PhotoStory

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình

Thực hiện: Nam Anh

(Dân trí) - Hội vật làng Sình (TP Huế) diễn ra ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch với những pha võ đẹp mắt thu hút đông đảo người dân và du khách những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 1

Hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, TP Huế) được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người địa phương. Sau hơn 3 năm chịu ảnh của dịch Covid-19, hội vật năm nay thu hút hàng nghìn khán giả đến xem và cổ vũ.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 2

Hội vật làng Sình có từ thời chúa Nguyễn, cách đây hơn 400 năm. Trước kia, hội vật được tổ chức nhằm tuyển chọn các võ sĩ khỏe mạnh, giỏi võ vào lực lượng quân đội triều đình. Ngày nay, hội vật làng Sình được tổ chức như một hình thức giải trí đơn thuần của người dân địa phương.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 3
Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 4
Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 5
Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 6

Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, với đòn đánh làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng" (nghĩa là một phần hoặc cả hai phần lưng của đối phương phải lấm đất, bụng ngửa lên trời).

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 7

Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như: Bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt...

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 8

Khán giả đổ về rất đông từ sớm để cổ vũ cho các đô vật tham gia tranh tài.

"Năm nào tôi cũng đến làng Sình xem hội vật, đây là một nét truyền thống đẹp cần được gìn giữ và phát huy", ông Hoàng (62 tuổi, sống ở TP Huế) cho biết.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 9

Ngoài yếu tố sinh hoạt văn hóa sôi động những ngày đầu xuân, hội vật đề cao tinh thần thượng võ, khuyến khích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 10

Bên cạnh đó, hội vật truyền thống còn mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 11

Trước đó một ngày, làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) tổ chức hội vật truyền thống hàng năm. Sới vật nằm trước sân đình Thủ Lễ, một ngôi đình cổ to lớn, vẹn nguyên được các vua Nguyễn nhiều lần sắc phong và ngày nay đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 12

Hội vật truyền thống này không chỉ là sân chơi của riêng dân làng Thủ Lễ mà còn là nơi tụ hội đầu năm của người dân nhiều làng lân cận và từ khắp nơi trong tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 13

Ngay sau tiếng trống khai hội, cả sân đình làng chật ních, không còn chỗ trống. Người xem đông kín, chen lấn nhau chật như nêm tạo nên sức nóng của ngày hội.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 14

Sau hơn hai năm không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hội vật truyền thống làng Thủ Lễ năm nay thu hút hàng chục đô vật từ khắp các huyện của tỉnh về tranh tài.

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 15

Hội vật năm nay thu hút rất đông đảo du khách thập phương đến xem và cổ vũ cho các đô vật.

Chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi) chia sẻ: "Năm nào về quê nghỉ Tết tôi cũng ráng ở lại đến mùng 9 để xem hội vật truyền thống của làng. Đối với người dân địa phương thì hội vật truyền thống hàng năm như một món ăn tinh thần không thể thiếu vào dịp đầu xuân".

Đầu xuân về Huế xem hội vật làng Sình - 16

Anh Nguyễn Văn Quảng (31 tuổi) là đô vật đạt giải Nhất ở nội dung thanh niên tự do tại hội vật truyền thống làng Thủ Lễ.

"Năm nào tôi cũng về đây đăng ký tham gia thi đấu, đây là năm đầu tiên tôi đạt giải Nhất. Đầu năm tham gia gặp nhiều may mắn hi vọng cả năm làm ăn thuận lợi", anh Quảng chia sẻ.