Những người thầm lặng đổ mồ hôi sau bức màn nhung
(Dân trí) - Sân khấu hát bội ngoài vai trò của đạo diễn, nghệ sĩ... còn có sự đóng góp của ê-kip âm thanh, ánh sáng, phục trang... những giọt mồ hôi thầm lặng của họ không phải ai cũng biết đến.
Để có những tác phẩm nghệ thuật độc đáo phục vụ cho khán giả, ngoài sự cống hiến của đạo diễn, các nghệ sĩ trên sân khấu... còn có sự đóng góp thầm lặng của những người chuyên lo về âm thanh, ánh sáng, phục trang, tạp vụ... Họ chính là những người không thể thiếu để tạo nên sự thành công cho từng vở diễn.
Khi có lịch diễn, người làm công tác hậu cần phải chuẩn bị trước ít nhất khoảng nửa ngày nhằm hạn chế sai sót xảy ra. Bởi, những sai sót của họ ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của vở diễn. Chính vì vậy, người làm công tác hậu cần phải cẩn thận, chu đáo, nhanh nhẹn và nhiệt tình.
Sân khấu hát bội luôn được trang trí lộng lẫy từ các bức màn nhung đến vị trí các bục bệ, điều được tính toán và lên kế hoạch kỹ lưỡng cho từng phân đoạn của vở diễn. Anh Hòa, người phụ trách sân khấu nói: "Sau khi lên ý tưởng thì thời gian để hoàn tất việc lắp đặt sân khấu là khoảng một giờ".
Trong hát bội hay bất kì loại hình biểu diễn nghệ thuật nào, âm thanh đóng vai trò không thể thiếu để giúp các nghệ sĩ truyền tải nội dung đến khán giả.
Ông Hoàng, người có thâm niên làm việc lâu năm với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM. Ông đảm nhiệm công việc quản lý các đạo cụ như: binh khí, râu, tóc và mũ cho từng diễn viên.
"Thật ra tôi đã nghỉ hưu được 1-2 năm nhưng nghe tin đoàn hát thiếu người nên tôi đi theo hỗ trợ, làm lâu rồi nghỉ cũng buồn", ông Hoàng nói.
Một điểm quan trọng ở hát bội, đó là các nhạc công. Họ là những người tạo nên âm thanh độc đáo từ các loại nhạc cụ truyền thống như: đàn cò, đàn nhị, đàn sến, đàn tranh, đàn bầu, đàn hồ. Tiếp đó là trống chiến, trống cơm, ống sáo, kèn...
Trước giờ diễn, nhân viên kiểm tra lại kịch bản và đảm bảo rằng các thiết bị, đạo cụ luôn sẵn sàng cho các phân cảnh.
Trong ảnh là hình chị Phượng (áo đen) và cô Thảo phụ trách bộ phận phục trang. Tùy theo các vở diễn mà số lượng trang phục khác nhau, dao động từ 10 đến 20 bộ. Cả hai phải ghi nhớ và soạn trước để đảm bảo đúng trang phục cho các nghệ sĩ.
Trước giờ biểu diễn, anh Hòa (áo thun xám) sẽ trao đổi với nghệ sĩ về vị trí của họ trên sân khấu.
Còn anh Vũ là người lắp đặt và kiểm tra micro để chắc chắn rằng mọi thứ đã sẵn sàng.
Để có một vở diễn thành công, những người làm công tác hậu cần đã âm thầm đổ mồ hôi sau bức màn nhung. Sự cống hiến thầm lặng của họ xứng đáng được chúng ta trân trọng.