Tục cúng năm mới của người Khơ Mú
(Dân trí) - Mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn, cuộc sống đủ đầy, bình an, sức khỏe... nên các gia đình người dân tộc Khơ Mú có nhiều hoạt động đón Tết với phong tục riêng biệt, độc đáo…
Đồng bào Khơ Mú, ở Nghệ An ăn Tết cổ truyền vào khoảng cuối năm Âm lịch. Thời điểm này cũng là lúc đồng bào dân tộc Khơ Mú đã hoàn thành một mùa lúa bội thu và "đón mẹ lúa" về với bản làng. Họ chuẩn bị đón Tết một cách đầy đủ, chu đáo, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn lương thực, thực phẩm (củi lửa, nguyên liệu gói bánh chưng, dọn dẹp, trang trí nhà cửa…).
Đặc biệt, mỗi gia đình đều phải sắm đủ lễ, gồm: Một cặp gà (một con gà trống, một con gà mái), 2 vò rượu cần, một đĩa cau trầu, một mâm cúng với nhiều món như: Hỏ mọc, xôi, bí đỏ. Nếu thiếu một trong những thứ trên thì nghi lễ ngày Tết của họ không thể diễn ra và không thành ý.
Ông Moong Phò Ngàn, ở bản Xốp Lau, xã Mường Ải (huyện Kỳ Sơn), cho biết, theo tập quán truyền thống, vào mùng 1 Tết, sau khi chuẩn bị đầy đủ mâm lễ, người lớn tuổi nhất trong gia đình bắt đầu làm lễ. Nghi lễ được xướng bằng tiếng dân tộc Khơ Mú. Kết thúc bài cúng cũng là lúc người nhiều tuổi nhất uống một chén rượu cần đầu tiên, sau đó một con gà sẽ được cắt mỏ, lấy tiết.
Sau đó, người thực hiện nghi lễ lấy tiết gà bôi lên đầu gối của từng thành viên trong gia đình, bôi theo chiều từ trên xuống dưới và cầu khấn những điều không may mắn trong năm cũ sẽ được xóa bỏ. Sau công đoạn này, một con gà khác cũng được cắt mỏ, lấy tiết.
Tiếp đó, lần lượt từng người trong gia đình lại được chủ lễ bôi tiết gà lên đầu gối, theo chiều từ dưới chân lên đầu gối, kèm theo câu khấn mọi điều tốt đẹp sẽ đến vào năm mới. Sau đó, chủ lễ được chính người vợ của mình lấy tiết gà bôi lên đầu gối giống như các thành viên khác.
Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú thì việc cắt mỏ gà trống, lấy tiết bôi vào đầu gối và chân của các thành viên trong gia đình ngày Tết là để xua đuổi tà khí, bệnh tật và có được đôi chân vững vàng trên mọi nẻo đường, đồng thời cầu mong một năm mới có nhiều may mắn, con cháu học giỏi.
Còn con gà mái là để cầu cho một năm mới mùa màng tốt tươi, năng suất cao, ấm no đủ đầy. Sau khi kết thúc các nghi lễ trên, cả 2 con gà sẽ được làm thịt để sửa soạn mâm cúng mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình.
Thầy cúng Hoa Phò Ngành: "Dù đi đâu, làm gì thì cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, các thành viên trong gia đình cũng đều trở về nhà, quây quần ấm cúng bên nhau. Tôi luôn dặn con cháu phải tôn trọng và có ý thức bảo tồn các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc để lưu giữ cho muôn đời sau".
Lễ cúng kết thúc cũng đồng nghĩa với việc năm mới đã đến. Giống như quan niệm của người Kinh, trong ngày đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú nơi đây. Nếu người xông nhà có "vía" tốt thì trong năm đó, gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, còn nếu người đó có "vía" dữ hoặc là nữ giới thì cả năm đó gia đình có thể gặp điều xui xẻo. Chính vì vậy, người xông nhà thường được gia chủ lựa chọn trước và nhất thiết phải là nam giới.
Cũng như bao dân tộc khác, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, sau khi hoàn thành mọi nghi lễ, tất cả anh em họ hàng được mời đến nhà uống rượu cần, ăn bữa cơm đầu năm.
Theo phong tục bao đời nay, con cháu sẽ cùng bố mẹ đi chúc Tết và mừng thọ ông bà. Đáp lại, ông bà trao cho mỗi cháu một cặp bánh chưng lấy may, kèm theo những lời dặn dò, động viên con cháu chăm ngoan, học giỏi. Trong ngày Tết, đồng bào Khơ Mú thường gói rất nhiều bánh chưng để mừng tuổi con cháu.
Đồng bào Khơ Mú ở Nghệ An ăn Tết cổ truyền trong nhiều ngày mới kết thúc, lúc đó gia đình làm lễ "đuổi ma" về rừng và kết thúc Tết cổ truyền. Lúc đó, bàn thờ được dỡ bỏ và từ hôm sau mọi người lại bắt đầu các công việc thường ngày với nương rẫy, ruộng vườn chuẩn bị cho một mùa rẫy mới.
Dù đi đâu, làm gì và có sự giao thoa văn hóa nhưng người Khơ Mú vẫn luôn có ý thức gìn giữ những nét độc đáo riêng có của dân tộc mình.