Đường phố, chùa chiền ở TPHCM trang hoàng mừng lễ Phật đản
(Dân trí) - Những ngày qua, nhiều tuyến đường ở TPHCM được trang hoàng cờ hoa để mừng Đại lễ Phật đản 2024 (Phật lịch 2568).
Những ngày qua, nhiều con đường ở TPHCM được phật tử trang hoàng cờ hoa, banner trang trọng để hưởng ứng Đại lễ Phật đản - Phật lịch 2568 (Dương lịch năm 2024).
7 đóa sen khổng lồ được đặt giữa dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gần nửa tháng nay. Hình tượng 7 đóa sen mô phỏng lại tích Phật giáo khi Đức Phật vừa đản sinh đã bước 7 bước, mỗi bước đều có hoa sen nở dưới chân.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lễ đài Phật đản tại Quan Âm Tu Viện (quận Phú Nhuận) được thiết kế hướng ra mặt đường Trường Sa. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam chuyên trì chú Đại Bi bằng tiếng Phạn, khác với nhiều nơi chuyên tụng chú Đại Bi bằng âm Hán Việt.
Cách đó không xa, một đoạn đường Hoa Phượng (quận Phú Nhuận) cũng được phủ kín cờ Phật giáo.
Một lễ đài Phật đản đơn sơ được dựng lên trước chùa Hải Đức (quận Phú Nhuận).
Dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hai con đường Trường Sa - Hoàng Sa được trang hoàng rợp bóng cờ, hoa sen, banner mừng Đại lễ Phật đản.
Nằm cạnh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chùa Vạn Thọ (quận 1) cũng trang hoàng cờ hoa, lễ đài rực rỡ mừng Phật đản.
Chùa Pháp Hoa (quận 3) trang trí hàng trăm hoa sen lớn nhỏ và hơn 1.500 lồng đèn trong mùa Phật đản năm nay.
"Tôi sống cạnh chùa Pháp Hoa hơn 20 năm nay, đến các mùa lễ lớn, chùa trang hoàng rất đẹp lộng lẫy. Với tôi, đây là ngôi chùa đẹp nhất ở TPHCM", bà Diệu Hằng (ngụ quận 3) chia sẻ.
Vào ban đêm, những chiếc lồng đèn trang trí phát sáng tạo nên một không gian vô cùng huyền ảo bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Khu vực Đài tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức (quận 3) cũng được tăng ni, Phật tử trang hoàng cờ hoa, chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 61 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2024).
Đại đức Thích Thiện Ân (trưởng ban Văn hóa Phật giáo quận 3) đang hoàn thiện những khâu trang trí cuối cùng tại Đài tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức.
"Tôi được phụ trách trang trí Đài tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức nhiều năm nay. Bản thân tôi cảm thấy an lạc khi được làm công việc này", đại đức Thích Thiện Ân chia sẻ.
"Hôm nào có việc đi ngang qua đây, tôi đều vào để lễ Phật. Gia đình tôi theo Đạo Phật từ nhiều đời trước, dịp rằm lớn, cả nhà tôi cũng đến chùa để cầu mong sức khỏe, bình an", bà Trương Hiền Tâm (ngụ quận 1) nói.
Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Vesak được tổ chức vào tháng 4 Âm lịch hàng năm, kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra ở thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Đây được coi là sự kiện trọng đại nhất đối với các phật tử trên toàn thế giới.