(Dân trí) - Đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng bồ tát Tara được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt đầu đều thuộc nền văn hóa Chămpa, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng bồ tát Tara được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt đầu đều thuộc nền văn hóa Chămpa, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Năm 2012, lần đầu tiên hơn 30 cổ vật được Thủ tướng ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia, trong đó có 3 bảo vật gồm đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara đang được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Từ các bảo vật này, những câu chuyện cách đây hơn nghìn năm trước được kể lại qua những hình tượng chạm nổi trên khuôn hình.
Đài thờ Trà Kiệu được phát hiện ở tháp chính kinh đô Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vào năm 1918. Đài thờ có niên đại từ thế kỷ VII - X, được làm bằng sa thạch xanh xám, là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chămpa.
Ngay sau khi được phát hiện, đài thờ Trà Kiệu đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu tìm đến giải mã nội dung câu chuyện của các nhân vật quanh đài thờ và đoán định niên đại của nó.
Theo nhà nghiên cứu Jean Przyluski, bốn cảnh xung quanh đài thờ kể về truyền thuyết hình thành nước Phù Nam.
Trong khi đó, học giả George Cœdès, cho rằng nội dung đài thờ nói về truyền thuyết thần Krisna chữa bệnh cho người gù tên là Trivaka và chuyện Krisna kéo gãy cung thần Kamsa.
Sau này, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng 4 cảnh chạm quanh đài thờ là những trích đoạn trong trường ca Ramayana.
Theo trường ca Ramayana, vua Yanak ở kinh thành Videha lập hoàng hậu đã lâu nhưng không có con. Truyền thuyết kể rằng trong một buổi lễ cày đầu năm, khi vua Yanak mở đường cày đầu tiên, từ trong luống cày xuất hiện một bé gái sơ sinh, đó là đứa con mà Mẹ đất đã ban cho nhà vua, vua Yanak đã đặt tên cho đứa bé là Sita.
Khi Sita trưởng thành, vua Yanak kén rể với điều kiện ai giương được cây cung Kamsa của thần Bão tố Rudra thì sẽ được cưới công chúa Sita. Nhiều vương tôn công tử đến thử sức nhưng chưa ai kéo được sợi dây cung. Cuối cùng hoàng tử Rama không chỉ giương được cung mà còn kéo gãy cung. Sau đó hoàng tử Rama được vua Yanak gả công chúa Sita.
Theo ông Võ Văn Thắng - nguyên Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đây là đài thờ Chămpa duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn với bệ vuông ở dưới và bệ yoni tròn ở trên. Đây cũng là một bệ thờ tiêu biểu cho loại bệ thờ Chămpa có phần chạm khắc nhiều nhân vật có lối kể chuyện với bố cục hoàn chỉnh và giàu tính nghệ thuật.
"Ngày nay đi ngang qua Trà Kiệu, chúng ta không còn được thấy bóng dáng các chiêm nữ thướt tha, không còn được nghe những điệu nhạc Chăm réo rắt, nhưng nhìn những vũ nữ, nhạc công sống động trên bảo vật đài thờ Trà Kiệu, cùng những hình ảnh về áng tình ca bất hủ Rama - Sita, chúng ta có thể hình dung được phần nào vẻ tráng lệ huy hoàng của một kinh thành Chămpa từng có mặt tại đây và đã hội nhập vào dòng chảy vĩnh hằng của lịch sử, văn hóa Việt Nam", ông Thắng nói.
Có niên đại từ thế kỷ VII - VIII, đài thờ Mỹ Sơn E1 được tìm thấy ở tháp E1 của Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trong cuộc khai quật do ông Henri Parmentier, trưởng khoa khảo cổ của Trường Viễn Đông bác cổ làm trưởng đoàn vào năm 1902 - 1903.
Đài thờ được làm bằng sa thạch vàng nhạt, lắp ghép bằng nhiều khuôn hình phản ánh đời sống của các tu sĩ Ba-la-môn: đang chơi nhạc, đàm đạo, làm thuốc…
Đây là đài thờ duy nhất được tìm thấy hiện nay mô phỏng các chi tiết trang trí kiến trúc của một ngôi tháp như: các bậc cấp, vòm cửa, trụ cửa, động vật, hoa lá. Đặc biệt hình ảnh các tu sĩ Ấn giáo đang tu luyện trong rừng, sống hòa mình cùng thiên nhiên và muông thú. Phía trước bậc tam cấp được trang trí hình ảnh 6 vũ công đang trình diễn điệu múa dâng khăn lên thần linh.
Theo thần thoại Ấn Độ, núi Meru là nơi ở của các vị thần linh và Siva là vị thần chủ ngự trị trên đỉnh núi. Đài thờ Mỹ Sơn E1 chính là hình ảnh của ngọn núi Meru và Linga-Yoni được thờ cúng bên trên đài thờ là biểu tượng của thần Siva.
Đường viền quanh đài thờ Mỹ Sơn trang trí hình thoi xen lẫn giữa những đóa hoa bốn cánh. Kiểu trang trí này cũng xuất hiện trên một số tác phẩm điêu khắc của nghệ thuật Môn - Dvaravati ở Thái Lan vào thế kỷ VII - VIII.
"Với chức năng là một bộ phận cốt lõi của một ngôi tháp Chămpa, là nơi ngự trị của thần linh tối cao, Đài thờ Mỹ Sơn E1 đã được các nghệ nhân Chămpa tạo dựng với tất cả tài năng và lòng thành kính. Từ bố cục tổng thể cho đến các chi tiết chạm khắc trên đài thờ đều ẩn chứa những thông điệp mang ý nghĩa tâm linh.
Khi có dịp tĩnh lặng để nhìn ngắm và suy tưởng, chúng ta có thể thấy thấp thoáng trên mặt đá đã mòn mờ qua năm tháng của đài thờ Mỹ Sơn E1 những niềm vui, nỗi buồn và lòng mong ước của một cộng đồng đã từng có mặt và để lại những giá trị sống động làm nên sắc màu văn hóa Việt Nam hôm nay", nguyên Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng viết trong cuốn sách "Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng".
Tượng bồ tát Tara đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng bị thiếu hai hiện vật trên cánh tay là con ốc và đóa sen.
Tượng được phát hiện hết sức tình cờ vào năm 1978 khi người dân Đồng Dương (nay thuộc xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đang cày ruộng. Ngay sau đó bức tượng được đưa về Bảo tàng Đà Nẵng.
Đây là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Bồ tát Tara được khắc họa trong tư thế đứng trang nghiêm với dáng hình tròn trịa, cân đối, mình thân trên và hai bàn tay để trần.
Ngay khi phát hiện, pho tượng nhanh chóng thu hút sự chú ý và được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật. Mặc dù được phát hiện sau cùng nhưng pho tượng lại thể hiện tập trung những đặc điểm phong cách nghệ thuật mà trước đó các nhà nghiên cứu đã khái quát gọi là phong cách Đông Dương.
Ông Trần Đình Hà - Phó Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng - cho biết, trong quá trình khai quật, 2 vật cầm tay một bên là con ốc, một bên là hoa sen bị gãy. Người dân xã Bình Định Bắc đã tìm thấy và đem về nhà. Sau đó, UBND xã thu hồi, cất giữ như bảo bối của xã từ đời chủ tịch này qua đời chủ tịch khác.
"Nhiều năm qua, chính quyền TP Đà Nẵng muốn xin 2 vật đó về Bảo tàng điêu khắc Chăm để bức tượng được trọn vẹn. UBND xã Bình Định Bắc đã lấy ý kiến người dân và đồng ý với đề nghị này. Ngoài ra, người dân muốn được hỗ trợ xây nhà văn hóa như lời "tri ân" bao đời gìn giữ cổ vật và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc ấy là anh Huỳnh Đức Thơ cũng đã đồng ý", ông Hà nói.
Theo ông Hà, sau đó Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Nam và Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng đã làm việc với nhau. Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Nam đã tham mưu cho UBND tỉnh tạm thời giao con ốc và hoa sen về cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Cuối năm 2019, UBND xã Bình Định Bắc đã tiến hành bàn giao hai hiện vật là con ốc và đóa sen thuộc về tượng Bồ tát Tara cho Bảo tàng Quảng Nam bảo quản theo quy định.
Song từ đó đến nay, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam không có công văn trả lời hay thông tin gì cho phía Đà Nẵng cả. Vì thế, bức tượng Bồ tát Tara vẫn chưa được "hoàn chỉnh".
Nội dung: Khánh Hồng
Thiết kế: Nguyễn Vượng