Ngắm ngôi đền gần 2.000 năm tuổi chuẩn bị dựng tượng đài 250 tỷ đồng
(Dân trí) - Đền Bà Triệu tọa lạc tại núi Gai, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có lịch sử gần 2.000 năm tuổi. Nơi đây, chuẩn bị dựng tượng đài nữ Anh hùng Dân tộc Triệu Thị Trinh.
Đền Bà Triệu là nơi thờ tự vị nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - người có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô (Trung Quốc) vào giữa thế kỷ thứ 3. Đền nằm trên núi Gai, sát Quốc lộ 1A, đoạn đi qua thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ngôi đền cách thành phố Thanh Hóa 18km về phía bắc và cách Hà Nội 137km về phía nam.
Đền được xây dựng vào thế kỷ 6, do vua Lý Nam Đế lập để tưởng nhớ vị nữ anh hùng có lòng yêu nước. Sau nhiều lần bị tàn phá, tới thời vua Minh Mạng, ngôi đền được di chuyển về vị trí hiện tại. Cuối thế kỷ 18, đền bắt đầu có diện mạo như ngày nay.
Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật, các kho tàng sự tích, ca dao, huyền thoại và cả những hiện vật hiếm có.
Khu vực Nghi môn ngoại được xây bằng đá nguyên khối với kiểu tứ trụ độc đáo. Đỉnh cột có chim phượng lá lật, chi tiết lồng đèn được chạm hình tứ linh, bức tường hai bên được chạm nổi tượng voi chầu.
Qua Nghi môn ngoại là khu vực hồ nước xanh ngắt có chiều dài 29,8m, rộng 42,2m. Hồ tọa lạc đối diện với Nghi môn nội, có bậc thang lên xuống để thuận tiện cho việc tham quan và ngắm đàn cá bơi lội dưới hồ.
Bình phong - chi tiết này được làm bằng đá nguyên khối, đặt ở phía trước Nghi môn trung.
Nghi môn nội được thiết kế tương tự như khu vực Tam Quan, hai bên cửa chính được đặt 2 bức tượng nghê chầu cổ bằng đá. Bước qua Nghi môn nội là hai bức tượng voi được tạc bằng đá nguyên khối, chầu hai bên.
Bức hoành phi sơn son thiếp vàng về vị Vua Bà treo bên trong ngôi đền.
Khu vực Hậu cung được xây dựng với kiến trúc 3 gian 2 chái, chiều dài 2,45m, rộng 6,9m. Các khung vì, kèo ở hậu cung cũng được trang trí với nhiều bức tranh chạm nổi đẹp mắt.
Năm 2014, đền Bà Triệu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Là điểm du lịch tâm linh, những năm qua, đền Bà Triệu thu hút đông đảo du khách về chiêm bái, đặc biệt là dịp đầu năm.
Tháng 9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa cho ý kiến mẫu phác thảo bước hai tượng đài Bà Triệu thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu.
Theo đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cơ bản thống nhất với mẫu phác thảo về tượng đài Bà Triệu cao 36m, được làm bằng đồng. Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa giao UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt mẫu phác thảo tượng đài để triển khai các bước tiếp theo và lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân.
Quy mô hạ tầng kỹ thuật khu tượng đài có diện tích khoảng 5ha gồm nhà đón tiếp, kết hợp trưng bày giới thiệu trong khuôn viên sân.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 256 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách tỉnh, vốn do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam quyên góp và nguồn huy động hợp pháp khác khoảng 106 tỉ đồng, số vốn còn lại do một tập đoàn tài trợ khoảng 150 tỉ đồng.
Chủ đầu tư dự án là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Thời gian dự kiến hoàn thành trong 4 năm từ năm 2022-2025.
Theo sử sách, Bà Triệu sinh năm 226, được nhân dân gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Triệu Ấu, Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương, Lệ Hải Bà Vương.
Bà mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên. Năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh cùng anh trai chiêu mộ tráng sĩ dấy binh khởi nghĩa. Sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến quân giặc khiếp sợ. Sau khi anh trai Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời, Triệu Thị Trinh được tôn làm chủ tướng.
Thấy vậy, quân Ngô cử 8.000 quân hùng mạnh cùng nhiều viên tướng giàu kinh nghiệm trận mạc sang đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân của nữ tướng Triệu Thị Trinh thất bại. Bà tuẫn tiết tại núi Tùng (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248). Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ bà trên núi Gai.