. Tôi không muốn lặp lại những bi kịch đó.
Chị sợ việc người khác phải hi sinh cho mình hay chị lo sợ bản thân sẽ lại phải đối diện với cuộc hôn nhân đổ vỡ một lần nữa?
- Tôi rất sợ một lúc nào đó, người đàn ông của mình không thể chịu đựng được cuộc sống bên cạnh tôi nữa. Khi đó tôi lại phải đối diện với sự đổ vỡ, lại đau khổ, lại phải làm lại từ đầu.
Hơn nữa, tôi đã sống một mình quá lâu, tôi rất ngại việc có một người nào đó bước tới và khiến bản thân mình mất tự do, phá vỡ đi cuộc sống yên ổn hiện tại.
Nói chung, tôi chấp nhận cuộc sống độc thân của mình một cách vui vẻ, thoải mái chứ không ngồi chờ đợi một mối tình nào đó.
"Tôi chấp nhận cuộc sống độc thân của mình một cách vui vẻ, thoải mái chứ không ngồi chờ đợi một mối tình nào đó".
Con gái "rắp tâm" làm mối cho mẹ và chuyện "con chim sợ cành cong"
Không tìm kiếm một bờ vai nương tựa, mọi sự quan tâm chị dồn hết cho sự nghiệp diễn xuất và con gái?
- Thực ra, những người thân của các nghệ sĩ, của những người làm nghệ thuật đều thiệt thòi lắm! Con gái tôi cũng vậy. Khi con còn nhỏ, bố mẹ đều đi làm phim xa nhà suốt, con hầu như phải ở với ông bà.
Đợt làm phim "Cô gái trên sông", vợ chồng tôi đi biền biệt 2 tháng liền, đến khi về nhà, con gái tủi thân quay vào tường khóc vì giận bố mẹ.
Nhưng may là khi lớn lên, con học rất giỏi, thời học THPT, con là học sinh của trường Amsterdam và từng là thủ khoa đầu vào của trường Đại học Ngoại thương.
"Cuộc sống bên Mỹ thì rất đầy đủ, lại có con ở bên cạnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thứ gì đó, vẫn cảm thấy nơi đó không dành cho mình".
Việc chị và chồng không chung sống với nhau có ảnh hưởng đến con gái?
- Không, con gái tôi có tư duy rất hiện đại. Con luôn tâm niệm chỉ cần bố mẹ cảm thấy hạnh phúc thì con sẽ tôn trọng. Hơn nữa, giữa tôi và chồng cũng không có mâu thuẫn, xích mích gì cả. Chúng tôi vẫn tôn trọng nhau, thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ để trao đổi những vấn đề về con cái nên con tôi không bị ảnh hưởng gì cả.
Chỉ có một cô con gái duy nhất, nhưng hiện tại mẹ con phải xa nhau vì mẹ ở Việt Nam còn con gái đã yên bề gia thất nhưng lại định cư tại Mỹ, chị đành lòng sao?
- Cũng có lúc tôi nghĩ sẽ sang Mỹ sống cùng con rồi đấy, con gái cũng từng làm thủ tục xin "thẻ xanh" cho tôi. Nhưng từ những lần sang Mỹ, trực tiếp thấy được cuộc sống cô đơn, thiếu thốn tình cảm của những người Việt đang định cư ở đó, tôi lại quyết định trở về.
Mỗi lần nhớ con, tôi sang Mỹ ở với con được khoảng một tháng là lại muốn về. Cuộc sống bên Mỹ thì rất đầy đủ, lại có con ở bên cạnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thứ gì đó, vẫn cảm thấy nơi đó không dành cho mình.
Tôi nhận ra môi trường phù hợp nhất cho mình là ở Việt Nam, bên cạnh bạn bè.
Con gái cũng tôn trọng quyết định của tôi, dù con luôn mong tôi sẽ có một người ở bên cạnh để con được yên tâm. Thực ra, đến bây giờ, con gái vẫn "rắp tâm" làm mối cho tôi đấy. Nhưng tôi như "con chim sợ cành cong", không còn hứng thú đối với chuyện tình cảm nữa.
Không ở Mỹ cùng con gái, lựa chọn cuộc sống độc thân ở Việt Nam, nhưng làm sao chị tránh được những lúc cô đơn, thiếu thốn tình cảm? Chị vượt qua bằng cách nào?
- Là con người ai cũng có lúc cảm thấy cô đơn, chống chếnh thôi và mỗi người sẽ có một cách để giải quyết nó. Với riêng tôi, cách giải quyết những khoảnh khắc cô đơn là tôi sẽ hẹn bạn bè đi chơi, đi uống rượu.
Nhưng thực lòng, những dịp lễ Tết là khoảng thời gian tôi thường cảm thấy cô đơn nhất. Vì khi đó bạn bè, người thân sẽ quây quần bên gia đình của họ, chỉ còn lại một mình tôi.
Nhưng tôi không cho mình đắm chìm vào cảm xúc buồn bã, cô đơn quá lâu. Những lúc như vậy, tôi sẽ vào bếp và làm bánh. Khi đứng trong bếp, tôi đặt trọn vẹn tâm trí vào từng công đoạn của chiếc bánh, mọi chuyện buồn đều sẽ tan biến hết.
Nếu không có đam mê làm bánh, có lẽ tôi đã không thể vượt qua giai đoạn stress trong thời kỳ giãn cách xã hội vừa rồi. Thời gian đó, tôi tự mày mò học làm các loại bánh trên Youtube. Có những món tôi làm thành công nhưng có loại bánh tôi thất bại nhiều lần. Những lúc làm thành công một loại bánh nào đó, tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc lắm!
Rồi khi tôi đem những món đồ ăn, những chiếc bánh tôi làm ra tặng cho mọi người xung quanh, thấy mọi người được thưởng thức những món ăn đó, tôi cũng thấy vui.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ này!
Cuộc sống của NSND Minh Châu ở tuổi xế chiều, thích vào bếp làm bánh và bầu bạn với chú chó nhỏ...
NSND Minh Châu tên thật là Nguyễn Thị Minh Châu, sinh năm 1956 tại Thái Nguyên. Bà sinh ra trong một gia đình có 10 người con, năm học lớp 9, Minh Châu theo lời anh trai cả ứng tuyển làm diễn viên. Năm học lớp 10, bà được thông báo trúng tuyển vào lớp diễn viên trường Điện ảnh.
Sau khi ra trường, với nhan sắc rực rỡ, đặc biệt là đôi mắt to tròn "biết nói", Minh Châu nhanh chóng nhận được nhiều lời mời tham gia diễn xuất. Năm 1987, Minh Châu gây tiếng vang lớn với vai cô gái điếm tên Nguyệt trong phim "Cô gái trên sông", năm 1989, bà khiến giới học thuật phải ngả mũ thán phục với vai Liên trong "Người đàn bà nghịch cát".
Hai vai diễn này đã đem đến cho Minh Châu 2 giải Bông sen vàng liên tiếp- một kỷ lục hiếm có diễn viên nào đạt được. Đến năm 2010, Minh Châu tiếp tục tỏa sáng với vai bà Thường trong phim "Bí thư tỉnh ủy" và giành giải Cánh diều vàng cho hạng mục Nữ diễn viên chính phim truyền hình xuất sắc nhất.
Tên tuổi của Minh Châu còn gắn liền với sự thành công của hàng loạt bộ phim có tiếng vang lớn như: "Bến không chồng", "Chiến dịch trái tim bên phải", "Cổ cồn trắng", "Lời thề cỏ non", "Nếp nhà", "Nguyễn Thị Minh Khai", "Gia phả của đất"…
Với những đóng góp cho điện ảnh nước nhà, Minh Châu được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2015.
Nội dung: Nguyên Phong
Ảnh: Hưng Phan
Video: Minh Hoàng
Bài 3: NSND Thu Hà: Từ cô bé hái chè đến mỹ nhân "Lá ngọc cành vàng" không tuổi