(Dân trí) - Những ngôi quán cổ của không gian làng xã xưa ngoài giá trị về mặt kiến trúc, còn mang trong mình những huyền tích kỳ lạ, được truyền lại qua biết bao thế hệ.
HUYỀN TÍCH NGHÌN ĐỜI QUA NHỮNG NGÔI QUÁN CỔ Ở HÀ NỘI
Những ngôi quán cổ của không gian làng xã xưa ngoài giá trị về mặt kiến trúc, còn mang trong mình những huyền tích kỳ lạ, được truyền lại qua biết bao thế hệ.
Quán Nghinh Hương thuộc xã Hương Ngải (là tên chữ của Kẻ Ngái ngày xưa, gọi nôm na là làng Ngái), thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) được xây dựng trên một dải gò hình cây bút, theo kiểu thức liên kết và dấu vết của hệ thống ván sàn trên các thân cột, theo phong cách kiến trúc thời Lê.
Người xưa cũng đã vận dụng Dịch học để xây dựng ngôi quán theo kiểu thức "nhất biến tam, tam biến cửu", tức nhìn bên ngoài, trông ngôi quán như chỉ có một gian, nhưng vào bên trong lại biến thành ba gian, rồi, từ ba gian lại biến thành chín gian nhỏ.
Quán Nghinh Hương là nơi dân thôn Hương Ngải tổ chức lễ nghênh đón Tam vị Thành hoàng họ Chu từ làng Thúy Lai hoàn cung trong những kì hội lệ. Đồng thời, đây là không gian diễn ra nghi thức Nghinh hương - một nghi thức độc đáo và mang đầy ý nghĩa giáo dục ở một làng khoa bảng. Trong câu đối tại Nghinh Hương còn viết: "Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi/Nghinh tân khoa hồi hương bái tổ".
Kiến trúc của quán theo lối nhà Việt truyền thống nhưng 4 mặt để trống; cả 4 mái đao đều uốn cong hình thuyền. Đỡ các bộ vì mái là 4 cột đá xanh và 16 cột gỗ. Quán nằm ở đầu làng, xưa có 7 cây cổ thụ, hàm ý ứng với 7 ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu. Và trong ý đồ kiến trúc, thì trung tâm của quán Nghinh Hương được đặt trên chòm sao ấy.
Ý nghĩa của người xưa khi trồng 7 cây cổ thụ (bốn trước ba sau) tượng trưng cho Thất tinh. Đồng thời, gắn với thế đất của làng, ngôi quán đã hội đủ "nhị thập bát tú" chầu về, gồm: Phía Đông là gò Cửa Hương tượng trưng cho chòm Thanh long; phía Tây là gò Đồng Lọc tượng trưng cho chòm Bạch hổ; phía Nam (tức Minh đường) là gò Đồng Phần tượng trưng cho chòm Chu tước; phía Bắc (tức Hậu Chẩm) là gò Đồng Chớp tượng trưng cho chòm Huyền vũ.
Hương Ngải là tên chữ của Kẻ Ngái ngày xưa, gọi nôm na là làng Ngái. Nhiều ý kiến cho rằng khi xây dựng ngôi quán này, người dân "kẻ Ngái" xưa đã gửi gắm vào đây một triết lý sâu xa: Ánh sáng vô tận từ các vì tinh tú cũng như sự phù trợ của các vị thánh hiền sẽ chiếu rọi cho đời đời con cháu có được trí tuệ mẫn tiệp để sản sinh hiền tài cho quê hương đất nước?
Hương Ngải trước đây vốn là vùng đầm lầy, có rất nhiều cây ngái, đến mùa hoa nở, hương thơm ngào ngạt. Đến thời Lý, hai vị Thái học sinh là Liêu Hiến Chương và Liêu Hiến Quang mới cải tên cho làng là Hương Ngải. Từ đó, văn mạch trong làng khởi phát rực rỡ. Dân gian trong vùng vẫn truyền tụng câu ca "Hương Ngải văn đăng khoa đệ, võ đổng binh nhung", người trong làng có tên trong "Sơn Tây tứ kiệt". Hương Ngải có tới sáu vị đỗ Đại khoa, 50 vị đỗ Trung khoa, Tiểu khoa và các vị võ quan.
Khi võng lọng xênh xang, về đến đầu làng, các tân khoa xuống ngựa đi bộ vào quán Nghinh Hương. Họ cung kính làm lễ tạ thành hoàng tại quán trước khi thực hiện nghi lễ trình thần ở trong làng. Gia đình và dân làng tề tựu đông đủ, nghi thức nghiêm cẩn được cử hành. Trong bảng lảng hương thơm và tiếng nhạc lễ, những người con "kẻ Ngái" cẩn cáo với tiên tổ về thành quả đạt được sau tháng ngày dùi mài kinh sử.
Còn tại thôn Quyết Tiến, xã Tiên Phương (Chương Mỹ, TP Hà Nội) còn có ngôi quán cổ đã được xếp hạng di tích. Quán Thánh nằm ở giữa cánh đồng làng, tương truyền đây là nơi lưu dấu chân Thánh khi đi xin cơm cà cho thợ xây chùa Trăm Gian (cũng có ý kiến cho rằng xây chùa Bối Khê).
Tích xưa truyền lại, Thánh bước 3 bước từ chùa Trăm gian về chùa Bối Khê. Bước 1 từ chùa Trăm Gian đến thôn Quyết Tiến. Bước 2 đến làng Đồng Mai xã Tam Hưng. Tích này cùng thời gian xây chùa Trăm Gian khoảng 700 năm. Bước 3 về đến Bối Khê. Trong khi làm chùa, thánh đi guốc trên mái để kiểm tra thợ làm việc. Các cụ nói rằng vết chân in trên phiến đá, gọi là bước chân mọc lên hòn đá. Trong ảnh là hòn đá có dấu chân Thánh được đặt tại vị trí trang trọng trong Quán Thánh.
Cận cảnh vết chân Thánh lõm vào trong mặt phiến đá.
Quần thể Quán Thánh nằm giữa cánh đồng, lưng tựa núi. Cổng Quán Thánh dạng tam quan, lối chính chỉ dùng khi có việc làng. Bình thường người dân đi lại qua hai cổng bên.
Xã Tiên Phương có địa hình một nửa là đồng bằng, một nửa là vùng đồi thấp chạy dọc theo đường tỉnh lộ 419. Đây là xã nằm trong vùng đất có rất nhiều di tích lịch sử tâm linh độc đáo như chùa Trăm Gian, chùa Vô Vi, chùa Trầm... cảnh sắc thanh bình rất điển hình của thôn quê miền Bắc.
Tam quan của Quán Thánh còn giữ nguyên lối kiến trúc xưa, vòm cổng khá thấp, đối với người cao lớn đi qua phải cúi.
Hiện tại Quán Thán còn 2 cây quéo (cây muỗm) cổ thụ, được trồng cùng thời kỳ dựng quán.